(Mặt trận) - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Sau gần 20 năm triển khai và phối hợp tổ chức, Ngày hội đã cho thấy sự tác động nhiều mặt trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự phối hợp, triển khai và tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, Ngày hội đã tạo nên những điểm nhấn, theo những sắc thái riêng của mỗi địa phương, cộng đồng dân tộc.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bà con thôn 5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021. Ảnh: Quang Vinh
|
Kết quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong giai đoạn mới, ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội tại mỗi địa bàn cơ sở, tiền đề để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống chính trị các cấp tập hợp, đoàn kết và phát huy hiệu quả vai trò khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn tiếp theo. Với những thành tựu của đất nước trong công cuộc đổi mới, kế thừa kết quả của gần 20 năm triển khai tổ chức Ngày hội cho thấy thuận lợi là cơ bản, song cũng còn một số khó khăn tác động đến kết quả tổ chức Ngày hội.
Trong mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, từng địa phương các giá trị truyền thống được bảo tồn và tôn vinh. Thông qua Ngày hội là dịp trao truyền các giá trị văn hóa, nơi giao thoa văn hóa của mỗi cộng đồng, qua đó giúp cho Ngày hội có những nét riêng có của mỗi vùng. Dịp để mỗi thành viên sinh sống, học tập bên ngoài cộng đồng được hội tụ gia đình; tri ân với ông bà, cha mẹ; góp công, góp sức tham gia xây dựng cộng đồng.
Tính gắn kết cộng đồng, tinh thần dân chủ, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Qua tổ chức Ngày hội, Nhân dân được hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy rõ được sức đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng. Nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các hộ gia đình khó khăn, tri ân với gia đình có công, tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng động và hoạt động xã hội. Nhiều địa phương đã tổ chức được "Bữa cơm Đại đoàn kết"; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giao lưu với đồng bào các nước có chung đường biên giới; quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt... đã cho thấy những giá trị mới trong quá trình tổ chức Ngày hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được củng cố về tổ chức; đổi mới nội dung, hình thức, mở rộng hoạt động hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò liên minh chính trị, từng bước khẳng định vị trí trung tâm, cầu nối giữa hệ thống chính trị với mọi tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao trùm các vấn đề trong đời sống Nhân dân.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao tượng trưng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho tỉnh Quảng Nam năm 2021. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
|
Trong từng giai đoạn, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích lũy đươc nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức Ngày hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp được tăng cường, từng bước trẻ hóa, phần lớn đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác đoàn thể, trưởng thành từ cơ sở, có uy tín với Nhân dân, và nhiều kinh nghiệm trong vận động quần chúng.
Trong thực tiễn chỉ đạo, nhiều địa phương đã có sự sáng tạo trong lựa chọn chủ đề của Ngày hội bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu đời sống của Nhân dân theo phương châm lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân. Công tác phối hợp, hướng dẫn tổ chức được đảm bảo chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, đề xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tham dự Ngày hội, đến công tác xây dựng kịch bản tổ chức và hoạt động, bố trí lực lượng, sắp xếp thời gian phù hợp với mỗi cộng đồng...
Cơ chế chính sách đảm bảo cho công tác Mặt trận từng bước được hoàn thiện và bổ sung đáp ứng yêu cầu cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác tham mưu, hướng dẫn và phối hợp tổ chức Ngày hội. Điều 11, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua quy định: "Ngày 18 tháng 11 hàng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc". Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã quy định đảm bảo mục chi cho tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khoản b, mục 4, Điều 3 là những cơ sở pháp lý và nguồn lực quan trọng cho việc triển khai và tổ chức Ngày hội ở các địa phương.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự quan tâm tích cực trong ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và bổ sung nguồn lực cho tổ chức Ngày hội. Điểm nhấn trong công tác chỉ đạo là hệ thống chính trị các cấp đã xác định Ngày hội là diễn đàn dân chủ hàng năm để đội ngũ cán bộ gắn bó mật thiết với Nhân dân; dịp quan trọng để tiếp xúc và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; trao đổi giải đáp những vấn đề được Nhân dân quan tâm. Qua đó mỗi tổ chức Đảng, từng đồng chí các bộ, đảng viên xây dựng chương trình hành động, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của Nhân dân.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu chụp ảnh lưu niệm cùng đồng bào các dân tộc tại liên khu dân cư xóm Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021. Ảnh Dương Giang/TTXVN
|
Một số vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đạt được của quá trình tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc tổ chức Ngày hội còn nhiều vấn đề khó khăn, yếu kém cần phải khắc phục. Việc hướng dẫn, tổ chức triển khai Ngày hội còn nhiều lúng túng, thiếu tính sáng tạo. Tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, xác định phướng hướng chỉ đạo và nội dung thực hiện tại mỗi địa phương chưa rõ nét. Thiếu hình thức tổ chức trên các địa bàn đặc thù, đặc biệt là địa bàn có đông đồng bào theo các tôn giáo, đồng bào dân tộc ít người, khu vực vùng sâu, vùng xa. Chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều; nội dung và hình thức tổ chức Ngày hội chưa được coi trọng; một số địa phương còn tổ chức hình thức, nặng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội. Chỉ dành nhiều công sức cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với các địa phương được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Ngày hội. Một số địa phương, nhất là các khu đô thị khó lựa chọn được địa điểm tổ chức; địa bàn nông thôn tỉ lệ Nhân dân tham gia phần lớn là người cao tuổi, đội ngũ giáo viên, học sinh.
Nguồn lực dành cho Ngày hội chưa được đảm bảo, phần lớn kinh phí cho Ban Công tác Mặt trận theo Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính được chính quyền địa phương bố trí cho hoạt động chung của Ban Công tác Mặt trận trong cả năm. Bên cạnh đó sự vận động và huy động nguồn lực của cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động trước, trong và sau dịp tổ chức Ngày hội tuy đã được chú trọng, song mới chỉ dừng lại ở tính bề nổi của công tác tuyên truyền, chưa đảm bảo yêu cầu về chiều sâu như sự hỗ trợ của cộng đồng đối với các gia đình khó khăn, thăm hỏi gia đình chính sách, tặng nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo... đây là những khoản chi phí lớn cần có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và xã hội.
Tính gắn kết giữa các cộng đồng trong tổ chức Ngày hội chưa cao, phần lớn mới dừng ở việc tổ chức đơn lẻ trong mỗi cộng đồng dân cư, chưa có những hình thức tổ chức trên một khu vực tập trung là nguyên nhân chủ yếu làm cho Ngày hội lan tỏa chưa cao.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn xóm Quyết Tâm, xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên năm 2021. Ảnh: Quang Vinh
|
Giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội
Tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp phải nhận thức sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; về triển khai, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; về giá trị và ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội... Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong tham gia các hoạt động của Ngày hội.
Phát huy sự sáng tạo đổi mới trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương
Ngày hội được tổ chức tại mỗi cộng đồng dân cư, do vậy, Ngày hội chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân sinh sống tại cộng đồng. Đổi mới tư duy trong tổ chức Ngày hội luôn thống nhất và hài hòa với nhu cầu đời sống của Nhân dân với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Chú trọng hình thức tổ chức liên khu dân cư, cách thức tổ chức tập trung trên địa bàn toàn xã. Từng bước giảm thiểu thời gian tổ chức của phần lễ, đưa nội dung của phần lễ trong thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua triển lãm không gian ảnh, tiểu phẩm văn hóa, văn nghệ, hội thi...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tập trung làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá; kịp thời đúc rút những kinh nghiệm để phổ biến nhân rộng, đồng thời khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần có những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về Ngày hội; tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống giáo trình phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng các hình thức phổ biến những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tổ chức và triển khai Ngày hội.
Bảo đảm nguồn lực và xã hội hóa nguồn lực trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác bố trí nguồn lực, đề xuất, kiến nghị, giám sát nguồn ngân sách cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận; đặc biệt là giám sát nguồn kinh phí cho thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Ban Công tác Mặt trận. Đề xuất công khai minh bạch nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận theo quy định.
Đối với các địa phương có tiềm lực về du lịch cộng đồng, văn hóa dân gian, sản phẩm về nông nghiệp, lâm nghiệp... Ban Công tác Mặt trận cần chủ động tìm tòi các nguồn thu được khai thác từ mọi tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò của chính quyền các cấp đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực
Cấp ủy Đảng, chính quyền chủ động lãnh đạo, đề xuất với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp xây dựng chương trình hành động về đổi mới nội dung và phương thức tổ chức Ngày hội, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, tìm các giải pháp mới có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra điểm nhấn tích cực trong tổ chức Ngày hội phù hợp với từng địa bàn, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và dành nhiều thời gian tham dự các hoạt động trong dịp tổ chức Ngày hội với Nhân dân, xem đây là giải pháp tích cực để gần dân, nắm bắt tình hình cơ sở, qua đó có những quyết sách tích cực trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Nguyễn Quang Hòa
Thạc sĩ, Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam