Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Sáng ngày 28/9, tại tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương bắt tay đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh; các Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Nguyễn Hữu Dũng, Hoàng Công Thuỷ cùng các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố và lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh.

 

 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam bắt tay đại biểu tham dự Hội nghị

Ngày hội của ý Đảng, lòng dân

Trình bày Báo cáo kết quả 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, sau 20 năm tổ chức, Ngày hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua từng thời kỳ. Việc tổ chức Ngày hội luôn nhận được sự quan tâm, ghi nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên và sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cả về vật chất và tinh thần cho Nhân dân ở mỗi cộng đồng dân cư. Thông qua đó, tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các vị Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương đã về chung vui cùng với Nhân dân ở cả phần lễ và phần hội với sự đổi mới cả nội dung và hình thức. Phần Lễ được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư.  Trong phần Hội, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công, trao nhà “Đại đoàn kết”, trao quà động viên hộ gia đình khó khăn, tặng thưởng cho các cháu học sinh có nhiều thành tích trong học tập và sự nhộn nhịp của các trò chơi dân gian được đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngày hội thực sự trở thành nhu cầu tự thân của người dân, là phương thức điển hình để tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng.

 Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày dự thảo Báo cáo tại Hội nghị

Ở Trung ương trong 20 năm qua, đã có 731 lượt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương tham dự Ngày hội tại hơn 1.650 khu dân cư thuộc 63/63 tỉnh, thành phố. Tại các địa phương, hầu hết các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp đã tham dự Ngày hội. Đây là dịp để mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở được gặp gỡ, được tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố và các địa phương, cơ sở đã có sáng kiến lựa chọn chủ đề tổ chức Ngày hội theo từng năm. Theo số liệu tổng hợp, giai đoạn 2003- 2023, trung bình cả nước hàng năm có trên 87% số khu dân cư trên địa bàn cả nước tổ chức Ngày hội (nhiều tỉnh thành phố trong nhiều năm liền có 100% khu dân cư trong toàn tỉnh/thành phố tổ chức Ngày hội), trong đó có trên 75% số khu dân cư tổ chức tốt cả phần Lễ và phần Hội; trên 62% số khu dân cư tổ chức được “Bữa cơm Đại đoàn kết”.

Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, nhìn lại chặng đường 20 năm qua có thể thấy, giá trị đặc trưng của Ngày hội chính là sự sẻ chia, sự gắn kết; sự hòa quyện giữa các sắc màu văn hóa và cuộc sống của người dân trong mỗi cộng đồng thông qua các trò chơi dân gian như: thi kéo co, múa sạp, thi nấu ăn, thi gói bánh chưng, giã bánh dày trong đồng bào các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn; thi ném Còn, Đẩy gậy của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái... và các địa phương biên giới Tây bắc của Tổ quốc; Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Trỉa lúa, Lễ hội Đập trống của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế...; Các tiết mục giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng nhau chung sống như Kinh - Mường - Thái - Hoa - Lô Lô - Tày của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Lai Châu... đã làm phong phú hơn sắc màu của ngày hội đại đoàn kết.

 

 Quang cảnh Hội nghị 

Ngày hội của tình đoàn kết, nghĩa đồng bào

Ngày hội cũng là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, sẻ chia, giúp đỡ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn đó, nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của Nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết ở mỗi khu dân cư trên cả nước.

Theo kết quả tổng hợp của các địa phương Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập.

  Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, từ những khát vọng vươn lên trong cuộc sống, với ý chí quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của người dân và hiệu quả của các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam các cấp phát động và phối hợp triển khai thực hiện đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực trong mỗi cộng đồng.

Ngày hội đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội ở các cộng đồng dân cư, vun đắp tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh góp phần hiện thực hóa các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Giá trị của Ngày hội không những tôn vinh kết quả của công tác Mặt trận tại mỗi địa phương, Ngày hội giúp cho hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước. Qua 20 năm tổ chức Ngày hội có thể khẳng định, sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân ngày càng tăng.

“Ngày hội đã góp phần khơi dậy, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ngày hội là giải pháp trọng tâm trong công tác phối hợp, hiệp thương giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; Ngày hội chính là phương thức quan trọng trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thuỷ phát biểu tại Hội nghị  

Tiếp tục tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Khẳng định việc tổ chức hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) hằng năm là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam các cấp trong tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy thần thi đua, sáng tạo trong các tầng lớp Nhân dân hướng tới xây dựng mỗi gia đình, từng cộng đồng giàu bản sắc văn hóa, văn minh, ấm no, hạnh phúc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển của đất nước phồn vinh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp cần tăng cường tham mưu, đề xuất đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền đối với việc tổ chức Ngày hội hiệu quả, thiết thực; Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam; về ý nghĩa của Ngày hội; Hàng năm, trên 90% Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có đủ năng lực chủ trì việc tham mưu và tổ chức Ngày hội; Phát huy sự sáng tạo đổi mới trong tổ chức Ngày hội cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Chú trọng những địa bàn có tính đặc thù, giảm thiểu các hình thức tổ chức Ngày hội kém hiệu quả; Bảo đảm nguồn lực và xã hội hóa nguồn lực trong tổ chức Ngày hội.

Về giải pháp thực hiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp cần tăng cường tham mưu, đề xuất công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng; nội dung nhiệm vụ phối hợp của cấp chính quyền và các tổ chức thành viên trong tổ chức Ngày hội; Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức Ngày hội; Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội; Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tính sáng tạo của mỗi địa phương trong tổ chức Ngày hội; Đảm bảo và huy động nguồn lực trong tổ chức Ngày hội.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về đổi mới, nâng cao chất lượng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Trong đó cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên trong hướng dẫn tổ chức Ngày hội; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân trong đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội; Tăng cường công tác biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Đề cập tới việc thống nhất tên gọi, thời gian tổ chức, quy mô và điều kiện tổ chức ngày hội, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà gợi mở sẽ thống nhất tên gọi “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”; Ngày hội tổ chức trong khoảng từ 01/11- 18/11 hằng năm. Tùy theo điều kiện cụ thể, hằng năm các địa phương có thể hướng dẫn cơ sở và khu dân cư tổ chức Ngày hội vào cùng một thời điểm để đảm bảo sự tập trung và thống nhất. Các địa phương có thể lựa chọn quy mô tổ chức: khu dân cư, liên khu dân cư; cấp xã, liên cấp xã; cấp huyện.

Đồng thời khuyến khích các tổ chức đoàn thể, nòng cốt là tổ chức Công đoàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam trên địa bàn để tổ chức Ngày hội trong các đối tượng công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân với quy mô phù hợp.

 Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận vào nội dung Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về đổi mới, nâng cao chất lượng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới, từ đó nhằm tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, thực hiện phương châm hướng mạnh về cơ sở, lấy nhân dân là chủ thể, lấy cơ sở là địa bàn chính để hoạt động.

Nói lên những tâm huyết, trăn trở đối với việc tổ chức Ngày hội, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, sau 20 năm, ngày hội được triển khai tổ chức ngày càng sâu rộng ở hầu hết khu dân cư trên phạm vi cả nước, trở thành nét đẹp truyền thống mang tính toàn quốc, toàn dân, toàn diện. Ngày hội là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về lịch sử và truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, vị trí, vai của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, là nòng cốt trong tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian tới, ông Huỳnh Đảm cho rằng cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ MTTQ chuyên trách, trong đó phát huy sự năng động, sáng tạo của của cán bộ Mặt trận ở khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội. Việc tổ chức Ngày hội phải phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn dân cư, tránh hành chính hóa để tạo không khí đầm ấm, vui tươi, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân.

 Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị

Từ thực tiễn tổ chức Ngày hội ở địa phương, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện, việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức và được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, gắn với thương hiệu của MTTQ Việt Nam, là sự chờ đợi của người dân trên địa bàn dân cư. Điểm nhấn trong việc tổ chức Ngày hội phải kể đến là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức Ngày hội thông qua nền tảng số, fanpage của MTTQ Việt Nam, các phương tiện phát thanh, truyền hình, nhờ đó không khí ngày hội được lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, từng người dân trong cộng đồng dân cư. Việc tuyên truyền về truyền thống MTTQ Việt Nam cũng như các chủ trương, chính sách phát triển của mỗi địa phương đã có điều kiện tiếp cận rất nhanh và rất gần đến người dân, việc sử dụng màn hình LED để tuyên truyền đem đến sự thuận lợi trong tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ với người dân.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Ngày hội đại đoàn kết là dịp để khẳng định sức mạnh của toàn dân tham gia trên mọi lĩnh vực của quá trình phát triển địa phương. Trong dịp tổ chức Ngày hội, toàn Thành phố Hà Nội  đã có hơn 4.300 công trình dân sinh được khánh thành, trên 9.900 ngôi nhà đại đoàn kết được xây mới, 3.940 ngôi nhà đại đoàn kết được sửa chữa. Đặc biệt là sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến với nhân dân trong Ngày hội, được trực tiếp lắng nghe, trao đổi với nhân dân, cởi mở, thân tình, từ đó nhân dân ngày càng có niềm tin vững chắc hơn với Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Về bài học kinh nghiệm thời gian tới, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng cần phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức và lựa chọn nội dung tổ chức Ngày hội phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tham gia Ngày hội. Đặc biệt cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa, làm phong phú hơn nội dung, phương thức tổ chức Ngày hội.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân Vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị  

Nhấn mạnh việc thông qua ngày hội ở khu dân cư góp phần nhân lên vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh trăn trở, hiện nay, chất lượng triển khai Ngày hội ở nhiều nơi không đồng đều và còn mang tính hình thức. Bởi vậy, xuất phát từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh, ông Hồi cho rằng cần xác định Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc chính là ngày hội của nhân dân, nhân dân phải là chủ thể, mọi hoạt động phải xuất phát từ nguyện vọng, tâm tư của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; đồng thời, để khơi dậy tính tự nguyện, tính làm chủ của nhân dân trong thực hiện Ngày hội phải tập trung tuyên truyền, vận động để người dân thấy được mục đích, ý nghĩa của Ngày hội để tăng cường sự đoàn kết, gắn kết của người dân trên địa bàn và phải để nhân dân hiểu được quyền lợi của mình khi tham gia Ngày hội.

"Khi nào chúng ta khơi dậy tinh thần làm chủ, tinh thần tự giác, ý thức tham gia của nhân dân thì Ngày hội mới thành công; phải tạo lập được cơ chế mang tính ràng buộc để các hộ dân phát huy tinh thần tự giác thông qua việc bổ sung vào hương ước, quy ước của khu phố để người dân cùng tham gia ngày hội. Khi người dân hiểu được ý nghĩa của Ngày hội thì cấp uỷ, chính quyền, MTTQ các cấp cần tạo được không khí thi đua để người dân tham gia vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tham gia vào những hoạt động của Ngày hội. Từ đó sẽ phát huy được giá trị bản sắc văn hoá của các khu dân cư trên địa bàn và không khí thi đua của nhân dân", ông Nguyễn Văn Hồi đề xuất.

Cho rằng thi đua không thì chưa đủ mà phải tạo được không khí có điểm nhấn để người dân thực sự tham gia Ngày hội, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, hai năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một ngày hội chung của toàn tỉnh để các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đến với nhân dân, tham dự với nhân dân, điều này đã thể hiện sự gắn bó mật thiết của lãnh đạo đối với nhân dân, sự gắn bó mật thiết giữa đảng với nhân dân. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ nguồn kinh phí để tất cả các khu phố trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội. "Ngày hội đại đoàn kết đã trở thành Ngày hội non sông của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh", ông Hồi chia sẻ.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 

Tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng nhằm tiếp tục lan toả hơn nữa ý nghĩa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại mỗi khu dân cư trên cả nước.