Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Chiều ngày 10/3, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng trong năm 2022, kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2023 và cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế Trần Đình Thiên chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Trong năm 2022, Hội đồng Tư vấn về Kinh tế đã phát huy tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên trong việc tham vấn về lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực có liên quan. Theo đó, Hội đồng đã được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giao nhiệm vụ tham mưu 55 văn bản quy phạm pháp luật xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành vào các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư liên quan đến lĩnh vực Kinh tế; Tham gia Hội nghị phản biện quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tham gia Hội nghị Tọa đàm, trao đổi, gồm: Kết nối cung-cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ban Chủ nhiệm và một số thành viên Hội đồng đã tham gia các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức; tham dự các cuộc họp, hội thảo của một số bộ, ban, ngành và một số địa phương về góp ý kiến phản biện xã hội một số lĩnh vực dự án Luật và các chính sách có liên quan đến lĩnh vực kinh tế...

Trong năm 2023, Hội đồng tiếp tục tham gia xây dựng, góp ý và phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật khác theo đề nghị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam…

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận, góp ý vào nội dung trọng tâm trong triển khai nhiệm vụ năm 2023 và góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Nhấn mạnh người dân phải là nhân vật trung tâm trong các dự án liên quan đến đất đai, từ thực tế thu hồi đất của người dân TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, tại Điều 89 của dự thảo Luật, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ của người bị thu hồi. Làm được như vậy thì người dân mới đồng thuận dời đi.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải làm rõ vấn đề quy hoạch để tránh hiện tượng quy hoạch ‘treo’ bởi thời gian qua ở TP Hồ Chí Minh, hàng ngàn hộ dân không thể sửa nhà hoặc dời đi bởi dự án treo trong 10 năm và không có điều khoản rõ ràng để đền bù”, ông Khoa nói.

GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới phát biểu tại Hội nghị

Ở góc độ khác, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, các quy định về giá bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất  không nên giao cho chính quyền cấp tỉnh quyết định mà phải có sự đồng thuận của người bị thu hồi đất nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, từ đó giúp tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trên thực tế về thu hồi đất còn tồn tại trong nhiều năm qua.

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát phát biểu tại Hội nghị

GS.TSKH Đỗ Nguyên Khoát đề cập tới giá đất đền bù trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thực tế cho thấy giá đền bù thời gian qua không thỏa đáng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đây là sai lầm trong Luật đất đai năm 2013, bởi vậy, việc bỏ khung giá đất là một sự thay đổi lớn, tạo động lực cho việc quản lý đất đai ở nước ta trong thời gian tới.

“Bỏ khung giá đất, xác định giá theo nguyên tắc thị trường sẽ khắc phục được tình trạng hai giá trong thời gian vừa qua. Thực tế cho thấy, khi làm nghĩa vụ với Nhà nước thì người dân muốn giá đất rẻ để nộp tiền thuế ít, nhưng khi đền bù thu hồi đất thì muốn có giá trị cao để được hưởng lợi; đấu giá thì một giá đất khác, giao đất lại một giá khác. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ khiến kiện, khiếu nại, cán bộ bị kỷ luật liên quan đến đất đai”, ông Khoát nêu vấn đề.

Theo ông Đỗ Nguyên Khoát, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp. Giá đất áp dụng với từng mục đích, từng trường hợp khác nhau là khác nhau chứ không nên áp dụng chung một bảng giá đất cho tất cả các loại đất. Vì vậy, việc quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng bảng giá đất phù hợp để thống nhất áp dụng trên thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch và cân bằng quyền của người sử dụng đất.

“Dự thảo Luật cần ban hành các quy định tính giá đất thật cụ thể và chi tiết hơn, khắc phục tình trạng tùy tiện, chủ quan, áp đặt, thậm chí có lợi ích nhóm. Giải pháp này đòi hỏi cần nghiên cứu công phu nghiêm túc, mất nhiều thời gian nhưng nhất định phải làm thật tốt”, ông Khoát đề xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách chăm lo, tạo điều kiện xây dựng hệ thống công ty dịch vụ xác định giá đủ tiêu chuẩn, hoạt động độc lập, bảo đảm hệ thống giá đất trình các cơ quan phê duyệt có căn cứ khoa học và khách quan; đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm trong xác định giá đất, coi đây là chính sách cơ bản để thực hiện Luật Đất đai trong giai đoạn mới.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại Hội nghị

Cho rằng việc sửa đổi luật phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân sử dụng đất và doanh nghiệp, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh kiến nghị, các nội dung trong dự thảo phải tăng cường tính dân chủ trực tiếp của người dân để người dân trực tiếp sử dụng đất được tham gia vào quá trình quy hoạch, sử dụng và đền bù đất, bất cứ “công đoạn” nào người dân đều được tham gia.

“Phải lấy ý kiến trực tiếp của người dân tại vùng được quy hoạch và phải làm rõ giá sử dụng đất để khi bồi thường, đền bù sẽ đảm bảo được quyền, lợi ích của người dân bị thu hồi đất”, ông Dĩnh nêu ý kiến.

Quang cảnh Hội nghị

Tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, tập trung vào những nội dung còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, các ý kiến đều nhất trí cho rằng, cần mở rộng phạm vi lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những phương thức để quản lý Nhà nước nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất của người dân nói chung và người sử dụng đất nói riêng. Cũng như vậy đối với việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Từ đó đề nghị thể hiện trong dự án luật nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai để người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, các ý kiến tại hội nghị ghi nhận việc thể chế hóa tinh thần NQ 18-NQ/TW về chế độ tài chính đối với đất đai trong dự thảo như: bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất, đầu cơ và bỏ hoang đất; đề cao yêu cầu bảo vệ lợi ích người dân; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đất đai và thị trường bất động sản...

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Hội đồng tư vấn về Kinh tế đã đạt được trong năm 2022; đồng thời mong muốn, các thành viên Hội đồng tiếp tục tổ chức khảo sát nghiên cứu thực tế ở địa phương và doanh nghiệp, tiếp cận, kết nối làm việc với một số doanh nghiệp Việt Nam để thu thập thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đơn vị để tham vấn cho MTTQ Việt Nam. Đồng thời tổ chức các Hội nghị, tọa đàm chuyên đề về kinh tế đóng góp ý kiến cho việc hoạt định đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ; cung cấp thêm cơ sở và luận cứ hỗ trợ các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao Bằng khen của Hội đồng Tư vấn về Kinh tế cho ông Nguyễn Tiến Dĩnh