Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Đổi mới công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là trong đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước có những thuận lợi, cơ hội lớn đan xen khó khăn, thách thức tác động đến tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác nắm bắt tình hình Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải nhạy bén, kịp thời để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia ổn định tình hình, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ngay từ cơ sở.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu phát biểu tại cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương, khảo sát về kết quả 10 năm triển khai, thực hiện Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khoá XI) “Về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” tháng 3/2024 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ luật định mà được đại đa số quần chúng nhân dân ghi nhận là bộ phận của hệ thống chính trị, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước và hoàn thiện hệ thống chính trị, để Mặt trận Tổ quốc ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, một yếu tố mang tính căn cơ, cốt lõi là Mặt trận phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức mình; trong đó, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là cơ sở giúp Mặt trận Tổ quốc các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; chủ động tham mưu, kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập nảy sinh cũng như tiếp thu các ý kiến, quan điểm, kế sách hay, phù hợp do quần chúng nhân dân đóng góp.

Thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (gọi tắt là Kết luận số 100-KL/TW), Hội nghị lần thứ hai Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII đã ban hành Nghị quyết và thông qua Đề án số 01/ĐA-MTTW ngày 5/5/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, trong đó đã xác định rõ các nội dung, phương thức tập hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, đề ra các giải pháp thu thập ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân từ Trung ương đến cơ sở.

Thực trạng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận 100-KL/TW

Trong những năm qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin, dư luận xã hội trong hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội đảm bảo cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị, địa phương. Đồng thời, xác định công tác nắm bắt, tổng hợp tình hình Nhân dân và dư luận xã hội (gọi chung là công tác dư luận xã hội) thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; bổ sung nhiệm vụ, giải pháp định kỳ nắm bắt phản ánh tình hình Nhân dân thành một nội dung quan trọng thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng Đề án 01 “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và được Hội nghị lần thứ hai Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết số 03/NQ-MTTW ngày 25/1/2015 thông qua, trong đó đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác dư luận xã hội, đó là:

“Xác định nội dung thu thập, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân: ý kiến, nguyện vọng của nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trên từng lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở; về năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên…; tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài; về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giải pháp thu thập ý kiến, nguyện vọng nhân dân, dư luận xã hội từ Trung ương đến cơ sở: Thông qua việc tập hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân trước kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua hệ thống tổ chức của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức thành viên; tổ chức mạng lưới thu thập ý kiến, nguyện vọng nhân dân của Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở; tổ chức giao ban, tập hợp thông tin hằng tháng giữa Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tuyên giáo các tổ chức thành viên; mở chuyên mục thu thập ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...”1.

Tổ chức bộ phận làm công tác dư luận xã hội

Ở Trung ương, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giao nhiệm vụ nắm bắt, tổng hợp tình hình Nhân dân và dư luận xã hội cho Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri cho Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhiệm.

Ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở, 100% Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phân công Ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tuyên giáo (Ban Tổ chức - Tuyên giáo; Ban Phong trào - Tuyên giáo...) thực hiện công tác nắm bắt, tổng hợp tình hình Nhân dân và dư luận xã hội do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phụ trách chỉ đạo.

Hiện nay, trong Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc thực hiện Kết luận số 100-KL/TW ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chưa đề cập đến việc thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ “Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước”2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, điển hình một số Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: thành phố Hà Nội: 20 cộng tác viên; thành phố Đà Nẵng: 18 cộng tác viên; An Giang: 19 cộng tác viên; Lai Châu: 20 cộng tác viên; Bình Thuận: 12 cộng tác viên; Lạng Sơn: 19 cộng tác viên; Hà Tĩnh: 33 cộng tác viên; Bà Rịa - Vũng Tàu: 18 cộng tác viên; Hòa Bình: 17 cộng tác viên; Nghệ An: 15 cộng tác viên; Phú Thọ: 28 cộng tác viên; Thái Nguyên: 17 cộng tác viên; Phú Yên: 24 cộng tác viên.

Lực lượng quan trọng cung cấp thông tin phản ánh tình hình nhân dân và dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở thôn bản, tổ dân phố; các thành viên Hội đồng tư vấn; Tổ tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến cơ sở; các già làng, trưởng bản, người uy tín trong dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, trưởng các họ tộc.

Đổi mới, nâng cao chất lượng nắm bắt, tập hợp, phản ánh dư luận xã hội

Nguồn thông tin dư luận xã hội được tổng hợp theo hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở thông qua các đầu mối nắm bắt và cung cấp thông tin: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; các tổ chức thành viên; ý kiến của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội đồng Tư vấn3; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; lực lượng cốt cán phong trào của Mặt trận các cấp. Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Việc nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội được duy trì nề nếp hàng tháng, hàng quý và đột xuất khi cần thiết. Ngoài báo cáo nhanh bằng văn bản, các đầu mối này gửi thông tin qua hộp thư điện tử, fax, điện thoại về Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tập hợp thành một kênh thông tin.

Thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban, tập hợp thông tin giữa Ban Tuyên giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên khác liên quan. Kết quả giao ban được tập hợp thành một kênh thông tin dư luận xã hội để báo cáo Đảng, Nhà nước.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở chuyên mục thu thập ý kiến Nhân dân trên Trang thông tin điện tử, Fanpape của Mặt trận Tổ quốc4 để nắm bắt dư luận xã hội, đặc biệt là những thời điểm có tình hình nóng xảy ra cần phải tập hợp thông tin kịp thời. Mặt trận các tỉnh, thành phố đều đã áp dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền, nắm tình hình dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc.

Nội dung nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các vụ việc có liên quan đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, như: việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp, từ Trung ương đến cơ sở; về năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ, đảng viên…; tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài; về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã quan tâm nâng cao chất lượng tổng hợp báo cáo dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội. Chủ động, kịp thời phát hiện, phản ánh đúng, trúng những vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể, thiết thực đối với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh kiến nghị nhiều vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, điển hình như: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý những vụ việc tham nhũng lớn có liên quan đến lãnh đạo cấp cao; những bất cập trong công tác quản lý cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức; những tiêu cực trong công tác quản lý; xung quanh dự án Luật Đặc Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), Luật An ninh mạng; quản lý và thu phí BOT, tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, tai nạn giao thông; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, “tín dụng đen”, ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm… đã giúp các cấp, các ngành, cơ quan quản lý các cấp có thêm thông tin cần thiết để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Để nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo và đã tổ chức duy trì giao ban công tác dư luận xã hội hằng tháng để tổng hợp và báo cáo lãnh đạo các cấp, các ngành, qua đó đề xuất ngành chức năng quan tâm giải quyết các vấn đề dư luận xã hội phản ánh và có thông tin phản hồi dư luận cho Nhân dân, như: Thành phố Hà Nội và Bến Tre.

Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đã lập Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội từ năm 2014, sau 10 năm hoạt động vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện và đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu mục đích đề ra. Đây là mô hình mới, đầu tiên trong cả nước rất đáng để các địa phương học hỏi và áp dụng.

Kết quả xây dựng báo cáo về công tác dư luận xã hội được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được duy trì tốt. Trong 10 năm qua, thực hiện Kết luận số 100-KL/TW và Đề án 01 về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, công tác nắm bắt, tập hợp và báo cáo tình hình dư luận xã hội đã được duy trì và đạt những kết quả tích cực.

Cụ thể: từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp và ban hành 36 báo cáo tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của Nhân dân gửi Đảng, Nhà nước hằng quý, 6 tháng, 1 năm. Cùng với nguồn thông tin từ Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng 18 báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội (khóa XIII, XIV, XV).

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và cơ sở đã xây dựng hàng ngàn báo cáo tổng hợp tình hình Nhân dân và dư luận xã hội gửi cấp ủy và chính quyền, các ngành các cấp liên quan để phản ánh và đề nghị giải quyết những đề xuất, kiến nghị. Những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương có liên quan tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân biết, giám sát.

Định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết việc thực hiện Đề án 01, trong đó có công tác dư luận xã hội. Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sơ kết một năm rưỡi thực hiện Đề án5. Năm 2018, đã tổ chức kiểm tra thực hiện Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT, trong đó có nội dung công tác dư luận xã hội tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cao Bằng, Đắk Lắk, Phú Yên, Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu và tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án6…

Qua thực tế theo dõi, khảo sát, kiểm tra các địa phương và qua tập hợp báo cáo, phản ánh của Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy các địa phương, đơn vị ở các tỉnh, thành phố đã triển khai nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và dư luận xã hội bằng nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mở lớp bồi dưỡng hằng năm cho đối tượng là các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các quận, huyện. Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham mưu bổ sung, cập nhật những thông tin, kỹ năng công tác dư luận xã hội vào tài liệu tập huấn công tác dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận và tham gia trao đổi, truyền đạt nhằm nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dư luận xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở thuộc địa phương mình. Đồng thời, phân công cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo cấp ủy cùng cấp.

Từ năm 2014 đến nay, ở Trung ương đã tổ chức 18 lớp tập huấn nghiệp vụ; cấp tỉnh mở 631 lớp; cấp huyện và cơ sở hằng năm đều mở lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên giáo nói chung và kỹ năng tổng hợp dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Năm 2022, Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Viện dư luận xã hội biên tập Tài liệu “Nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội và tình hình nhân dân dành cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” nhằm cung cấp tài liệu, thông tin phục vụ công tác nắm bắt, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của cán bộ, công chức, cộng tác viên dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Giải pháp nâng cao chất lượng điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trong tình hình mới

Mặt trận Tổ quốc tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần bám vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước, của thực tiễn cuộc sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Kịp thời phản ánh đúng các luồng dư luận trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trước mắt, công tác dư luận xã hội phải tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới và Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đồng thời, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 25/5/2023 về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; Đại hội thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với khí thế mới, xung lực mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW về "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội" được cụ thể hóa trong Đề án về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hai là, kiện toàn đội ngũ làm công tác tuyên giáo nói chung và công tác dư luận xã hội nói riêng đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hằng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác dư luận xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Ba là, chủ động, kịp thời nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền cùng cấp theo định kỳ hoặc đột xuất trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Kết luận 01-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và những vụ việc nổi cộm, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm.

Bốn là, tiếp tục tăng cường phối hợp thông tin dư luận xã hội giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên. Định kỳ tổ chức giao ban công tác phối hợp thông tin dư luận xã hội để vừa tập hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân vừa thống nhất nội dung định hướng tuyên truyền.

Năm là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 100-KL/TW gắn với thực hiện Đề án số 01 về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 100-KL/TW và Đề án số 01 với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân thực hiện công tác dư luận xã hội.

Việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội giúp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nắm bắt, tập hợp, phản ánh dư luận xã hội theo Kết luận số 100-KL/TW trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Là cơ sở, điều kiện để nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính thực chất của công tác nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Trong đó mở rộng các kênh thông tin nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội, nhất là qua internet, mạng xã hội góp phần nâng cao hiệu quả, tính đa dạng và toàn diện của công tác này.

Chủ động nắm tình hình Nhân dân và đổi mới các hình thức tập hợp, phản ánh dư luận xã hội cho phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, lựa chọn nội dung nắm bắt dư luận xã hội, định hướng tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao khả năng dự báo và đề xuất các giải pháp định hướng dư luận xã hội. Tăng cường tính tương tác, chia sẻ thông tin; tăng cường đối thoại, đặc biệt là những vấn đề Nhân dân quan tâm liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của Nhân dân.

Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội có vai trò rất quan trọng trong tập hợp các thông tin, tài liệu, làm căn cứ cho việc xây dựng nội dung, chương trình hành động, kế hoạch công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian qua, hoạt động điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tập trung triển khai mang tính chuyên sâu, đồng bộ gắn với nhiều giải pháp khác nhau.

Chú thích:

1. Trích Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT, ngày 5/5//2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2.  Điều 3, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

3.  63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố; 48 tổ chức thành viên; 383 ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 7 Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4.  Tháng 11/2021, hệ thống “Trang cộng đồng’ (Fanpage Facebook) của Mặt trận các cấp được thành lập, quản lý, vận hành trang Fanpage. Tính đến nay, qua thống kê, rà soát, có 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, vận hành trang cấp tỉnh; trên 80% đơn vị thành lập Fanpage Mặt trận cấp quận, huyện; 70,2% đơn vị thành lập Fanpage Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn. Tại trang Fanpage của Trung ương, đến thời điểm này đã có trên 22.843 tài khoản đăng ký theo dõi. Trung bình mỗi ngày có từ 10-20 tin, bài, video đăng lên trang nhằm phản ánh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Trung bình mỗi tháng có: trên 200.000 lượt tiếp cận; trên 50.000 lượt tương tác với bài viết; trên 2.000 lượt click vào liên kết; trên 5.000 lượt chia sẻ các bài viết về hoạt động của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương.

5.  Báo cáo số 348 /BC-MTTW- BTT, ngày 3/2/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về sơ kết một năm rưỡi thực hiện Đề án“Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

6.   Báo cáo số 689 /BC-MTTW- BTT, ngày 15/1/2019 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.