Khai mạc Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) - Sáng 20/5, tại Hà Tĩnh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Thái cùng đại diện các ban, đơn vị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cùng dự còn có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và hơn 100 đại biểu là cán bộ Mặt trận, Tài nguyên và Môi trường các cấp đến từ 9 tỉnh, thành phố gồm Hà Tĩnh, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam. Đồng thời, hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 40 Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh trên cả nước.

Hội nghị nhằm trang bị những nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho các đại biểu.

Hội nghị cũng triển khai nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và cộng đồng dân cư trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai Chương trình phối hợp số 05/CTrPH - MTTW - BTNMT ngày 12/1/2021 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã triển khai thực hiện được hơn 2 năm, theo đó Luật đã đưa ra nhiều chính sách, từ cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề… tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu năng lượng...” - Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.

 Quang cảnh Hội nghị

Để thực thiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đề nghị đại biểu tập trung cụ thể hóa 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất đề ra trong Chương trình phối hợp số 05, gồm:

Một là, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Hai là, tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường. Trong đó tập trung ưu tiên xây dựng và nhân rộng tới các khu dân cư, cơ sở tôn giáo trong cả nước các mô hình về thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư.

Ba là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp phối hợp giữa Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, tổ chức tôn giáo với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp trong triển khai công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bốn là, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong đề xuất, phản biện xã hội, góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Năm là, phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường để nhân dân biết và giám sát.

Trọng tâm ưu tiên giám sát việc thu gom, xử lý chất thải của các địa phương; giám sát các dự án đang gây ô nhiễm môi trường; giám sát những điểm nóng, bức xúc và việc xử lý vi phạm về môi trường, hoạt động khai thác tài nguyên trái quy định.

Sáu là, tổ chức đánh giá và công bố mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, đánh giá kết quả bảo vệ môi trường hằng năm đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bảy là, tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với túi ni lông khó phân hủy, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiếp tục vận động các cộng đồng dân cư thay đổi thói quen, tập quán việc mai táng sang hỏa táng, bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Cuối cùng, đẩy mạnh toàn diện việc thực hiện “Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (theo Chương trình phối hợp riêng).

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày chuyên đề "Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam. 

Để Hội nghị tập huấn đạt được hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, bên cạnh các bài trao đổi của chuyên gia, hội nghị cần suy nghĩ và chuẩn bị các ý kiến để trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nội dung chính.

Cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương mình, nhất là xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trọng tâm là mô hình về thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư.

Ngoài những thuận lợi, kết quả thì cần đề cập những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai xây dựng mô hình điểm. Đặc biệt là kinh nghiệm để có thể nhân rộng một cách bền vững các mô hình hay, hiệu quả ra các địa phương khác và trên toàn quốc.

Công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và ngành tài nguyên và môi trường, các cơ quan chức năng trong triển khai Chương trình phối hợp số 05 trên 8 nội dung phối hợp, nhất là trong công tác phản biện chính sách, giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Bảo vệ môi trường.

Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về lĩnh vực tài nguyên, môi trường gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; về đánh giá sự hài lòng của người dân về môi trường sống; về xây dựng và nhân rộng các mô hình…

Các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể hơn là kiến nghị, đề xuất để triển khai hiệu quả, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm nhất Chương trình phối hợp của Mặt trận với ngành tài nguyên môi trường ở cấp Trung ương cũng như ở các địa phương trong thời gian tới.

“Tôi rất mong các đại biểu sẽ cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi để Hội nghị tập huấn thu được nhiều kết quả tốt đẹp” - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.