Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Ngày 28/2, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Chủ trì Hội nghị

Trong năm qua, Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo đã quyết tâm triển khai thực hiện các hoạt động và hoàn thành các nội dung, kế hoạch hoạt động của năm 2022, trong đó có nhiều công việc mang tính trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao như góp ý vào dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo; góp ý vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều  và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức khảo sát hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng tại 3 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang kết hợp với công tác kiểm tra tôn giáo của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cùng với đó vai trò tham gia tư vấn giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng tư vấn về tôn giáo đã ngày một nâng cao và Hội đồng đã chủ động trong tham gia nội dung giám sát, phản biện xã hội liên quan đến đời sống tôn giáo, nhận được nhiều thiện cảm của nhiều giáo hội, các tổ chức tôn giáo. Các thành viên trong Hội đồng đều tâm huyết, có uy tín, năng lực trình độ và tích cực đóng góp cho hoạt động của Hội đồng.

Đề xuất tiêu chí cấp đất cho các tôn giáo

Quang cảnh Hội nghị 

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng tư vấn về Tôn giáo đã cùng thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đề cập đến nội dung giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai của Chương XV, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, ở Điều 218, dự thảo chỉ nêu: “Giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp về việc quản lý và sử dụng đất đai” là chưa đủ. Cần xem xét lại những quy định chung về vai trò, trách nhiệm của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 20) để có một điều khoản cụ thể về giám sát của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có thành viên là tổ chức tôn giáo các cấp về quản lý và sử dụng đất đai, để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong việc sử dụng và giám sát nhiệm vụ quản lý đất đai của chính quyền các cấp.

Ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo ông Lê Bá Trình, khoản 2 Điều 203 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có ghi: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo”. Cụm từ “căn cứ nhu cầu thực tế” còn mang tính chung chung, khó để chính quyền cấp tỉnh xác định tiêu chí cấp đất cho có tổ chức tôn giáo một cách chính xác, khách quan; dẫn đến tình trạng có tổ chức tôn giáo thì được cấp đất một cách dễ dãi, tổ chức tôn giáo khác lại gặp khó khăn, nên nội dung này chỉ cần diễn đạt thành “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng tiêu chí cụ thể về tổ chức và hoạt động của tổ chức tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo”.

Dự thảo Luật cũng cần làm rõ khái niệm “đất rừng tín ngưỡng” ở khoản 1 Điều 204. Nếu không làm rõ khái niệm, phạm vi “đất rừng tín ngưỡng” thì sẽ dẫn tới việc có thể lợi dụng công tác quản lý Nhà nước để cấp đất và công nhận quyền sử dụng đất tràn lan cho hoạt động tín ngưỡng để trục lợi ở các địa phương.

Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) phát biểu. 

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Bá Trình, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) kiến nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể nhằm phân định rõ “nhu cầu chính đáng” của các tôn giáo để cấp chính quyền có cơ sở pháp lý cụ thể để xét duyệt, giải quyết các nhu cầu như thờ tự, đào tạo,... hợp pháp của các tôn giáo, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch đối với việc cấp, giao đất phục vụ cho nhu cầu tôn giáo.

 Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ở góc độ khác, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng cần thể chế Chính sách Cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo theo Nghị quyết 18-NQ/TW (ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao). 

Hiện nay, Điều 54 Luật Đất đai 2013 quy định cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2013 thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Theo Nghị quyết 18-NQ/TW thì trong tương lai, việc giao đất cho cơ sở tôn giáo phải được quy định theo hướng nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo; các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật; quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương. Nghị quyết 18-NQ/TW cũng yêu cầu bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh. “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Ông Ngô Sách Thực cũng cho rằng cần chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách: tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả, tránh lợi dụng chính sách để “ôm“ đất “đầu cơ“ đất. Tuy nhiên, mục đích hoạt động xã hội của các tôn giáo đều nhằm phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội, không có mục đích kinh doanh, phi lợi nhuận nên phải có chế độ miễn, giảm tiền thuê đất.

Tại Điều 203. Đất tôn giáo và Điều 204. Đất tín ngưỡng chưa qui định rõ thật cụ thể diện giao đất không thu tiền và thuê đất. Ví dụ “ cơ sở đào tạo“,“ tu viện“  thuộc thuê đất hay giao đất? Đưa vào điều luật như Nghị quyết: ‘‘Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo”. Trong thực tế rất khó thực hiện thống nhất, mỗi nơi sẽ làm một kiểu, vẫn có so bì.

“Dự thảo Luật cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành (khi sửa đổi), trong đó có Luật Đất đai để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo”, ông Ngô Sách Thực kiến nghị.

Phát huy vai trò tư vấn của Hội đồng đối với lĩnh vực Tôn giáo

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của đại biểu đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Hội đồng tư vấn về Tôn giáo đã đạt được trong năm 2022, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài mong muốn, các thành viên Hội đồng tiếp tục phối hợp với Ban Tôn giáo tư vấn giúp Ban Thường trực tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2020-2025; tham gia khảo sát, đánh giá việc thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo; thường xuyên tập hợp tâm tư, nguyện vọng và những nhu cầu, kiến nghị của đồng bào các tôn giáo; tập trung tham gia ý kiến phản biện xã hội đối với việc sửa đổi Luật Đất đai, tích cực tham gia viết bài và đóng góp vào Hội thảo khoa học về công tác tôn giáo của Mặt trận trong thời gian tới.

Cùng với đó cần đề xuất các giải pháp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để phát huy vai trò của các tôn giáo và tham gia trực tiếp vào một số nội dung giám sát nổi bật liên quan đến lĩnh vực tôn giáo tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài trao Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho thành viên Hội đồng tư vấn về Tôn giáo
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cùng các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm