(Mặt trận) - Ngày 4/6, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Công tác đối ngoại nhân dân nhìn lại chặng đường 10 năm qua – Tầm nhìn cho giai đoạn mới”. Dự và chủ trì Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Tọa đàm còn có sự tham dự của gần 200 đại biểu ở điểm cầu Trung ương và 14 điểm cầu trực tuyến địa phương.
|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Thực hiện Đề án số 08-ĐA/BĐNTW ngày 08/3/2021 của Ban Đối ngoại Trung ương về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “Công tác đối ngoại nhân dân nhìn lại chặng đường 10 năm qua - Tầm nhìn cho giai đoạn mới”.
Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận có tính chuyên sâu, tổng kết thực tiễn, cung cấp thông tin toàn diện và đa chiều hơn phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm Chỉ thị 04 của Ban Bí thư; đồng thời nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực đối ngoại, trọng tâm là công tác đối ngoại nhân dân.
Theo đó, Đại hội XIII của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Đại hội đã xác định "vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước" và nhiệm vụ "Triển khai nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân".
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, MTTQ Việt Nam đã củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đi vào chiều sâu với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên...chủ động mở rộng quan hệ và ký Bản Ghi nhớ với 5 đối tác mới có chức năng, nhiệm vụ tương đồng gồm Singapore, Đức, Nga, Pháp, Hàn Quốc, tích cực tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN, duy trì quan hệ với các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cùng các đại biểu chủ trì Tọa đàm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
|
Bên cạnh đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Mặt trận các cấp tích cực tham gia công tác vận động đấu tranh dư luận về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hòa bình, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhất là trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông trong những năm gần đây.
10 năm qua, MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, song vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận các vấn đề và đề xuất nhiều giải pháp nhằm duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đối ngoại nhân dân.
Ông Trần Đắc Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam cần mở rộng, củng cố và tăng cường quan hệ đối ngoại, ưu tiên phát triển quan hệ với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng, ASEAN. Trong đó, tích cực ủng hộ xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân, đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước, giữ vững hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung.
|
Quang cảnh tại các điểm cầu
|
Theo ông Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động đối ngoại nhân dân không những làm tăng cường quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước mà còn góp phần củng cố tình cảm và sự gắn kết cộng đồng người Việt ở nước sở tại với quê hương, đất nước.
Trên thực tế, công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài có mối liên quan mật thiết với nhau, thúc đẩy nhau phát triển. Vì vậy, cần kết hợp và xây dựng mối quan hệ phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và trong đó, MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương nên là cơ quan điều phối các hoạt động chung này.
|
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
|
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu có tính chuyên sâu, tổng kết thực tiễn cao và cung cấp thông tin toàn diện, đa chiều để phục vụ cho việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực đối ngoại, trọng tâm là đối ngoại nhân dân.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài mong muốn, cán bộ Mặt trận các cấp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.
Đồng thời, cần có định hướng, giải pháp, sản phẩm truyền thông để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, khai thác tối đa chức năng, lợi thế của internet, các cơ quan truyền thông, báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh đăng tải các tin, bài liên quan đến đối ngoại và kiều bào. Từ đó, nêu cao vai trò, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, cần tiếp tục coi trọng việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về đối ngoại nhân dân và vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Thời gian qua, việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, điều này làm hạn chế rất nhiều sức mạnh của kênh đối ngoại nhân dân, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động đến mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần tiếp tục tập trung triển khai một cách thực chất, có lộ trình cụ thể trong thời gian tới đây.
Về tổng thể, theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cần hình thành cơ chế để thống nhất nội dung, hình thức, phương pháp triển khai, phân công phối hợp công tác giữa kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
“Làm tốt việc này thì sức mạnh của mặt trận ngoại giao sẽ ngày càng lớn mạnh”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh và đề nghị Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao với phạm vi, lợi thế của mình nghiên cứu, giới thiệu các đối tác nước ngoài có vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ tương đồng với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để mở rộng quan hệ và thiết lập đối tác, đồng thời tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương trên thế giới và trong khu vực nhằm tránh chồng chéo hoặc bỏ trống những cơ chế quan trọng mà Việt Nam nhất thiết cần có đại diện tham gia.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cũng đề nghị, cán bộ Mặt trận các cấp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động thực hiện công tác đối ngoại nhân dân. Đồng thời, cần có định hướng, giải pháp, sản phẩm truyền thông để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, khai thác tối đa chức năng, lợi thế của internet, các cơ quan truyền thông, báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh đăng tải các tin, bài liên quan đến đối ngoại và kiều bào. Từ đó, nêu cao vai trò, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị tại buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài thống nhất đề xuất Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị mới về Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Tiến Đạt