Hướng tới xây dựng một xã hội thực sự an toàn, hạnh phúc

(Mặt trận) - Chiều 21/12, góp ý tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khoá IX, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020, trong tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành công rõ nét nhất của MTTQ Việt Nam là việc tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như đổi mới phương thức hoạt động.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh. 

Điều này được thể hiện rõ nét thông qua hoạt động không gián đoạn từ Trung ương đến địa phương, đồng thời cũng có ý nghĩa rằng, MTTQ các cấp đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc và phục vụ nhân dân.

“Có thể nói, tuổi tác của cán bộ làm công tác Mặt trận không quan trọng bằng sự thay đổi về phương thức hoạt động để từ đó, sự gắn kết giữa MTTQ Việt Nam với Đảng, chính quyền các cấp ngày càng rõ nét. Khi tiếng nói của Mặt trận được nhân dân quan tâm, chính quyền sẽ có ý thức và căn cứ để điều chỉnh, bổ sung các quy định của mình để hợp lòng dân”, bà Châu chia sẻ.

Một thành công nữa mà MTTQ Việt Nam đã đạt được trong năm qua, đó là sự định lượng được lòng dân thông qua các cuộc vận động, tuyên truyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điển hình, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giảm giờ làm, giảm nhân công để chấp hành thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh mặc dù việc làm này gây thiệt hại không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp đó.

Đồng thời, khi dịch Covid-19 xảy ra, phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân” đã được vận dụng thành công, thể hiện rõ nét qua việc ngoài ngân sách địa phương, MTTQ Việt Nam còn tiếp nhận nguồn lực từ sự chung sức, chung lòng ủng hộ của các nhà hảo tâm, ủng hộ người nghèo, chăm lo cho người dân bán vé số, người lao động bị mất việc làm, thất nghiệp,...

Mặt khác, bà Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được khẳng định qua việc tuyên truyền, vận động lòng dân cũng như công tác giám sát phản biện xã hội.

Để nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam cần được đẩy mạnh thực hiện thông qua việc thể chế hóa các quy định trong luật hay quy định cụ thể định lượng văn bản, tạo cơ chế thi đua khen thưởng, tránh tình trạng trả lời chậm của chính quyền các cấp, từ đó MTTQ Việt Nam các cấp có thể trả lời ý kiến, kiến nghị người dân sớm nhất, tiếng nói của người dân đến các cấp chính quyền và được giải quyết thỏa đáng.

GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm HĐTV về Khoa học giáo dục và Môi trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh. 

Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm HĐTV về Khoa học giáo dục và Môi trường cho rằng, thời gian vừa qua, Mặt trận đã góp phần giải quyết được những bức xúc của nhân dân như làm tốt công tác phòng chống Covid–19, ủng hộ bão lũ….tuy nhiên, những bức xúc của nhân dân về mặt tinh thần thì vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện hơn nữa, vì tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp vẫn còn, vẫn nhiều.

Ông Nguyễn Lân Dũng đề nghị, Ủy viên Đoàn Chủ tịch có thêm quyền chuyển đơn thư có dấu treo, những đơn thư đáng tin cậy tới các đơn vị có trách nhiệm giống như quyền của Đại biểu Quốc hội.

“Nếu làm được điều này, các nhân sỹ trí thức là những Ủy viên Đoàn Chủ tịch có thể giúp Mặt trận có thêm kênh phản ánh bức xúc của nhân dân để gửi tới các cấp chính quyền. Ví dụ, thời gian vừa qua, bộ sách giáo khoa lớp 1 đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Các thành viên HĐTV về Khoa học, giáo dục và Môi trường hoàn toàn có đủ năng lực để phản biện nhằm góp phần giảm bức xúc trong nhân dân nếu được đặt hàng”, ông Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh. 

Bày tỏ nhất trí với các dự thảo báo cáo, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, báo cáo cần bổ sung thêm về những điểm sáng của công tác đối ngoại nhân dân.

Năm 2021, công tác đối ngoại nhân dân có nhiều hoạt động nổi trội đóng góp vào thành công chung của cả nước. Một trong những điểm sáng là chúng ta đã có những hoạt động hỗ trợ bạn bè các nước vượt qua đại dịch Covid-19, huy động các nguồn lực ủng hộ các tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả bởi thiên tai mưa lũ.

Đặc biệt là trong thành công trong năm chủ tịch ASEAN có đóng góp của công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đã phối hợp với các tổ chức thành công diễn đàn nhân dân ASEAN.

Về nhiệm vụ năm 2021, bà Nguyễn Phương Nga kiến nghị, trong nhiệm vụ tăng cường vận động tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên bổ sung thêm công tác thông tin đối ngoại của Mặt trận để thông tin rộng rãi tới bạn bè quốc tế về Đại hội Đảng toàn quốc XIII, các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bà Nga cũng mong rằng trong kỳ bầu cử Quốc hội tới chỉ tiêu vì bình đẳng giới, nhất là sự tham gia của phụ nữ vào Quốc hội và HĐND các cấp được thực hiện tốt.

“Trong năm 2021, bên cạnh việc vận động nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua, Mặt trận cần bổ sung thêm một phong trào thi đua để tăng cường nhận thức của người dân nhằm hướng tới xây dựng một xã hội thực sự an toàn, hạnh phúc”, bà Nga đề nghị.