Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(Mặt trận) - Ngày 22/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội thảo “Kết nối cung – cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Quang cảnh Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có các đại biểu là thành viên Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp.

Tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương, năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã bám sát Chỉ thị số 03, triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

“Có được các kết quả trên là nhờ các bộ ngành đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển, cũng như triển khai nhiều hoạt động rất thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Tuy nhiên từ thực tế dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài và sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề cập tới việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động bất ổn cho sự hồi phục kinh tế đất nước sau đại dịch.

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo 

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, tình hình đó đang đặt lên vai các doanh nghiệp trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Muốn vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chia sẻ, đoàn kết để phát triển thị trường trong nước, giữ niềm tin của người tiêu dùng.

Cùng với đó, các cấp, các ngành phải vào cuộc tích cực nhằm triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần động viên, hỗ trợ  các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch, tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.

“Một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Các giải pháp đẩy mạnh thông tin thị trường, xúc tiến thương mại

Tại Hội thảo, các chuyên gia, bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhà phân phối đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, đề xuất và đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử; giải pháp phối hợp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước làm sao đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng tối đa các nguyên vật liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh…đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời đề xuất việc tổ chức các phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thông tin kịp thời; bên cạnh đó tổ chức các Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm theo từng khu vực, theo nhóm ngành hàng (trực tiếp kết hợp trực tuyến); quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS. TS Võ Đại Lược phát biểu tại Hội thảo 

Từ góc nhìn của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS. TS Võ Đại Lược cho rằng, xuất phát từ thực tế hiện nay thế giới đang trải qua nhiều biến động như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu,... tác động đến các quốc gia trên thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, từ đó đặt ra và phải có chiến lược kinh doanh lâu dài để ứng phó với những thay đổi bất thường từ tình hình thế giới.

Theo GS.TS Võ Đại Lược, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình đang được nhận ưu đãi thấp, dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.

Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, GS.TS Võ Đại Lược đề xuất, trước hết Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình ngang với doanh nghiệp FDI. Những chính sách này phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.

Đồng thời, Chính phủ nên cân nhắc áp dụng các ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI khi đầu tư công nghệ cao hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ. Cân bằng được lợi ích này sẽ góp phần cải thiện môi trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là động lực quan trọng của nền kinh tế, GS.TS Võ Đại Lược đề nghị, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật, đồng thời có thêm ưu đãi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI thực sự đổi mới, sáng tạo, giải quyết vấn đề lao động tốt.

GS.TS Võ Đại Lược cho rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tự phấn đấu vươn lên. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước thực hiện sản xuất kinh doanh chưa thực sự đột phá. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, khuyến khích sử dụng lao động nước ngoài, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh lắng nghe ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội đề xuất, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hỗ trợ phát triển hạ tầng, hệ thống phân phối, đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, các doanh nghiệp chế biến, logistics, trong đó các cơ chế phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng của giới trẻ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách hoạch định phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối, dư cung và không gây khó khăn cho tiêu dùng, tạo tác động lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, không gây mất cân đối giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn.

Bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, cần kết nối vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, làm cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, về phía doanh nghiệp, để người tiêu dùng hài lòng với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao đòi hỏi doanh nghiệp phải có định hướng kinh doanh, nắm bắt được xu thế của thị trường thế giới, phù hợp với thị hiếu; thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm; nắm chắc tình hình cung – cầu, không sản xuất hàng hóa dư thừa.

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo 

Để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đề xuất, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua nhiều năm triển khai thực hiện đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực và triển vọng về tiêu dùng hàng Việt. Thành tựu của cuộc vận động cần tiếp tục lan tỏa và phát huy trong thời gian tới, để hàng hóa Việt Nam không chỉ cung ứng, ưu tiên cho người Việt Nam mà còn được quảng bá đến bạn bè quốc tế.

Nhằm lan tỏa ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Lê Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Panax cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao đến người tiêu dùng, cung cấp những thông tin chính xác về thành phần, chức năng, công dụng,... của sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần có giải pháp tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo, các sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng xã hội phải được cấp phép, đăng ký thương hiệu, tránh gây hoang mang dư luận, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng hàng Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thăm quan nhãn hàng trưng bày tại Hội thảo 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những chia sẻ, kiến nghị tâm huyết là cơ sở quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, các ban, đơn vị liên quan UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thành báo cáo, tài liệu, làm căn cứ để đề xuất những giải pháp giúp thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới hiệu quả hơn, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu, cũng là góp phần khẳng định các thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong xu thế hội nhập ngày càng sâu hơn.