Hội đồng Tư vấn về Dân tộc - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Ngày 23/2, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Dân tộc - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai chương trình hoạt động năm 2023 và góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc chủ trì Hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Quang cảnh Hội nghị

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Hoàng Đức Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn cho rằng, nội dung của dự thảo đã đề cập khá đầy đủ, toàn diện các vấn đề cơ bản liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất, ý nghĩa và tầm quan trọng của quản lý, sử dụng đất để phát triển bền vững đất nước, không ngừng nâng cao đời sống xã hội của nhân dân. Tuy nhiên, trong các nội dung văn bản của dự thảo còn mang tính định hướng chung chung, nhiều nội dung quan trọng chưa được lượng hóa, thể chế hóa cụ thể để nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện Luật đất đai khi chính thức ban hành.

Theo ông Hoàng Đức Hậu, tại mục 1, Điều 24, Chương II đề cập đến trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số có nêu: “có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thức tế của từng vùng”. Đây là một chính sách quan trọng, thể hiện đường lối lãnh đạo của Đảng về chính sách dân tộc ở nước ta, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào, tăng cường sự đoàn kết và niềm tin của đồng bào đối với đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 Ông Hoàng Đức Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Dân tộc phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề đất và quản lý sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng và cũng kèm theo nhiều yếu tố phức tạp, đất rộng nhưng đồi núi chiếm tỷ lệ cao, khó khăn về diện tích sử dụng, phục vụ đời sống mưu sinh và sinh hoạt cộng đồng, thậm chí quỹ đất thuận lợi để sử dụng rất hạn hẹp, nhiều địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động lễ hội, cúng tế dịp xuân về thường diễn ra ở cánh đồng, bìa rừng... Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã và đang có nguy cơ rất cao về sự mai một, thậm chí mất đi bản sắc văn hóa; môi trường văn hóa cũng còn nhiều hạn chế do thiếu đất hoặc do phương pháp, cách thức quản lý đất chưa phù hợp...

Bởi vậy ông Hoàng Đức Hậu đề nghị dự thảo Luật cần ghi cụ thể, rõ ràng chính sách này, ví dụ như: cấp huyện được quy hoạch, bố trí đất bao nhiêu để đảm bảo được việc sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào và cấp xã, cấp thôn quy định như thế nào.

Đề cập đến vấn đề đồng bào hiện nay còn thiếu đất để sản xuất nông nghiệp, có nơi, có địa bàn ở vùng cao, núi đá, đồng bào tự tạo đất để sản xuất theo hình thức thủ công, truyền thống...bởi vậy dự thảo luật cần quy định rõ việc sử dụng và quản lý đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Ở khía cạnh khác, ông Cầm Văn Đoàn, Ủy viên Hội đồng Tư vấn cho rằng, những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường trong lĩnh vực đất đai bắt đầu xuất hiện ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần có những biện pháp hạn chế những tác động tiêu cực này thông qua việc cụ thể hóa vào nội dung dự thảo Luật.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây, chúng ta đã đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng đến hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào được làm chủ mảnh đất của mình. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, hiệu quả sử dụng đất còn rất kém, bởi vậy, để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất ở các vùng ngày thì rất cần có những cơ chế, chính sách mới, phù hợp với thực tế của từng vùng, có như vậy kinh tế vùng mới phát triển được.

Đối với công tác tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Đoàn lấy ví dụ từ việc tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình, tái định cư ở các công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên khi thực thế cho thấy đời sống của nhân dân ở đây còn rất khó khăn, vất vả, Nhà nước hàng năm vẫn phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng tái định cư này. Nhiều khu tái định cư không giữ chân được người dân khi điều kiện sinh sống không phù hợp với đồng bào; không phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào...

“Hiện nay cách tiếp cận của Luật đất đai đối với việc thu hồi chỉ chú ý đến khía cạnh vật chất, ít chú ý đến khía cạnh văn hóa, khía cạnh tinh thần của những người bị thu hồi đất, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Trong dự thảo luật và các cơ chế, chính sách tái định cư cần đưa những vấn đề này vào”, ông Đoàn kiến nghị.

Nhắc tới quy định cụ thể về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, ông Đoàn cho rằng, các trường hợp được Nhà nước thu hồi giải phóng mặt bằng, các trường hợp nhà đầu tư phải thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc thỏa thuận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cần quy định rõ về giá trần để thỏa thuận, tránh các trường hợp bị nhà đầu tư ép giá, nhất là ở vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Bùi Thị Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc phát biểu tại Hội nghị

Đề cập tới Điều 46, khoản 2, điểm a có “Quy định về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với các hình thức tổ chức hội nghị... niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã hoặc các điểm dân cư”, bà Bùi Thị Thanh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc đề nghị thay từ “hoặc” bằng từ “và” bởi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi địa hình phức tạp, các cụm dân cư ở cách xa nhau đến vài chục km, người dân khó có điều kiện để tiếp cận với các thông báo, xin ý kiến đến với các dự thảo liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của đồng bào. Do đó việc thay thế từ “hoặc” bằng từ “và” sẽ đảm bảo tính công bằng, khách quan trong tiếp cận thông tin đối với người dân.

Đồng quan điểm với ông Cầm Văn Đoàn về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bà Bùi Thị Thanh cho rằng, cần bổ sung vào luật quy định về việc hỗ trợ cho người dân, hộ gia đình có đất bị thu hồi về cả vật chất, kinh phí và các điều kiện khác tùy thuộc vào đặc thù vùng miền, dân tộc theo hướng hợp lý để người dân yên tâm chuyển đến nơi ở mới.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung khác như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;... đối với miền núi và đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.