(Mặt trận) - Sáng ngày 23/1, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng, Hoàng Công Thủy.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, căn cứ Điều lệ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả công tác Mặt trận năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, năm 2024 là thời điểm tổ chức Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029 với nhiều công việc quan trọng cần phải hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động một cách chặt chẽ để thu được kết quả tốt nhất.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị |
Bởi vậy, mục đích của Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm lắng nghe những ý kiến xác đáng, tâm huyết của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố vào 4 nội dung quan trọng: Đánh giá kết quả hoạt động của công tác Mặt trận năm 2023; đánh giá kết quả vận động xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên cơ sở đánh giá tổng kết chương trình vận động làm nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên để phát động cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc; thảo luận về kế hoạch tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong toàn quốc trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; thảo luận một số nội dung về công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và một số nội dung trong các dự thảo văn bản trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Nhấn mạnh đây là những nội dung rất quan trọng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị với tinh thần phát huy dân chủ đề cao trách nhiệm, các đại biểu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã trình bày nội dung định hướng thảo luận về công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và một số nội dung trong các dự thảo văn bản trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày Kế hoạch tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong toàn quốc trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Trên cơ sở đó, đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả những nội dung trọng tâm mà Hội nghị đề ra.
|
Quang cảnh Hội nghị |
|
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Thông tin về kết quả triển khai đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, với đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay, sau 9 tháng đã hoàn thành 100% mục tiêu dù quá trình triển khai thực hiện khó khăn do địa hình, vận chuyển vật liệu khó khăn.
“Triển khai Đề án, tỉnh Điện Biên đã rất nhanh chóng rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ với phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm và người dân được tự quyết định mẫu nhà phù hợp với truyền thống của mình với hỗ trợ tối thiểu 50 triệu/căn. Chính bởi vậy Đề án nhận được sự đồng thuận, nên làm rất nhanh, trong khoảng 9 tháng đã hoàn tất 5.000 căn nhà với số vốn cần huy động là 250 tỷ đồng”, ông Lò Văn Mừng cho biết.
|
Ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị |
Về công tác chuẩn bị gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Mừng cho biết, sau khi nhận được văn bản của Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức, triển khai hoạt động này trên địa bàn. Trong đó, các đối tượng cần gặp mặt thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu.
“Tuy nhiên hiện các cụ giờ tuổi trung bình cũng đã 90 tuổi trở lên. Nhiều cụ đã già yếu, không di chuyển được” ông Mừng cho biết và đề nghị nên cần sự tính toán hợp lý và chỉ gặp mặt những người còn đủ sức khỏe; còn đối với người có sức khỏe yếu thì không tổ chức gặp mặt mà tổ chức đi thăm, tặng quà.
|
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị |
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong toàn quốc trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là hoạt động ý nghĩa, nhân văn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có đóng góp đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, khơi dậy truyền thống đoàn kết với vai trò chủ trì, nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với tổng số dân công hỏa tuyến là 178.924 người. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai các hình thức phù hợp để gặp gỡ, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Về chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong phạm vi toàn quốc, bà Phạm Thị Thanh Thủy cho rằng đây là việc làm cần thiết, thể hiện thương hiệu của MTTQ Việt Nam. Cùng với thành tựu của đất nước, người dân phải được thụ hưởng một cách thực chất, trước hết là ngôi nhà để "an cư lạc nghiệp". Do đó không nên để chậm trễ trong quá trình triển khai, huy động sức mạnh tổng hợp hoàn thành theo kế hoạch. Mỗi địa phương cần có cách chỉ đạo, tập trung, khẩn trương, làm dứt điểm, có lộ trình để tổ chức triển khai.
Tuy nhiên theo bà Thủy, hiện nay việc quản lý Quỹ "Vì người nghèo" và huy động nguồn lực trong các doanh nghiệp là không phải dễ. Bởi vậy, việc lồng ghép, phối hợp để sử dụng nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa thông qua MTTQ Việt Nam là cần thiết.
Cùng với đó, hiện nay các đoàn thể đều có chương trình vận động nguồn lực làm nhà cho người nghèo, MTTQ Việt Nam phải phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì để phân vai, phân rõ trách nhiệm trong việc huy động và xác định rõ đối tượng, cùng với ngành Lao động, thương binh và xã hội của địa phương rà soát tổng thể, phân trách nhiệm, triển khai bài bản, thực chất, sử dụng nguồn lực minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, để quản lý nguồn lực chặt chẽ minh bạch, công khai đúng quy trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam sớm nghiên cứu, xem xét sửa đổi Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” để phù hợp với tình hình hiện nay và phù hợp với Thông tư 41 của Bộ Tài chính nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.
|
Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận chia sẻ niềm vui mừng khi cảm nhận được sự đổi mới, quyết tâm, quyết liệt trong triển khai hoạt động của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh, sự đổi mới này đã tạo hiệu ứng lan tỏa và tạo động lực cho MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, quyết tâm, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Đề cập tới nội dung liên quan tới công tác tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam khóa X, ông Lê Văn Bình bày tỏ nhất trí với tiêu đề Đại hội: “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Ông Lê Văn Bình cho rằng, nội dung tiêu đề cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển” phải thể hiện tinh thần đổi mới của cả hệ thống Mặt trận trong xuyên suốt nhiệm kỳ.
Đề cập tới nội dung “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong phạm vi toàn quốc, ông Bình đã chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Đề án “Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025” và đề ra mục tiêu đây là công trình chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024-2029.
Từ thực tế tỉnh Ninh Thuận còn 21.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong đó có 1.600 hộ chưa có nhà ở hoặc nhà tạm bợ, ông Lê Văn Bình cho biết, mục tiêu đề án đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ xây dựng 1.243 căn nhà (có 400 hộ không có đất làm nhà sẽ được tỉnh hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng). Lộ trình thực hiện trong năm 2023 là 243 căn, năm 2024 triển khai 500 căn, năm 2025 triển khai 500 căn. Nguồn kinh phí xây mỗi căn nhà tối thiểu 100 triệu đồng; trong đó, nguồn vận động xã hội hóa và nguồn ngân sách tỉnh 70 triệu đồng, số còn lại huy động từ gia đình, bà con, dòng họ, cộng đồng.
“Đây là cơ sở để địa phương xây dựng được ngôi nhà đảm bảo diện tích, công năng sử dụng”, ông Lê Văn Bình nêu rõ đồng thời chia sẻ hiện nay MTTQ các cấp trong tỉnh đang từng bước nâng cao năng lực huy động thông qua nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh và mong muốn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để các tỉnh khó khăn như Điện Biên, Ninh Thuận, các tỉnh Tây Bắc,… có thêm nguồn lực xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn.
Nhắc tới Quyết định 120-QĐ/TW ngày 6/9/2023 của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Bình cho rằng đây là cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị nhằm nâng cao vị thế và đổi mới cơ cấu bộ máy của UBTƯ MTTQ Việt Nam và mong muốn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng để ban hành một văn bản thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của MTTQ Việt Nam tại địa phương, từ đó tạo đồng bộ trong toàn hệ thống và cơ sở pháp lý cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố hoạt động.
“Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ, trao đổi với các tỉnh, thành ủy, để từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hệ thống Mặt trận tại mỗi địa phương”, ông Bình nêu ý kiến.
|
Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị |
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho biết, xác định rõ chăm lo cho người nghèo vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, trong đó tập trung thực hiện tốt “3 an”, đó là an ninh, an sinh, an toàn, hướng đến mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân. MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang xác định đây là một phong trào thi đua, là công trình, phần việc có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024-2029. Do vậy, Đảng đoàn MTTQ tỉnh Bắc Giang sớm tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 307-NQ/TU ngày 06/12/2023, trong đó giao cho MTTQ chủ trì, phối hợp tuyên truyền vận động các nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh góp công, góp sức.
Qua đó chung tay giúp đỡ nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để triển khai thực hiện bằng được mục tiêu xóa xong 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trong năm 2024. Với quan điểm: “Phải làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng lên không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội”, nguồn kinh phí thực hiện 100% từ xã hội hóa, không sử dụng đến tiền ngân sách.
“Để thực hiện mục tiêu phấn đấu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có công gặp khó khăn về nhà ở, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh bạn, chung tay cùng Bắc Giang thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra”, ông Trần Công Thắng bày tỏ.
|
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội nghị |
Nêu ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre cho rằng, qua thực tiễn việc tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và các nội dung về vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần quan tâm đến các nội dung thúc đẩy chương trình hoạt động về chuyển đổi số trong hệ thống MTTQ các cấp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cũng kiến nghị, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương có những nội dung quy định về bộ khung tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan chuyên trách MTTQ cấp tỉnh.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sớm có nội dung sửa đổi, ban hành quy chế mới về quản lý, sử dụng Quỹ "Vì người nghèo". Bên cạnh cơ chế, các vấn đề sử dụng đồng nhất với các văn bản, quy định pháp luật, cần xem xét lại mức chi từ quỹ này. Hiện nay mức chi đang còn thấp, cần quy định lại để đảm bảo đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ để thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt là xây dựng nhà ở.
|
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị |
Đồng quan điểm, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong điều kiện Mặt trận phải thực hiện theo các quy định của Đảng về biên chế, số lượng cán bộ Mặt trận hiện rất ít. Để có thêm sự hỗ trợ cho hoạt động của công tác Mặt trận, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các ban, văn phòng của cơ quan Ủy ban MTTQ các cấp là rất cần thiết.
Về chương trình hành động năm 2024, bà Trần Kim Yến cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cần đưa thêm điểm nhấn về Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời lan tỏa ý nghĩa cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong công tác giám sát, ngoài những nội dung nêu trong dự thảo báo cáo, bà Trần Kim Yến đề xuất cần quan tâm đến công tác theo dõi, đeo bám kết quả giám sát. Hiện nay, sau mỗi nội dung giám sát, MTTQ Việt Nam đều có kiến nghị, tuy nhiên việc đeo bám để có kế hoạch khắc phục những hạn chế, thiết sót mà Mặt trận đã đề ra chưa thực sự được quan tâm tại một số địa phương. Cho nên việc đeo bám để cấp ủy, chính quyền phải thực hiện kiến nghị của MTTQ Việt Nam sau giám sát là thực sự quan trọng.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu kết luận Hội nghị |
Trân trọng tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, để triển khai các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy đề nghị quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố thực hiện những nội dung trọng tâm trong năm. Đặc biệt là quan tâm chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt cuộc gặp mặt, tặng quà, tri ân những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, từ thành công của đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên, thiết thực lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2026-2030, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Chính phủ phát động cuộc vận động phát huy truyền thống đoàn kết nhân ái của dân tộc, huy động mọi nguồn lực “triệu tấm lòng yêu thương, vạn mái nhà hạnh phúc” hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo toàn quốc.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành phố quan tâm xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Nghiên cứu quán triệt triển khai cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tăng cường giám sát và phản biện xã hội, triển khai hiệu quả các chương trình giám sát trong phạm vi toàn quốc; Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện 3 đề án có tính toàn quốc: Đề án bồi dưỡng cán bộ mặt trận các cấp giai đoạn 2024-2029; Đề án đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; Đề án chuyển đổi số trong hệ thống MTTQ các cấp.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng, phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024, MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố sẽ cố gắng hơn nữa, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh