Hiệu quả từ việc thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Điện Biên

(Mặt trận) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên xây dựng Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên. Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc”, nhằm huy động nguồn lực xây dựng trên 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo các tỉnh Tây Bắc, trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm mới 5.000 căn nhà cho người nghèo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng đoàn công tác trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và quà cho 8 hộ gia đình tại lễ gắn biển, trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên ngày 27/3/2024

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, có đường biên giới dài 455,573 km tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 129 xã, phường, thị trấn (95 xã đặc biệt khó khăn, 29 xã biên giới), 1.446 thôn, bản, tổ dân phố; dân số toàn tỉnh hơn 64 vạn người, có 19 dân tộc cùng sinh sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%).

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương thông qua các chương trình, dự án, nhất là các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,68%.

Thực hiện Đề án số 09/ĐA-MTTW-BTT ngày 25/4/2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) (gọi tắt là Đề án 09), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước và ở ngoài tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của ban chỉ đạo các cấp trong tỉnh; sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện thành công Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên tập trung phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Đề án trình Ban Bí thư, tổ chức Lễ phát động trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại tỉnh Điện Biên, Lễ phát động được kết nối trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã; xây dựng ban hành Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 18/5/2023 về thực hiện Đề án 09; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án 09 tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án 09 tỉnh) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban, cơ quan Thường trực là Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên.

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án vận động, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). ẢNH: QUANG VINH  

Ban Chỉ đạo Đề án 09 tỉnh tổ chức 5 hội nghị chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện. Trên cơ sở kết quả rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, Ban Chỉ đạo tỉnh quyết định phân bổ hỗ trợ 5.000 nhà cho các huyện, thị xã, thành phố.

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 09 tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết tại huyện Điện Biên và chỉ đạo 9/10 huyện, thị xã, thành phố còn lại đồng loạt tổ chức Lễ khởi công làm nhà. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, báo, đài phát thanh - truyền hình, đài truyền thanh các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, tiến độ thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) hướng dẫn một số nội dung triển khai thực hiện Đề án 09, quy trình triển khai, hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ Đề án. Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nhà tài trợ tiếp nhận kinh phí ủng hộ; thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ làm nhà, kịp thời phối hợp với ban chỉ đạo các cấp nắm tình hình triển khai thực hiện, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Các thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch kịp thời. Các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tham gia giúp đỡ các hộ gia đình làm nhà. 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp huyện, cấp xã do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban. Ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện làm nhà Đại đoàn kết trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở.

Công tác tuyên truyền phổ biến Đề án trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả. Nhân dân trên địa bàn tỉnh được phổ biến và đồng thuận cao với chủ trương, kế hoạch thực hiện Đề án 09, tích cực hưởng ứng, thực hiện kế hoạch làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại địa phương.

Công tác tuyên truyền tại các thôn, bản, tổ dân phố được thực hiện nghiêm túc, với nhiều hình thức đa dạng, các khu dân cư tổ chức họp tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch thực hiện Đề án 09; tổ chức tuyên truyền bằng hệ thống loa đài phát thanh, loa lưu động. Ban Chỉ đạo cấp xã thành lập các tổ rà soát tới từng hộ gia đình khảo sát, giải đáp những vướng mắc, làm rõ nội dung Đề án; hướng dẫn các hộ gia đình quy trình, các thủ tục hồ sơ thực hiện nhà Đại đoàn kết theo quy định.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại cổ phần tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi vay vốn làm nhà thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ và các chương trình vay vốn ưu đãi cho các hộ nghèo từ ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tổ chức rà soát, thẩm định, phê duyệt đối tượng được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết được thực hiện theo quy trình, bình xét từ khu dân cư, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức rà soát, lựa chọn đối tượng. Các hộ gia đình được hỗ trợ đảm bảo các điều kiện về hồ sơ, thủ tục, có đất ở hợp pháp, phù hợp với quy hoạch dân cư thôn, bản để làm nhà. Qua rà soát, tỉnh đã phê duyệt danh sách 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Trong đó, 15 hộ có thành viên là đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; 286 hộ có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; 216 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (hộ neo đơn, khuyết tật, cao tuổi); 20 hộ sinh sống tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, 447 hộ đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà. Số hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99,1%.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 09 tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và phân bổ 250 tỷ đồng ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh1. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền 4.681 triệu đồng.

Ngoài nguồn hỗ trợ của Đề án, các hộ gia đình đã chủ động huy động trong gia đình, vay vốn các chương trình ưu đãi làm nhà của ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại cổ phẩn với số tiền 166.202 triệu đồng. Ban Chỉ đạo một số địa phương vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình làm nhà. Trong thời điểm chưa có đủ kinh phí làm nhà, Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đồng chí lãnh đạo thôn, bản liên hệ với các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng cho các hộ gia đình ứng vật liệu làm nhà. Các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang huy động đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia giúp các hộ gia đình tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu làm nhà, dựng nhà mới với trên 115.000 ngày công lao động.

Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà, Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, huy động, bố trí nguồn lực giúp các hộ gia đình làm nhà.

Sau 9 tháng triển khai và tổ chức thực hiện, đến ngày 24/1/2024, 5.000 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán Giáp Thìn. Trong đó, 1.818 nhà xây, 1.894 nhà gỗ truyền thống, 1.288 nhà khung sắt. Các căn nhà hoàn thành đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên. Tổng kinh phí thực hiện làm nhà 489,4 tỷ đồng (tương đương trên 97 triệu đồng/căn; tối thiểu từ 70 triệu đồng/căn trở lên). Trong đó, Đề án 09 hỗ trợ 250 tỷ đồng; các hộ gia đình đối ứng bằng tiền 166,2 tỷ đồng; các hộ gia đình tự chuẩn bị được vật liệu quy ra tiền, trị giá trên 56,2 tỷ đồng; huy động ngày công lao động, quy đổi với trên 17 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình "Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội", phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chương trình làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng và các chương trình ủng hộ làm nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa trong và ngoài tỉnh với 422 căn nhà, tổng giá trị 20.867 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho các hộ gia đình làm nhà đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, minh bạch. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai làm nhà của các hộ gia đình đảm bảo chất lượng.

Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm và Nhân dân trong cả nước. Cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm cao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; việc triển khai thực hiện nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

 Tỉnh ủy Điện Biên trao Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 09 

Công tác tuyên truyền được chú trọng với các hình thức đa dạng, rộng khắp, phù hợp với từng địa bàn. Việc rà soát, thẩm định các hộ đủ điều kiện hỗ trợ đảm bảo quy trình, đúng đối tượng. Sau khi được hỗ trợ làm nhà từ Đề án, đã có 1.132 hộ thoát nghèo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ việc thực hiện Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, để thực hiện tốt Đề án 09, cần coi trọng công tác tuyên truyền, để mỗi cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả mang lại từ Đề án, từ đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Đề án.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện Đề án phải có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy; sự phối hợp của chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện Đề án. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc.

Thứ ba, công tác rà soát, bình xét đối tượng thụ hưởng phải thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch thông qua hội họp thôn, bản, tránh tạo dư luận không tốt, đơn thư phản ánh trong Nhân dân.

Thứ tư, thực hiện Đề án lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để tạo thêm nguồn lực, nâng cao giá trị và giá trị sử dụng của căn nhà, đồng thời gắn với trách nhiệm, ý chí vươn lên của các hộ nghèo.

Thứ năm, Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Đề án để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, đề xuất phương án triển khai thực hiện Đề án hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, sơ, tổng kết thực hiện Đề án. Động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Đề án.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; cải thiện đời sống của Nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia. Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên.

Chú thích:

1.   Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương chuyển về Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh: 128.560.180.983 đồng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ về Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh: 116.939.819.017 đồng. Các tổ chức, đơn vị hỗ trợ trực tiếp tới các hộ gia đình làm nhà: 4,5 tỷ đồng.

LÒ VĂN MỪNG -  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy,

 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên