Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

(Mặt trận) - Ngày 14/9, tại tỉnh Yên Bái, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ năm 2023. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đại đoàn kết dân tộc - Động lực chủ yếu phát huy sức mạnh Nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu lần thứ XI: "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển"

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp nhận hỗ trợ số tiền 1,8 tỷ đồng cho người nghèo tỉnh Điện Biên

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Cùng tham dự có lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và hơn 60 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 14 tỉnh.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km2, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của cả nước. Toàn vùng có khoảng 14,7 triệu người chiếm 15,2% dân số cả nước, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của 30 dân tộc như: Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, La Hủ, Hà Nhì, Giáy, Cống… trong đó dân tộc Kinh chiếm 43,8%, các dân tộc thiểu số còn lại chiếm 56,2%.

 Chủ trì Hội nghị 

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS

Trình bày Báo cáo tình hình dân tộc, công tác dân tộc các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào cơ bản ổn định. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS&MN, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả. Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng tích cực đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng; vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được giải quyết; nhiều vấn đề tiêu cực xã hội được đây lùi; chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN từng bước được cải thiện, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật, nhiều con em người dân tộc thiểu số đã được đào tạo thành công nhân kỹ thuật, cán bộ khoa học, doanh nhân và nhà quản lý giỏi; tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định đã góp phần giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.

Cùng với đó, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ cơ bản ổn định, không phát sinh các vụ việc phức tạp. Các địa phương triển khai các hoạt động nắm bắt, dự báo tình hình cơ sở, chủ động ngăn chặn, hòa giải ngay từ cơ sở những vấn đề phát sinh trong nội bộ nhân dân như: xâm canh, xâm cư; tranh chấp bãi chăn thả gia súc, đất đai, nguồn nước; mâu thuẫn dòng họ…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày báo cáo tình hình dân tộc, công tác dân tộc các tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang… chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành các tổ chức thành viên nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thông qua các đoàn đi thăm hỏi, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc và lễ hội truyền thống của các dân tộc thiếu số.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng có đông đồng bào DTTS, các vị ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ hòa giải ở cơ sở để vận động, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, tạo “điểm nóng” liên quan đến yếu tố dân tộc ở địa phương, cơ sở. Định kỳ có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

“Hệ thống MTTQ và tổ chức thành viên các cấp trong vùng đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, năm bắt tình hình vùng DTTS&MN, dự báo những vấn đề phức tạp có thể phát sinh từ cơ sở, từ đó tham mưu với cấp ủy các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững anh ninh, quốc phòng. Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

 Đại biểu tham dự Hội nghị

Đề cập đến các chính sách giáo dục đối với đồng bào các DTTS và miền núi, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian qua, các tỉnh trong khu vực tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về giáo dục ở vùng DTTS như: Hỗ trợ kinh phí, gạo, trang thiết bị cho học sinh con em hộ nghèo, cận nghèo, học sinh nội trú và bán trú, chính sách với giáo viên…Một số tỉnh có cơ chế đặc thù riêng hỗ trợ cho học sinh DTTS không thuộc diện thụ hưởng chính sách chung. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng thấp nhất cả nước; nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu; đồng thời, việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; tình trạng du canh, du cư, xâm canh, xâm cư phá rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra quy mô nhỏ lẻ...

 Đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá một số loại nông sản không ổn định, khó tiêu thụ, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là giá phân bón. Ở một số địa phương xảy ra mưa dông, lốc, mưa lớn, gió giật mạnh gây thiệt hại về vật chất và người. Thị trường lao động, trong đó nhiều lao động người DTTS thiếu việc làm trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chung chậm lại, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, một số tỉnh biên giới, miền núi vẫn diễn ra các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, nhập cảnh trái phép, trộm cắp tài sản của nhân dân. Tại một số địa phương vẫn diễn ra hoạt động tập trung khiếu kiện đông người, nội dung khiếu kiện chủ yếu liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng…

 Quang cảnh Hội nghị

Tâm tư, nguyện vọng của đồng bào gửi tới Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Từ những bất cập nêu trên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã nhấn mạnh tới một số nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào DTTS gửi tới Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo đó, đồng bào các dân tộc đề nghị, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương cần đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi Bắc Bộ.

Đại biểu tham dự Hội nghị 

Đồng bào các DTTS cũng kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, "văn hóa" ứng xử với rừng của người DTTS; nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đối với việc quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

“Các cơ quan chức năng cần thực hiện công tác quản lý tốt hơn nữa để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh... Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ” Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhấn mạnh, đồng bào các DTTS có nguyện vọng và kiến nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ cần có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS. Có cơ chế ưu đãi, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS; Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chợ nông thôn và các loại hình chợ phù hợp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; Tập trung khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch "xanh", giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng.

Đặc biệt, cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Không ngừng củng cố lực lượng cốt cán của các đoàn thể, tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; đề cao vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín; Quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người DTTS theo Nghị quyết 52/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; chú trọng xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng.

Từ thực tế triển khai tại địa phương, đại biểu tham dự Hội nghị đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình tới Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với mong muốn nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của bà con trên địa bàn.

Ông Đặng Hồng Quân người uy tín dân tộc Dao thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái phát biểu 

Ông Đặng Hồng Quân người uy tín dân tộc Dao thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái bày tỏ, những năm trước đây, nhân dân các dân tộc nói chung và đồng bào Dao nói riêng đời sống vật chất tinh thần của bà con gặp khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Một số bà con còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thiếu cố gắng vươn lên trong cuộc sống, các hủ tục lạc hậu chưa được đẩy lùi.

Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách đúng đắn của Nhà nước, các chương trình dự án có hiệu quả như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xóa nhà dột nát, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đến với người dân và thực sự phù hợp với lòng dân.

“Từ những chương trình dự án của Nhà nước người dân đã được hưởng lợi rất nhiều làm thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người dân từ tư duy đến hành động. Nhân dân đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc, cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang. Bà con đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, thực hiện nếp sống văn minh” ông Đặng Hồng Quân chia sẻ và cho biết từ một làng quê nghèo, hôm nay đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mang đến hội nghị những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, ông Quân kiến nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho đồng bào các DTTS như trường học, cơ sở vật chất đồng bộ cho việc dạy và học. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

“Trong thực hiện đầu tư các chương trình dự án cần triển khai tập trung, có trọng điểm, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tỉnh lộ để nhân dân giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo tồn giá trị nền văn hóa các dân tộc.” ông Quân kiến nghị

Ông Sừng Sừng Khai, Dân tộc Hà Nhì, người uy tín xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị 

Ông Sừng Sừng Khai, Dân tộc Hà Nhì, người uy tín xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, phát huy vai trò của người uy tín, bản thân ông thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là việc vận động nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế - xã hội thông qua các mô hình kinh tế cụ thể. Để thuyết phục được bà con, bản thân ông cùng gia đình luôn đi đầu trong việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn như mô hình chăn nuôi gia xúc, mô hình trồng cây sa nhân, mô hình trồng cây quế…

“Nhân dân xã Sín Thầu nói riêng và nhân dân Mường Nhé nói riêng đã và đang hăng hái thực hiện các mô hình chăn nuôi với trên hàng trăm con trâu, hàng trăm con bò, và trồng hàng nghìn ha cây hoa màu”, ông Sừng Sừng Khai chia sẻ và đề cập tới thực tế giá trị hàng hoá, nông sản còn thấp, khiến đời sống của người dân vẫn còn khó khăn.

Bởi vậy, ông Sừng Sừng Khai đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phương thức sản xuất, kinh doanh để bà con vươn thoát nghèo; đồng thời tiếp tục duy trì, thực hiện tốt cơ chế chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào có điều kiện được học tập tại các trường Đại học để sau này về phát triển quê hương.

“Đảng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng lối mở A Pa Chải – Long Phú thành cửa khẩu song phương, tạo điều kiện cho bà con thông thương hàng hoá. Cùng với đó cần tiếp tục đầu tư xây dựng đường giao thông thuận lợi đến các xã, các bản; đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên để nhân dân trên địa bàn có điều kiện giao thương, giao lưu văn hoá và học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Sừng Sừng Khai kiến nghị.

Bà Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu phát biểu tại Hội nghị

Nêu thực tế về những khó khăn đối với người dân khi tiếp cận nguồn vốn, bà Lý Thị Chướng, dân tộc Mảng, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết, chính sách quy định các hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có vốn đối ứng, tùy từng lĩnh vực đối ứng từ 30 đến 50%.

“Đã là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì lấy đâu ra vốn đối ứng. Từ khó khăn này dẫn đến khó khăn cho việc liên kết chuỗi và thu hút với các doanh nghiệp vào đầu tư vào sản xuất.” Bà Chướng nêu thực tế

Bà Chướng cũng chia sẻ thêm, đối với các xã đã đạt nông thôn mới nhưng các hộ DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về thể Bảo hiểm y tế. Vì không có thẻ nên khi ốm đau người dân không dám đi viện vì không có tiền.

“Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS giảm bớt khó khăn trong khám chữa bệnh đảm bảo sức khỏe cho người dân” bà Chướng chia sẻ nguyện vọng và kiến nghị Nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia cho những xã bản còn lại chưa có điện lưới; đồng thời có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế; quan tâm tạo điều kiện cho con em DTTS học nghề và có việc làm sau khi đào tạo…

Bà Lồ Lài Sửu, Nghệ nhân ưu tú dân tộc Bố Y tại thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị

Từ thực tế tại địa phương, bà Lồ Lài Sửu, Nghệ nhân ưu tú dân tộc Bố Y tại thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho rằng, cần tiếp tục mở thêm các tuyến đường nội đồng và bê tông hoá đường giao thông nông thôn bởi vẫn còn một số tuyến đường nội đồng là do nhân dân tự mở bằng công cụ thô sơ với mong muốn để xe máy đi lại được dễ dàng. Tuy nhiên, những con đường tự mở này sẽ gặp khó khăn khi mưa lũ ập đến, việc vận chuyển của bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

“Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm xoá nhà tạm cho hộ nghèo, tuy nhiên việc triển khai giải ngân còn chậm tiến độ nên đã gây khó khăn cho các hộ nghèo trong việc đối ứng kinh phí, vì vậy, Đảng, Nhà nước cần bố trí giải ngân kinh phí xoá nhà tạm kịp thời cho những hộ được phê duyệt danh sách”, bà Lồ Lài Sửu nói.

Đề cập tới lĩnh vực giáo dục, bà Lồ Lài Sửu cho biết, do ảnh hưởng của Nghị quyết 861 của Chính phủ và một số Nghị quyết khác, ở các xã về đích nông thôn mới không còn được hưởng các chính sách về giáo dục như: chính sách học sinh bán trú không được hỗ trợ trong khi đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; địa hình, khí hậu ảnh hưởng tới việc đi lại của các em học sinh khi khoảng cách di chuyển tới trường từ 6-7km. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bán trú cho học sinh để các em yên tâm đến trường.

Nhắc tới việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá, bà Lồ Lài Sửu chia sẻ, hiện nay, một số nét đẹp văn hoá và các hình thức sinh hoạt như trò chơi dân gian và các bài hát dân ca có tình trạng lãng quên và mai một; các trang phục bị thay đổi, không còn nguyên vẹn so với đặc trưng văn hoá của vùng. Mặt khác, các em học sinh từ nhỏ đã làm quen với môi trường giáo dục hiện đại, tiếp xúc với tiếng Việt từ nhỏ nên ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ… Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nét đẹp văn hoá của dân tộc bị mất dần, vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đưa nội dung phổ biến ngôn ngữ, văn hoá dân tộc vào trường học và mời các nghệ nhân am hiểu văn hoá của từng dân tộc vào giảng dạy; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng việc vận động nhân dân dân tích cực, chủ động tham gia bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống của dân tộc.

 
 
 
 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị