(Mặt trận) - Sáng 18/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
|
Quang cảnh Lễ kỷ niệm |
Tại Lễ kỷ niệm nhiều ý kiến bày tỏ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang 90 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; và khẳng định niềm tin của đội ngũ cán bộ Mặt trận khi khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Mỗi người con đất Việt hôm nay phải có trách nhiệm đoàn kết xây dựng đất nước
|
PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm
|
Với PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam từng tham gia 7 khóa Mặt trận, từ Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến nay dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn đang tiếp tục hết mình cống hiến cho ngành giáo dục đào tạo, ngành y tế, khoa học công nghệ. Đặc biệt ông vẫn tiếp tục tham gia công tác Mặt trận, góp sức nhỏ bé của mình trong củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hân hoan hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gửi gắm vào đó niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc của đất nước. Cũng trong những ngày này, muôn triệu trái tim đều hướng về miền Trung thân yêu với tinh thần tương thân tương ái và tình nghĩa đồng bào sâu nặng. Đây cũng là thời gian mà cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã chống dịch thành công, trở thành một điểm sáng của cả thế giới không chỉ vì ý chí quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, mà còn vì lòng nhân ái “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Tôi là người đang sống và làm việc tại Đà Nẵng, trực tiếp trong lòng thành phố những ngày chống dịch, những ngày phải chống chịu với thiên tai, bão lũ hoành hành, tôi hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những tình cảm mà nhân dân cả nước đã dành cho thành phố Đà Nẵng và Miền Trung”, ông Nguyễn Ngọc Minh bày tỏ và cho rằng, một bài học mà không một người dân Việt Nam nào không biết là bài học đoàn kết mà Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Chính bởi vậy, theo ông Minh để củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải tạo sự đồng thuận xã hội, ai cũng thấy mình là một tế bào, một phần hữu cơ trong cơ thể sống Việt Nam. Người Việt Nam dù là gái cũng như trai, dân tộc nhiều người cũng như dân tộc ít người, miền xuôi cũng như miền ngược, thành thị cũng như nông thôn, trong nước cũng như ngoài nước, điều này thể hiện rõ trong quá trình dựng nước, trong chiến tranh giành độc lập và xây dựng đất nước trong hòa bình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, từ thân phận nô lệ, Việt Nam ngày nay đã trở thành quốc gia độc lập, chủ quyền, có vị thế và uy tín ngày càng lớn trên trường quốc tế, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Để thay đổi từ một “Việt Nam chiến tranh”, thành một “Việt Nam hòa bình”, rồi một “Việt Nam thịnh vượng” là một con đường vô cùng gian nan, đầy chông gai thử thách. Một dân tộc mà nghìn năm bị đô hộ không đánh mất bản sắc, một dân tộc dám đứng lên chống lại áp bức, cường quyền, một dân tộc dám “nếm mật nằm gai”, “khoét núi ngủ hầm”, “một tấc không đi, một ly không rời”, chắc chắn là một dân tộc dám đương đầu và sẽ vượt qua mọi thử thách, chông gai. Để làm được điều vĩ đại đó, phải chăng đó là vì dân tộc Việt Nam triệu người như một, sẵn sàng hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, vì dân tộc đó biết “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, “nhường cơm sẻ áo”, không chỉ có ý chí sắt đá, mà còn có lòng nhân ái sâu sắc; một dân tộc biết bỏ qua những thù hận, mặc cảm, định kiến và khác biệt, nhân lên lòng nhân ái: “từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”.
“Được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay, lòng chúng ta ai cũng cảm thấy niềm tự hào xen lẫn canh cánh khôn nguôi trước sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh.” Ông Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, mỗi người con đất Việt hôm nay phải có trách nhiệm đoàn kết xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền bối, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ đoàn kết dân tộc mà cần làm tốt cả nhiệm vụ đoàn kết quốc tế, là cầu nối giữa nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Xây dựng được sự cảm thông, chia sẻ và đồng thuận quốc tế sẽ giúp cho uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng cao, công cuộc đổi mới có sự phát triển thuận lợi. Có được sự ủng hộ rộng rãi khắp năm châu, thì chắc chắn không có trở ngại nào ngăn cản được sự phát triển của dân tộc.
Gắn bó với Mặt trận trên 30 năm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh khẳng định đó là những cảm xúc không thể nào quên. Đó là môi trường thực tế, gần nhân dân, hiểu rõ nguyện vọng, tâm tư tình cảm, những bức xúc của nhân dân, từ đó kịp thời phản ảnh lên Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Mặt trận làm chỗ dựa, và tương tác trao đi đổi lại phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân.” PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh nhấn mạnh điều này khi ông đã có nhiều lần tham dự các sinh hoạt Mặt trận trên địa bàn dân cư, các cuộc tiếp xúc cử tri với Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội.
“Tôi lắng nghe những tiếng nói và quan sát được những gì thực tế đang diễn ra: nhiều khi khá phức tạp, bức xúc, tưởng như không có cách nào giải quyết được! Nhưng không phải vậy, nhân dân ta rất tốt, rất tin tưởng ở Đảng, Nhà nước và Mặt trận, rất thấu hiểu những vấn đề có lý có tình, nên ta biết cách tiếp xúc, lắng nghe, bàn bạc theo phương châm: Nhân dân biết, Nhân dân bàn, Nhân dân làm, Nhân dân kiểm tra, nay ta thêm vào Nhân dân giám sát, Nhân dân thụ hưởng… thì tôi nghĩ không có gì không thể giải quyết được.” ông Nguyễn Ngọc Minh bày tỏ.
Phải xắn tay vào công việc, phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”
|
Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát biểu tại Lễ kỷ niệm
|
Từ quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người sáng lập và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An bày tỏ vinh dự, tự hào được về Thủ đô Hà Nội dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020).
“Là người con của dân tộc Thổ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi Tây Nghệ An, cùng với 54 dân tộc anh em, luôn được Đảng, Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng từ những bước đi đầu tiên cho đến hôm nay, trưởng thành và được giữ cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An. Hơn ai hết, tôi cảm nhận được rất rõ và rất biết ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với cán bộ nữ nói riêng và đồng bào, cán bộ, chiến sỹ nói chung.” Bà Sinh mở đầu những lời phát biểu đầy xúc động tại Lễ kỷ niệm.
Bà Sinh bày tỏ, bản thân cũng như nhiều cán bộ Mặt trận của cả nước cùng chung chí hướng, cùng chung tâm trạng là rất vui mừng khi quê hương, đất nước từng ngày đổi mới, phát triển và thật hạnh phúc khi được dân mến, dân tin và gửi gắm niềm tin vào mình, vào tổ chức.
“Chúng tôi được lớn lên, trưởng thành hơn mỗi ngày khi gắn bó với Nhân dân và được chứng kiến sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ mỗi cộng đồng dân cư ngày được củng cố, phát huy.”, nữ Chủ tịch Mặt trận chia sẻ những cảm xúc khi cảm nhận rõ vai trò, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, ở khối, xóm, thôn bản, khu dân cư trên mọi miền đất nước, họ đã và đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gắn bó chia sẻ với nhân dân, tạo thành trì vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Điều đó được minh chứng sinh động, rõ nét bằng tinh thần đoàn kết và sức mạnh Việt Nam chúng ta đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh Covid-19. Hay trong những ngày này, cả nước đã và đang cùng“Hướng về Miền Trung” để đoàn kết khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ… Hình ảnh các cụ già tới các em nhỏ, mỗi người dân đều sẵn sàng đóng góp thùng mỳ tôm, buồng chuối xanh, hay cân gạo, tấm bánh nghĩa tình tới đồng bào các tỉnh miền Trung và cả sự hy sinh quên mình để cứu dân qua cơn lũ dữ của nhiều cán bộ, chiến sỹ đã làm lay động hàng triệu trái tim của cả nước và bạn bè thế giới về tình nghĩa đồng bào Việt Nam.” Bà Sinh nói.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho những người cán bộ Mặt trận, bà Sinh khẳng định, chúng tôi nhận thức sâu sắc thêm về yêu cầu, trách nhiệm của Mặt trận trong giai đoạn mới.
“Muốn khẳng định vai trò, vị thế, muốn được Đảng tin, dân mến thì không thể hô hào suông, mà phải xắn tay vào công việc, phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”; phải tăng cường đối thoại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của Mặt trận hướng về cơ sở.” bà Sinh nói và cho rằng, phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm qua, đội ngũ làm công tác Mặt trận sẽ luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Cán bộ làm công tác Mặt trận phải tích cực và phải chủ động giúp cấp uỷ Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận, phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về Mặt trận; làm việc phải kiên nhẫn, phải tha thiết với công tác Mặt trận”; tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; bám sát thực tiễn cuộc sống, sâu sát hơn cùng nhân dân, thực hiện phương châm “mỗi tổ dân cư, khối phố là địa bàn, là nơi gắn bó mật thiết xây dựng hình ảnh Người cán bộ Mặt trận trong lòng dân", chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, khẳng định vị thế của Mặt trận trong hệ thống chính trị, xứng đáng là “cầu nối” của mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
“Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào về truyền thống vẻ vang 90 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; với niềm tin tất thắng, đội ngũ cán bộ Mặt trận chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng: nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường phát triển nhanh, bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước Việt Nam yêu quý phồn vinh, hạnh phúc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” bà Sinh bày tỏ.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh, Kỳ Anh