(Mặt trận) - Sáng ngày 8/5, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
|
Chủ trì Hội nghị |
Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.
Tham dự Hội nghị có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, các vị Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện quy định của Luật MTTQ Việt Nam và quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ tổ chức 23/5, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có bản báo cáo trước Quốc hội tập hợp tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp của Quốc hội.
“Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến nhằm góp ý thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cụ các vị, các đồng chí phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để có được một bản báo cáo thể hiện sâu sắc tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Cùng với đó Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có ý kiến gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành cơ quan chức năng xem xét giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống của người dân.
Nhấn mạnh đây là một báo cáo rất quan trọng trước Quốc hội đòi hỏi có tính xây dựng, rất thẳng thắn nhưng cũng phải mềm dẻo toàn diện nêu cả những mặt tốt, những điểm còn băn khoăn trăn trở, lo lắng, do vậy việc nâng cao chất lượng của báo cáo, cũng là dịp để nâng cao vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, sau Hội nghị hôm nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
|
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nội dung của dự thảo đã có sự tổng hợp toàn diện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đời sống của nhân dân, sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tổ chức thành viên trong các chương trình hành động. Đồng thời, báo cáo đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế mà nhân dân, cử tri cả nước đang quan tâm, mong đợi.
Góp ý vào nội dung của báo cáo, bà Hà Thị Nga đề nghị, dự thảo cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua, như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TP Hồ Chí Minh; bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La,... Cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này.
Bà Hà Thị Nga cũng đề nghị, các cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể để vận động xã hội, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng các việc vụ việc kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ trong gia đình bị hại mà còn gây hoang mang cho người dân.
Việc này đã làm, tuy nhiên cần có sự quan tâm thỏa đáng đầy đủ, cần có giải pháp mạnh hơn trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân, không để xảy ra các hành vi tương tự.
Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch, bà Hà Thị Nga đề xuất cần kiến nghị bổ sung để Nhà nước có giải pháp hữu hiệu hơn trong phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình; cần tổ chức nghiên cứu các mô hình “Nhà tạm lánh”, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình; cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo và tập hợp ý kiến của Đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước cho thấy rất nhiều kiến nghị.
Qua tổng hợp ý kiến thấy nhiều vấn đề như: Việc làm cho thanh niên sau đại dịch, đặc biệt vấn đề bạo lực trẻ em gái, bạo lực trong gia đình và những vấn đề khác liên quan đến các mối quan tâm của thanh niên cũng được Trung ương Đoàn tổng hợp đầy đủ.
Về báo cáo tóm tắt gửi đến Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc phân cấp, phân quyền để đẩy mạnh kinh tế tư nhân, về cải cách thủ tục hành chính, cho thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, đã có chương trình hành động cũng như ban hành các văn bản cải cách thủ tục hành chính với những yêu cầu, công việc cụ thể.
"Chỉ trong 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên 12,5%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau COVID-19 và quyết tâm của Chính phủ, chính quyền các cấp khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến mới", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị xem lại tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Rõ ràng với việc thúc đẩy nhanh tiến độ của các công trình trọng điểm quốc gia, giải quyết các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan so với năm 2021 nhưng vẫn chưa phù hợp so với thực tiễn đặt ra.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay, các Bộ, ngành đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, do đó, các Bộ, ngành cần chủ động hơn trong triển khai thực hiện vì hiện nay đồng bào các dân tộc đang rất mong chờ.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại một cách thận trọng việc dạy và học môn lịch sử và các chương trình giáo dục phổ thông; trong đó có việc đưa môn lịch sử vào làm môn học bắt buộc.
"Nếu xét ở nhiều khía cạnh thì nhiều nội dung chương trình học không đúng với tinh thần giáo dục hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Chúng ta cần phải nhấn mạnh vai trò của môn học Lịch sử trong giáo dục", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
|
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của người dân trong thời gian đất nước đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa là vấn đề khiếu kiện của người dân có xu hướng gia tăng.
Trong thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có sự giảm nhưng trong dư luận xã hội, người dân luôn luôn thấy rằng, vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, chưa hiệu quả. Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực, bỏ nhiều công sức nhưng vẫn còn đó những hạn chế, bất cập.
Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân khách quan là khi kinh tế - xã hội phát triển thì mâu thuẫn, tranh chấp kinh tế ngay trong hộ gia đình hay trong xã hội là không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra, khi có mâu thuẫn tranh chấp thì cần giải quyết như thế nào, giải pháp ra sao? Đây là vấn đề lớn và cần được nghiên cứu, xem xét kỹ hơn. Kể cả vấn đề vi phạm pháp luật và tội phạm ngày càng gia tăng, do vậy cần có những giải pháp hữu hiệu, triệt để với vấn đề này. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan cũng xuất phát từ những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường tác động tới các tổ chức và các chủ thể trong xã hội.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Thịnh cho rằng, xuất phát từ lợi ích của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người dân không am hiểu về pháp luật, dẫn đến khiếu kiện không phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng chưa giải quyết triệt để khiếu kiện của người dân, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc kéo dài trong thời gian qua. Trong đó, có một phần xuất phát từ một số cán bộ xuất hiện tình trạng tham nhũng, tiêu cực mà chưa bị phát hiện, gây mất niềm tin của nhân dân với đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng, về thể chế, kinh tế - xã hội phát triển rất nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật hiện hành không theo kịp với sự phát triển.
Vì vậy, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, cần xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tương xứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của tổ chức và của Nhà nước, từ đó góp phần tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian đại dịch kéo dài, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội trong thời gian tới.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị |
Tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên theo bà Lan Hương khi đánh giá về tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Đảng, Nhà nước cần tránh những câu chữ tuyệt đối trong việc nhận định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn; đề nghị bổ sung việc đánh giá niềm tin, sự tin tưởng của nhân dân với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên bởi lẽ Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức thành viên cũng là một thành tố của hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Cũng theo Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội, trong quản lý không gian mạng và những vấn đề về an ninh mạng, vừa qua Chính phủ và các bộ ngành đã quan tâm nhưng để theo kịp với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và sự phát triển của tất cả những lĩnh vực được sử dụng và tác động trực tiếp của công nghệ thông tin cần có sự đầu tư nhiều hơn từ vấn đề về an ninh mạng đến mua bán thương mại online, trực tuyến.
Điều này không chỉ dừng lại ở vấn đề phát triển kinh tế mà còn là những vấn đề về văn hóa, an toàn thực phẩm, những vấn đề về đạo đức. Việc quản lý về không gian mạng, an ninh mạng cần có sự quan tâm nhiều hơn.
Bà Lan Hương cũng kiến nghị, dự thảo bảo báo cần quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên và khoáng sản tránh tình trạng mùa xuân vừa khởi động Tết trồng cây, ngành ngành trồng cây, người người trồng cây thì ngay sau đó lại có những vụ phá rừng với quy mô lớn, quy mô cực lớn.
“Việc quản lý về tài nguyên, khoáng sản cũng phải được đề cập trong báo cáo và là một kiến nghị của Mặt trận để Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải quan tâm đến vấn đề này. Chứ cứ sau trồng cây lại đưa tin về phá rừng thực sự tâm tư người dân sẽ không vui”, bà Lan Hương nói.
Về vấn đề dạy và học trực tuyến bên cạnh việc đánh giá về chất lượng dạy học trực tuyến trong hai năm vừa qua theo Chủ tịch Mặt trận TP Hà Nội những vấn đề về tâm sinh lý, về sức khỏe của học sinh và thầy cô cũng cần được coi trọng và đánh giá nhất là học sinh đầu cấp và cuối cấp và cả cấp tiểu học, mầm non phải ở nhà và được học trực tuyến.
“Phải có đánh giá đầy đủ và toàn diện để cùng với những biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục cần quan tâm đến yếu tố thể chất, tinh thần, tâm sinh lý cho các cháu”, bà Lan Hương đề xuất.
|
Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cử tri nhân dân rất phấn khởi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường; Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng chống tham nhũng; an sinh xã hội được bảo đảm..
Nhưng cử tri vô cùng bất bình với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đó là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, dân rất bất xức về việc nhiều cán bộ làm giàu từ đất đai, cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích, đây là vấn đề lớn mà xã hội rất bức xúc, cần được xử lý. Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" ở tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp, không để người giàu lại giàu thêm, người nghèo lại thêm nghèo do hành vi làm ăn phi pháp.
Bà Hà Thị Liên cũng bày tỏ to lắng về tình trạng một bộ phận người lao động do khó khăn trước mắt đã thanh toán, rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ không bảo đảm đời sống. Đây là một vấn đề nổi lên của xã hội hiện nay, đe dạo an sinh xã hội. MTTQ cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội để tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc này, đồng thời Chính phủ phải có giải pháp để giải quyết việc này.
|
Ông Lê Mã Lương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Góp ý vào dự thảo báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, ông Lê Mã Lương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật đất đai sửa đổi.
Theo ông Lê Mã Lương, hiện nay vấn đề đất đai có nhiều hệ lụy. Thực tế tại nhiều địa phương hơn 70% các vụ khiếu kiện ở Trung ương và địa phương chủ yếu liên quan liên quan đến đất đai.
Đóng góp ý kiến về những kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Lê Mã Lương bày tỏ đồng tình với việc đề nghị Bộ Giáo dục đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá một cách khác quan, toàn diện về việc đưa môn lịch sử bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn.
Ông Lê Mã Lương kiến nghị, ở với bậc Trung học phổ thông không tích hợp môn sử với môn học khác mà phải là môn học bắt buộc. Ở bậc trung học phổ thông việc trang bị dạy học lịch sử là rất cần thiết. Khi học sử một cách toàn diện, căn bản nhất thì sẽ trang bị hành trang vững vàng cho học sinh tốt nghiệp THPT. Bởi khi vào bậc đại học chỉ có một số trường như trường Đại học KHXHNV có đào tạo chuyên sâu về lịch sử còn một số trường đại học cao đẳng khác coi việc học lịch sử chỉ là “học lướt” qua.
|
Ông Thạch Dư, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội nghị |
Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, ông Thạch Dư, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, việc lắng nghe, tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân để phản ánh tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội là việc làm rất quan trọng, góp phần đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp với mong muốn của nhân dân và tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc làm này trên thực tế còn nhiều khó khăn.
Thực tế ở nhiều địa phương, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch chưa có điều kiện tham gia trong các hoạt động lấy ý kiến. Do vậy, ông Thạch Dư đề xuất, để phát huy vai trò của Ủy viên Đoàn Chủ tịch trong tiếp xúc cử tri, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có thông báo với địa phương để tạo điều kiện cho Ủy viên Đoàn Chủ tịch được tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, từ đó phát huy tốt hơn vai trò của mình để nắm bắt ý kiến của cử tri thiết thực và cụ thể hơn.
Hiện nay, vấn nạn ma túy vẫn đang diễn biến khá phức tạp, ma túy đá tràn lan trong giới trẻ và đến cả những vùng nông thôn, ông Thạch Dư đề nghị, cần có kiến nghị để các cơ quan chức năng đưa ra những kế hoạch, chiến lược cụ thể để dập tắt tệ nạn này. Bởi, hệ lụy của tệ nạn ma túy sẽ ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Do vậy, cần có biện pháp ngăn chặn sớm nhất để hạn chế những rủi ro trong thời gian tới.
"Về phòng chống tham nhũng, nhân dân rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, nhưng nhân dân cũng cho rằng, cần có cơ chế, cách thức để ngăn ngừa tham nhũng, rõ đối tượng nào, lĩnh vực nào để phòng tham nhũng, nếu không sẽ chỉ chạy theo để chống tham nhũng. Thể chế phải bảo đảm minh bạch, công khai, không để người ta tham nhũng thì mới hiệu quả.", ông Thạch Dư nói.
|
Ông Trần Đắc Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu |
Ông Trần Đắc Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, dự thảo báo cáo cần có sự rà soát, tổng kết lại việc thực hiện Luật Quốc tịch. Vấn đề không phải chỉ bản thân Luật Quốc tịch mà còn hệ thống các văn bản dưới luật gồm nghị định, thông tư, các quy định, cơ chế giải quyết, thái độ của các ngành, các cấp,... Đây là vấn đề mà bà con kiều bào ở nước ngoài rất quan tâm.
Đặc biệt trải qua diễn biến của đại dịch Covid-19 và tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine, vấn đề bảo hộ công dân càng phải được quan tâm, thể hiện thái độ chính trị của nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
|
Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, cử tri cả nước đang dành sự quan tâm đến vấn đề “hậu Covid-19”, cụ thể liên quan đến vấn đề tâm lý của trẻ em, đặc biệt các em nhỏ đang có xu hướng gia tăng mắc một số bệnh trầm cảm sau đại dịch. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo chưa nêu chưa đầy đủ vấn đề này, bởi đây là vấn đề mới và có ảnh hưởng đến con em của rất nhiều gia đình, liên quan đến chất lượng con người.
Bởi vậy cần có kiến nghị cụ thể để các cơ quan nhanh chóng nghiên cứu, tìm ra giải pháp để ngăn chặn sớm tình trạng này, nếu không tình trạng này tiếp diễn sẽ trở thành vấn đề nguy hại, ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai của đất nước.
Nhắc tới vấn đề ách tắc trong lưu thông hàng hóa ở thị trường trong nước nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để, ông Lê Truyền cho rằng, bên cạnh việc tập trung nông sản cho thị trường xuất nhập khẩu, cần quan tâm nhiều hơn đến tiêu thụ các sản phẩm này ở thị trường trong nước. Nhà nước phải xem xét lại việc quản lý và phải có cách làm như thế nào để tiêu thụ nông sản và nhân dân cũng được sử dụng những sản phẩm đó, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì quyền lợi của nhân dân.
Về vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lê Truyền cho rằng, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại với hiện tượng các bị can trốn ra nước ngoài vẫn tiếp diễn và ngày càng khó khăn hơn, dẫn đến những lo ngại về các vấn đề liên quan. Do đó, trong báo cáo cần có cách thể hiện vấn đề này như thế nào để giải quyết được những dấu hiệu khó khăn trong phòng, chống tham nhũng, tránh để tiếp diễn tình trạng này trong thời gian tới.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Trân trọng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, xây dựng của các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV; đồng thời kỳ vọng bản báo cáo của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của cử tri và nhân dân qua đó nâng cao vị thế nâng cao vị thế, uy tín của Mặt trận, để hoạt động của MTTQ Việt Nam ngày càng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
“Phải đề cao hơn nữa trách nhiệm đầu tư trí tuệ, tập trung cho báo cáo này để làm sao thể hiện được đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, kiến nghị những vấn đề xác đáng, giải quyết những vấn đề sát sườn liên quan đến quyền lợi của nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo… Điều đấy cho thấy niềm tin và triển vọng của kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế của Việt Nam rất tích cực và được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
“Kinh tế phát triển, tình hình anh ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng, chính quyền có những chuyển biến tích cực. Lòng dân đang rất phấn chấn.” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ
Bày tỏ kỳ vọng năm 2022 đất nước ta sẽ gặt hái được nhiều thành công mới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, với vai trò hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ góp công góp sức cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa đất nước ta phục hồi, phát triển nhanh bền vững sau đại dịch Covid-19, cải thiện đời sống nhân dân.
|
Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị |
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh