Đảm bảo cơ sở pháp lý và nguyện vọng của đồng bào trong việc xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc

(Mặt trận) - Chiều 13/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội nghị của Hội đồng Tư vấn Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý Đề án xác định thành phần, tên gọi của một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, 54 dân tộc anh em đã là một thể thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Theo kết quả điều tra của Ủy ban Dân tộc và ý kiến, kiến nghị của các địa phương, nước ta có 21 dân tộc đề xuất xác định lại thành phần dân tộc, 11 dân tộc có nhu cầu xác định lại tên gọi.

 Ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số Ủy ban Dân tộc, việc sửa đổi, bổ sung cách viết tên gọi của một số dân tộc trong Danh mục các dân tộc Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ trong bối cảnh hiện nay là phù hợp với Hiến pháp về quyền con người, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thể hiện được quyền và sự tự tôn dân tộc, góp phần giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại, khẳng định độc lập chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Ông Thủy cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung đã được Ủy ban Dân tộc tiếp thu vào dự thảo hồ sơ Đề án, tham mưu đề xuất đảm bảo hài hòa giữa ý nguyện của chủ thể dân tộc và đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội, tránh gây những xáo trộn lớn và những hệ lụy không mong muốn có thể xảy ra, bổ sung làm rõ hơn phần đánh giá tác động của Đề án.

 Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị tâm huyết nhằm xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Theo ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, quản lý Nhà nước về dân tộc các cấp cần phải biết rõ nước ra có bao nhiêu thành phần dân tộc, tên gọi đúng là gì? Nếu làm tốt việc này sẽ thể hiện sự tôn trọng quyền tự quyết và nâng cao vị thế, trách nhiệm của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ đó sẽ không có vấn đề phức tạp, không có nhạy cảm, giúp khắc phục được một số bất cập về tộc danh, giúp giải quyết đúng vấn đề dân tộc ở nước ta.

Từ yêu cầu cấp thiết đó, ông Lù Văn Que đề xuất, Ủy ban Dân tộc cần phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam để xem xét lại một số tộc danh chưa thống nhất và tiến hành nghiệm thu cụ thể từng nội dung của Đề án để trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra quyết định. Trong quá trình làm cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, của cấp ủy ở cơ sở, nơi được đề nghị xác định lại tộc danh và phải đảm bảo yêu cầu bình đẳng, đoàn kết dân tộc. Từ đó góp phần ổn định chính trị - xã hội, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc .

“Phải có ý kiến của bà con được xác định tên, ý kiến của nhà khoa học và ý kiến của người quản lý. UBTƯ MTTQ Việt Nam phải tham gia phản biện các vấn đề để việc triển khai đề án mang lại hiệu quả thiết thực nhất”, ông Lù Văn Que nhấn mạnh.

Từ thực tế khảo sát tình hình dân tộc, ông Hoàng Đức Hậu, nguyên Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, việc thay đổi tên cần căn cứ vào nhu cầu và mong muốn của đồng bào, từ đó đưa ra tiêu chí phân định tên gọi. Bởi vậy, việc thay đổi thành phần, tên gọi của một số dân tộc được đề cập trong đề án là hợp lý và cần có thời hạn trình cụ thể để Đề án sớm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Đồng quan điểm, ông Chu Tuấn Khanh, thành viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, việc xác định thành phần dân tộc cần được trình để Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý cho tên gọi của các dân tộc, đặc biệt là việc xác định thành phần dân tộc sẽ tạo sự thống nhất trong việc cấp chứng minh thư nhân dân cho đồng bào.

Quang cảnh Hội nghị

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, việc xác định thành phần, tên gọi các dân tộc là nội dung và nhiệm vụ quan trọng. Do đó, quá trình xác định cần đảm bảo yêu cầu ổn định chính trị, đoàn kết giữa các dân tộc, đúng pháp luật; đồng thời phải xem xét đến tình hình đặc điểm từng vùng dân tộc thiểu số trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Trên cơ sở những tâm tư, đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những ý kiến, đề xuất là cơ sở quan trọng giúp ban soạn thảo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án, trong đó tiếp tục tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề thành phần, tên gọi; đồng thời, việc xác định thành phần, tên gọi các dân tộc phải góp phần tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với chính sách của Đảng, Nhà nước, thắt chặt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.