Cuộc “hội quân” trên vùng đất lịch sử

(Mặt trận) - Vượt thời gian, vượt không gian cách xa vời vợi và vượt lên những cơn đau âm ỉ hành hạ mỗi ngày, chiều một ngày tháng 4 oi ả, 139 người chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ 8 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, đã tề tựu trên chiến trường xưa. Điện Biên Phủ - 70 năm trước, những người chiến sĩ, dân công, thanh niên tuổi mười tám đôi mươi ngày ấy, đã vai kề vai chung trận địa chiến hào... Lần trở về này với rất nhiều người là khó lắm. Khó hơn cả 70 năm trước khi họ đi phá đá mở đường, vai kề vai đồng đội để đào từng mét hào trên chiến trường Điện Biên.

Lời cảm ơn

Góp thêm nguồn lực để giúp đồng bào sớm tái thiết cuộc sống

Tính đến 17h00 ngày 18/9: Số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 1.432 tỷ đồng

  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tặng quà cho 15 đại biểu tại chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên ngày 17/4/2024

Xúc động, bồi hồi, người người rưng lệ!

Dù đã chuẩn bị tâm thế cho chuyến đi xa thăm chiến trường, ấy vậy mà khi xe dừng bánh trước khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ A1 thì những chiếc huy hiệu trên lồng ngực người lính năm xưa lại rung rung từng nhịp. Vịn bàn tay vào các con, các cháu bước từng bước vào nghĩa trang, bước chân người chiến sĩ như chơi vơi, như “lạc” về ký ức miền hoài niệm.

Ông Đồng Văn Bơn, người thanh niên xung phong tham gia phục vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa giờ đã tròn tuổi 94. Trong lần này- lần đầu tiên trở về vùng đất lịch sử mà ông từng phục vụ suốt chiến dịch, ông Bơn đã không cầm được dòng nước mắt. Nhận lời đề nghị kể chuyển phục vụ chiến dịch của mình và các đồng đội, nhưng phải rất lâu sau ông Bơn mới nguôi niềm xúc động.

Giọng nhẹ nhàng, ông Bơn khẽ kể: Thanh niên xung phong chúng tôi thực hiện 60 loại công việc khác nhau. Có những việc tưởng nhỏ như ngụy trang vì đêm đêm xe tải đưa vào “vùng cấm”, đường mòn, cỏ chết, cây ngụy trang ngả nghiêng héo khô. Ban ngày, thanh niên xung phong chúng tôi phải làm cho cỏ tươi lại, che khuất hết đường mòn bằng cách đi xa chặt cây về ngụy trang giống như rừng nguyên sinh để che mắt địch. Dọc đường 41 (đường Tuần Giáo - Điện Biên), chúng tôi làm hàng nghìn lán trại, kho tạm, cũi lớn vừa đảm bảo an toàn bí mật vừa bảo đảm cho hành quân vào chiến dịch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân tài, vật lực từ khu 4, khu 3, Việt Bắc, Yên Bái, Nghĩa Lộ lên đều nhập vào đường 41, địch biết việc đó nên tập trung đánh vào đường 41 rất ác liệt. Nhưng với khẩu hiệu “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”, nên khi địch vừa ngừng thả bom thì thanh niên xung phong đã xông tới vừa phá bom nổ chậm vừa san lấp hố bom, chặt cây chống lầy, chống lún, mở đường tránh, cầu ngầm cho xe qua. Trong lúc phá bom, phá đá mở đường có rất nhiều thanh niên xung phong đã hy sinh, nhiều người còn rất trẻ nhưng rất dũng cảm, gan dạ.

“Khi chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, đội thanh niên xung phong chúng tôi lại tiếp tục mở đường chiến lược Lai Châu - Ma Lù Thàng. Rồi tôi lập gia đình ở lại luôn Phong Thổ. Cuộc sống không dư dả, nhà lại đông con nên dù nhớ Điện Biên, nhớ các anh em, bạn bè nhiều lắm mà tôi chưa về được. Hôm nay được hội ngộ với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến tại mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mừng vui, xúc động lắm. Không lời nào tả được hết niềm xúc động trong tôi”- ông Đồng Văn Bơn đã nói với chúng tôi như thế.

Cũng niềm xúc động trào dâng, trong đoàn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến vào viếng đồng đội trong Nghĩa trang liệt sĩ A1 chiều 16/4 vừa qua, tôi đã gặp những con người có mái đầu bạc trắng; mắt mờ, chân chậm bước khẽ trong nghĩa trang. Mỗi người đi có thêm hai người dìu bước, mắt xa xăm như nén tiếng khóc hờ. Chợt giữa đoàn người có cụ ông tóc trắng như cước, bước ngược đoàn đi tìm danh sách liệt sĩ tỉnh Nghệ An. Tay run run, ông chỉ tên hai liệt sĩ và nói rằng "cả hai đều là em con chú của tôi, họ hy sinh khi đào hào ngày 17/4 năm ấy. Tuổi hai mươi họ nằm lại đất này!". Hỏi người nhà ông, tôi được biết tên ông là Trương Sỹ Trì, chiến sĩ Điện Biên; trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày cùng đồng đội đào hào trên đồi A1, mắt ông Trì như sáng lên theo kỷ niệm những năm xa. Ông nói rằng: Cũng cữ này 70 năm trước là thời kỳ trận chiến đấu vào giai đoạn cam go, đơn vị tôi được giao đào hào trên trên đồi A1. Việc đào hào vốn đã vất vả nhưng đào hào trên đồi A1 càng vất vả hơn. Vì ở đó, địch bố trí phòng ngự dày đặc, đất lẫn đá trên đồi lại cứng, việc đào hào lại chỉ tiến hành vào ban đêm cho nên khó không từ nào để tả nhưng chúng tôi không ai nề hà, không ai phàn nàn dù chỉ một lời. Mỗi tối, trước khi đến ca đi đào hào chúng tôi đều dặn nhau phải dồn sức vào đầu mũi xẻng moi đất, không được để động thành tiếng, không được để vướng mìn hay dây thép gai của địch mới đảm bảo bí mật, tính mạng cho anh em. Dù cẩn thận là thế, nhưng cũng không tránh khỏi tổn thương và mất mát, vì cứ một lúc địch lại cho bắn đạn pháo tìm mục tiêu quanh hầm hào, lô cốt địch. Đồng đội của tôi, rất nhiều người vĩnh viễn nằm lại trên đồi...

Thương nhớ gửi lại...

Trở về Điện Biên theo chương trình của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, đoàn thành phố Hồ Chí Minh gồm có ông Trì cùng ba chiến sĩ Điện Biên là các ông: Dương Chí Kỳ, Trần Quang Triệu, Trịnh Hữu Cán. Cùng với chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến các tỉnh bạn, các ông được ban tổ chức đưa thăm viếng đồng đội ở Nghĩa trang A1; tham quan bức tranh panorama (tranh tròn) tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ ở Bảo tàng chiến thắng, được gặp những người bạn thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến chung đường phục vụ chiến dịch năm xưa... Được về Điện Biên, được tự tay thắp nén hương trên từng phần mộ liệt sĩ, đồng đội thì nỗi trống vắng nhớ mong trong lòng người chiến sĩ phần nào dịu bớt. Nhưng nỗi nhớ niềm thương người nằm lại vẫn cứ mãi khôn nguôi...Sáng hôm ấy (17/4) trong buổi gặp mặt ấm áp, thắm đượm nghĩa tri ân, ông Dương Chí Kỳ người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã gửi lại niềm mong: "Dành sự quan tâm nhiều hơn cho những người anh em, đồng đội của chúng tôi mà cuộc sống đang còn khó khăn, vất vả; và cũng mong dành sự chăm sóc chu đáo hơn đến những người đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đã nằm lại đất này. Mong rằng các nghĩa trang liệt sĩ luôn sáng đèn, rực rỡ những màu hoa. Ngày mai, chúng tôi lại trở về thành phố Hồ Chí Minh, xa Điện Biên Phủ, xa Mường Thanh nhưng tâm hồn chúng tôi luôn dõi theo, hướng về Điện Biên tươi đẹp, nghĩa tình...”!

Vô cùng xúc động khi được gặp các bác, các cô chú, các anh chị mặc dù hầu hết tuổi đã rất cao nhưng vẫn khỏe, minh mẫn và tràn đầy nhiệt huyết, tại buổi gặp mặt tri ân tại vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng vào sáng ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói: “Tôi như được tiếp thêm động lực, truyền cảm hứng khi được lắng nghe chia sẻ, tâm sự của bác Bùi Kim Điều và bác Dương Chí Kỳ đại diện chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tề tựu ở đây trong cuộc hội ngộ này. Các bác đã nói lên niềm tin mãnh liệt được hun đúc trong trái tim người chiến sĩ trưởng thành từ trận chiến năm xưa. Đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ- một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và “cột mốc vàng” trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta; xứng đáng được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh".

Tiếp nhận niềm mong của bác Dương Chí Kỳ đại diện chiến sĩ Điện Biên gửi gắm tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng để thúc đẩy, khơi dậy lòng yêu nước, phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử và khát vọng cống hiến cho non sông, cho Tổ quốc.

Với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục kế thừa, phát huy tinh thần và chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển tỉnh Điện Biên nhanh và bền vững, giữ vững biên cương vùng Tây Bắc của Tổ quốc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. “Đây cũng là mong muốn và gửi gắm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Điện Biên"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.