Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Ngày 6/3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường - UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Quang cảnh Hội nghị

Cùng tham dự có ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường; ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các cụ, các vị Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường.

Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng Luật Đất đai là một trong số các luật có tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cũng như đối với đời sống của người dân. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường phát biểu tại Hội nghị  

Từ nội dung dự thảo Luật, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại tại Chương VI Dự thảo; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (chương IX); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Chế độ sử dụng các loại đất; Giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai...

PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho biết, tại Điều 13 của dự thảo Luật có quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này đã được thừa nhận từ lâu, trong khi Chương V của dự thảo Luật ghi rõ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương VI cũng ghi rõ về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội.

“Những quy định đó là cần thiết nhưng vì sao vẫn còn tình trạng dân khiếu kiện và xuất hiện tham nhũng trong những công việc nói trên”, PGS.TS Phạm Hữu Tiến bày tỏ.

Để khắc phục điều này, PGS.TS Phạm Hữu Tiến đề nghị cần thực hiện nghiêm việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch (trừ trường hợp đặc biệt vì an ninh quốc phòng) sử dụng đất và thu hồi đất, đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm không chỉ đối với người dân không tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đối với những cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng các quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, Điều 85 của dự thảo Luật ghi “Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, Chương VII gồm các quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất với nội dung đầy đủ các quy định liên quan. Song phần chế tài đối với việc không tuân thủ nghiêm các quy định trong Luật này từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì chưa được quy định tương xứng. Thực tế trong lĩnh vực này thời gian qua cho thấy đây là một trong những “kẽ hở” để cho cá nhân lợi dụng, trục lợi, tham nhũng. Do đó, ông Tiến đề nghị, chế tài đối với nội dung này cần được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PGS.TS Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Theo PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên giảng viên khoa Triết - Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ hơn phần đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam ở trên biển và không phận của Việt Nam. Đồng thời cần làm rõ khái niệm “hòa giải thành”, vốn đã được sử dụng nhiều trong văn bản, có thể khiến người đọc suy đoán từ này là “hòa giải thành công”. Điều này làm cản trở tính hiệu lực của Luật đất đai.

Liên quan đến chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không, PGS.TS Vũ Hào Quang kiến nghị, tại Điều 83 quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại khoản 3 cần sửa “Người có đất thu hồi” thành “Người có đất bị thu hồi”. Đồng thời về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, tại khoản 3 Điều 17 quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần nói rõ “chính sách khung về hỗ trợ diện tích đất đai” chứ không chỉ là “chính sách khung về hỗ trợ đất đai”

“Ban soạn thảo Luật Đất đai cần công bố trên truyền thông, đại chúng phần tiếp thu ý kiến của MTTQ Việt Nam trước khi trình Quốc hội phê chuẩn”, PGS.TS Vũ Hào Quang mong muốn.

 GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Đề cập đến việc thu hồi đất, đặc biệt đất nông nghiệp phải lưu ý đến quyền lợi của người dân, GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, trong vấn đề thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất.

“Hiện nay, nhiều nhà ở như tại khu An Khánh (Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy nhưng lúc đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Số tiền đó không đủ để người nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư. Tôi đề nghị quy định trong dự thảo Luật Đất đai lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi”, GS Trần Đình Long kiến nghị.

GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường phát biểu

Về quy định cách định giá đất, GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục và Môi trường cho rằng, trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là “giao Chính phủ quy định chi tiết”. Khi Chính phủ biên soạn lại theo ý kiến của các Bộ có liên quan sẽ không tránh khỏi tình trạng “quan liêu”, vì vậy nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản.

Theo GS.TS Lê Vân Trình, dự thảo Luật chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi rõ ràng thị trường đất ở nước ta còn chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Do đó cần làm rõ thể nào là “giá phổ biến trên thị trường” bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.

Về vấn đề tranh chấp đất đai, ông Trình cho rằng, Điều 225 dự thảo quy định thẩm quyền tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất do Tòa án Nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự…Thực tế cho thấy tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp và hiện nay tòa án chưa đủ năng lực để giải quyết triệt để. Do đó nên quy định linh hoạt để người dân có quyền lựa chọn UBND các cấp hoặc tòa án nếu không có giấy tờ nhà đất. Khi người dân nộp đơn lên UBND các cấp thì tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp nhanh chóng, kịp thời bởi nguồn gốc đất, quá trình sử dụng với những biến thiên hết sức phức tạp, chỉ có cơ quan hành chính mới nắm được.

 Ông Nghiêm Xuân Minh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Ông Nghiêm Xuân Minh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, đối với vấn đề đất cho xây dựng công trình ngầm, công trình trên không cần nêu rõ đất không chỉ là đất bề mặt để sử dụng, khai thác mà còn phải tính đến các tính chất ở trong lòng đất (độ sâu về địa chất, địa mạo). Đây là các yếu tố liên quan đến thiên nhiên như nguy cơ gây động đất, sụt lún trong tương lai, điều này không chỉ tác động đến các công trình trên bề mặt đất mà còn gây nguy hại cho các công trình ngầm. Do đó cần bổ sung thêm tiêu chí về địa chất, địa mạo trong hệ thống tiêu chí xác định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quốc gia, của các vùng tại Chương V của dự thảo Luật.

“Trong hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai quy định tại Chương XV cần bổ sung hệ thống dữ liệu về địa chất, địa mạo đất theo vùng (tỉnh) để thực hiện phòng tránh thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai”, ông Minh đề xuất.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh tới nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai để người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân; phân tích sâu về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nói chung, trong đó có góp ý về các quy định đối với quyền và nghĩa vụ của từng nhóm chủ thể sử dụng đất;...

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, các ý kiến sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế.