Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách cấp phòng và chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Lớp 1 - khóa IX

(Mặt trận) - Ngày 28/6, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ chuyên trách cấp phòng và chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam (Lớp 1 - khóa IX) năm 2022. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và phát biểu tại Lễ khai giảng.

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tại Lễ khai giảng 

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam (Trung tâm) luôn chú trọng đến việc tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận. Từ năm 2015 đến năm 2020 đã tổ chức 8 khóa bồi dưỡng, riêng trong năm 2020 đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận Lớp 1 tổ chức tại tỉnh An Giang với 138 học viên đến từ  20 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào); Lớp 2 tổ chức tại thành phố Hà Nội với 150 học viên tham dự đến từ  22 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra).

Năm 2022, khắc phục những điều kiện khó khăn về dịch bệnh và điều kiện về cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, Trung tâm đã gửi Thông báo chiêu sinh đến 63 tỉnh, thành phố và cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến nay số lượng đăng ký tham dự hai lớp học lên tới gần 300 học viên đến từ 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trung tâm đã thống nhất xây dựng chương trình bồi dưỡng gồm 12 chuyên đề với hình thức học tập trung trong 10 ngày là thời lượng phù hợp. Tham gia báo cáo viên, giảng dạy cho lớp bồi dưỡng là đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tế Mặt trận đến từ cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực 1.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Lễ khai giảng 

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng “Đề án tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới”. Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 11, khóa IX (họp ngày 27/12/2021, tại Hà Nội), Đoàn Chủ tịch đã thảo luận, nhất trí với Đề án và ban hành Kết luận số 02/KL-MTTW-ĐCT “Về tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới”. Đây là lần đầu tiên Đoàn Chủ tịch đã ban hành kết luận về công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho biết, mục tiêu chung của Đề án là nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ Việt Nam các cấp và cán bộ Mặt trận ở cơ sở có trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn; nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam; có kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động của Mặt trận nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân.

Nội dung của đề án cũng góp phần giúp các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp hiểu sâu thêm về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam hiện nay…

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng trao đổi với học viên tại lớp học 

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư,…

“Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, MTTQ Việt Nam phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức và năng lực công tác. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải có tính chuyên nghiệp cao. Công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận vì thế không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, mà còn là nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Ông Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ và Nghiên cứu Khoa học phát biểu tại Lễ khai giảng 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, mỗi học viên cần nêu cao tinh thần tự giác, ý thức, trách nhiệm, tập trung cao độ về thời gian, tham gia đầy đủ các chuyên đề; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về các chuyên đề nêu trên để tìm ra tiếng nói chung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của MTTQ trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, đội ngũ báo cáo viên, hướng dẫn học viên nghiên cứu nội dung chuyên đề theo hướng khái quát lý luận, đặc biệt phải có ví dụ thực tiễn minh họa, tăng cường trao đổi 2 chiều giữa báo cáo viên và học viên. Đồng thời, Ban Tổ chức lớp bồi dưỡng quản lý quân số theo đúng thành phần, số lượng học viên tham dự, thực hiện đầy đủ nội dung theo thời gian biểu trong chương trình; tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý, đề xuất của học viên, quan tâm, hỗ trợ tốt nhất các điều kiện phục vụ giảng dạy của báo cáo viên; các điều kiện phục vụ học tập, ăn ở, sinh hoạt của học viên.