Hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách

(Mặt trận) - Ngày 27/4, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tại Chương trình gặp mặt, tri ân Chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh và Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ TTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cùng đại biểu các sở, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị tại các điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Tập trung giám sát 8 nội dung

 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trình bày nội dung giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID -19

Tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đã quán triệt và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP; Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn cho đại dịch COVID-19.

Quán triệt nội dung giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID -19, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, với mong muốn phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong giám sát chuyên đề nhằm phát hiện kịp thời, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, giải pháp của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID - 19 và đảm bảo an sinh xã hội; đặc biệt, thông qua gám sát của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên của Mặt trận bảo đảm việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời.

Theo đó, hoạt động giám sát chủ yếu tập trung vào giám sát việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hoặc nghỉ  việc không hưởng lương; hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm tạm ngừng kinh doanh từ 01/4/2020; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4 năm 2020; Giám sát việc Giám sát việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị 

Bên cạnh đó cũng giám sát việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020 (gọi tắt là người có công và gia đình chính sách). Đối với Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Đối với các địa phương có ban hành chuẩn nghèo riêng, hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo chuẩn nghèo của địa phương. 

 

Trên cơ sở các nội dung được quán triệt tại Hội nghị, các địa phương đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, trên cơ sở đó, Trung ương có hướng dẫn để việc triển khai không bị lúng túng, không xảy ra sai sót.

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Thành phố đã chủ động giao cho Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các quận huyện thị xã sơ bộ thống kê các đối tượng cần hỗ trợ; đồng thời giao cho Sở Tài chính chuẩn bị nguồn tài chính để đáp ứng ngay yêu cầu của Nghị quyết 42 cũng như tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Quyết định 15 đã nêu.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Lao động - thương binh và xã hội thống kê ngay 3 nhóm đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo để triển khai hỗ trợ ngay trước 30/4. Thống kê sơ bộ đến nay thành phố có hơn 1,4 triệu đối tượng hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42. Dự kiến kinh phí là 3.520 tỷ đồng. Ngay sau Hội nghị này, Thành phố sẽ rà soát và thực hiện theo đúng quy trình thủ tục theo quyết định 15 của Thủ tướng và hướng dẫn giám sát của MTTQ Việt Nam để triển khai thực hiện.

Là địa phương có đối tượng chính sách lớn người lao động bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh Covid-19, chính vì vậy ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, qua triển khai, tỉnh đang gặp phải những khó khăn nhất định đó là số đối tượng cần hỗ trợ lớn với khoảng gần 700 nghìn người, dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng gần 750 tỷ. Theo quy định của Nghị quyết 42 và Quyết định 15, Nghệ An được Trung ương hỗ trợ 50%, nguồn kinh phí còn lại là rất lớn đối với ngân sách của tỉnh.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị, Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để tỉnh có nguồn chi trả kịp thời cho các đối tượng; đồng thời, Chính phủ cần có chính sách về giải quyết việc làm đặc biệt là các đối tượng lao động Việt Nam trở về nước trong thời gian dịch bệnh.

Để việc hỗ trợ không xảy ra sai sót, ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang đề nghị, trong quá trình triển khai thực hiện cần tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận. Việc giám sát phải được triển khai ngay từ đầu, giám trong quá trình chi trả, giám sát trong quá trình thanh, quyết toán để việc hỗ trợ đảm đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi trong thực hiện chính sách.

Không ra thêm thủ tục, để trễ chính sách

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị 

Liên quan tới việc xác định đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện đúng theo Quyết định 15, không ban hành thêm thủ tục hành chính giấy tờ khác.

“Bên cạnh quy định đúng, minh bạch cần làm nhanh khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Tôi xin nói dân khao khát mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim”.

Trước thông tin các địa phương đã và đang triển khai hỗ trợ ngay trong tháng 4 đối với 4 nhóm đối tượng (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định: Nói như vậy không có nghĩa là các nhóm kia không được triển khai ngay. Đặc biệt, lao động tự do gặp khó khăn đang cần được ưu tiên triển khai sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không có cơ quan T.Ư nào chỉ đạo đến 15/5 mới thực hiện chi trả.

Qua đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khuyến khích các địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi trả theo hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng của các đối tượng thụ hưởng hoặc theo hệ thống bưu điện. Đặc biệt, công đoàn cùng với các địa phương trong quá trình triển khai không để một số doanh nghiệp tranh thủ thời gian này tìm cách ngừng hợp đồng, gây khó khăn cho người lao động.

Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, nghiêm túc thực hiện Quyết dịnh số 15 bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời chính xác; Đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân; Thường xuyên kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương đơn vị; Không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, khi thực hiện gói hỗ trợ, không mong muốn những vi phạm xảy ra, không có tình trạng phải khởi tố. Nhưng nếu có thì sẽ bị xử lý nghiêm về mặt Đảng, hành chính; Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.

Liên quan tới quá trình giám sát, ông Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp, đoàn thể xã hội các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập trong danh sách mới giám sát. Về phía Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng và một trang điện tử để cập nhật giải đáp các vướng mắc của địa phương.

“Đừng để ai bị xử lý về đảng về chính quyền và chịu các hình thức kỷ luật khác. Bởi vì động đến đây không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời của cán bộ. Do đó chúng tôi mong một là tự giác, hai là kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực với gói an sinh dành cho người nghèo”, ông Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Chặt chẽ, chính xác trong xác định đối tượng thụ hưởng

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới quan điểm nhấn quán của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBTVQH và Chính phủ khi sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để chăm lo cho sức khỏe của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua đại dịch, điều đó thể hiện qua các Chỉ thị của Chính phủ, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống dịch tại Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 23/4/2020 vừa qua.

Nhấn mạnh tới nội dung của Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 42, Quyết định số 15 và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, MTTQ, ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: “Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.

Chia sẻ về kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng vì ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh.

“Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định.” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chỉ rõ.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.

“Cần công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát.” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý đến việc phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.

“Ở Mặt trận Trung ương, yêu cầu phải công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhất là ngành Lao động Thương binh Xã hội các cấp, của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, của Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.