Cụm thi đua các tỉnh Bắc Sông Hậu: Nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch

(Mặt trận) - Sáng 10/12, tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết Cụm thi đua các tỉnh Bắc Sông Hậu năm 2021. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm thi đua Bắc Sông Hậu gồm 6 tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Long An.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao quyết định nghỉ hưu cho các Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2019-2024

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Khắc phục khó khăn, huy động khối đại đoàn kết toàn dân trong triển khai nhiệm vụ

Báo cáo kết quả hoạt động Cụm thi đua Bắc Sông Hậu trong năm 2021, ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An, Trưởng Cụm thi đua cho biết, năm 2021, được sự hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các tổ chức thành viên, các ngành chức năng, cùng sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm đã khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt chương trình công tác đề ra, từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Theo ông Đỗ Văn Hùng, mặc dù trong năm 2021 các tỉnh trong cụm phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng trên cơ sở định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh đã chủ động phối hợp các ngành liên quan, tuyên truyền, vận động, kêu gọi toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bằng các hành động thiết thực, góp phần cùng địa phương khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Nhân dân các tỉnh tích cực tình nguyện tham gia vào các đội hình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 như: Tổ Covid cộng đồng; khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến;… đồng thời vận động hàng chục nghìn đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia các đội hình “Shipper miễn phí”, “đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Gian hàng nghĩa tình”; hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản; mô hình “ATM gạo nghĩa tình”, “Bách hóa không đồng”, “Bữa cơm không đồng”, “Phiên chợ không đồng”, “Sổ gạo tình thương”...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh đã kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, MTTQ các tỉnh đã vận động được số kinh phí và hiện vật lên tới trên 1.754 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Long An tiếp nhận hơn 993 tỷ đồng; Tỉnh Trà Vinh tiếp nhận được 67,477 tỷ đồng; Tỉnh Bến Tre tiếp nhận được hơn 120 tỷ đồng; Tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận 349,7 tỷ đồng; Tỉnh Tiền Giang tiếp nhận được hơn 165,9 tỷ đồng; Tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận được hơn 167 tỷ đồng.

Từ số kinh phí và hiện vật tiếp nhận được, các tỉnh trong Cụm thi đua đã kịp thời phân bổ hàng hóa, nhu yếu phẩm và kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ, y, bác sỹ làm nhiệm vụ tại các cơ sở cách ly, các chốt phong tỏa và người dân trong vùng bị phong tỏa, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phải kể đến sự vào cuộc của hệ thống Mặt trận ở Long An đã hỗ trợ y tế, nhu yếu phẩm, gạo, bếp ăn từ thiện phát 142.108 phần cơm chay, bảo trợ xã hội 83 hộ nghèo, khám và cấp thuốc miễn phí cho 10.615 lượt bệnh nhân, phát 17.014 phần quà; tỉnh Đồng Tháp cũng huy động sự vào cuộc của các tôn giáo với “Bếp ăn từ thiện”, “Xe chuyển bệnh miễn phí” và các cơ sở tôn giáo tình nguyện làm nơi cách ly cho bà con trở về địa phương…

Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu

Việc triển khai các Cuộc vận động và phong trào thi đua do Mặt trận phát động đã được từng khu dân cư vận dụng sáng tạo, sát với tình hình thực tế của địa phương thông qua việc mỗi đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các hoạt động tương trợ, từ thiện, hiến đất, góp tiền, ngày công, nhiều công trình kiến trúc, cây trồng,.. Trong đó phải kể đến tỉnh Long An nhân dân đóng góp xây dựng 27 cầu nông thôn trị giá 6,694 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa, trải đá xanh, bê tông hóa 34,4 km đường giao thông trị giá 3,225 tỷ đồng; Tỉnh Vĩnh Long nhân dân đã tự nguyện hiến 1.300.000 m2  đất và 60.000 ngày công; Tỉnh Bến Tre xây dựng 616 cây cầu giao thông nông thôn; bê tông hóa 275.020 mét đường giao thông nông thôn; hỗ trợ 398.834 phần quà an sinh xã hội;…

Hoạt động chăm lo cho người nghèo tiếp tục được MTTQ Việt Nam các tỉnh tích cực vận động các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong và ngoài khu vực hỗ trợ, kết đã vận động trên 500 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5.226 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá trên 160 tỷ đồng. Đặc biệt trong dịp này các tỉnh trong Cụm đã hỗ trợ 6 hộ nghèo tại tỉnh Long An 300 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với HĐND, UBND các tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. MTTQ Việt Nam các tỉnh phối hợp tổ chức tốt Hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp 4.508 cuộc, với hơn 240.000 lượt cử tri tham dự, hơn 11.000 lượt ý kiến; Mặt trận Tổ quốc các tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp; giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch Covid-19; giám sát theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư… Trong đó phải kể đến tỉnh Bến Tre chủ trì giám sát 397 cuộc, tham gia giám sát 576 cuộc; Tỉnh Long An tổ chức giám sát 293 cuộc và tham gia giám sát 457 cuộc; Tỉnh Trà Vinh giám sát 116 cuộc, tham gia giám sát 255 cuộc; Tỉnh Tiền Giang giám sát 252 cuộc, tham gia giám sát 492 cuộc…

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình hay, những cách làm hiệu quả trong triển khai 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong năm 2021, nhất là việc khắc phục những khó khăn trước sự bùng phát của dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ bà con từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trở về địa phương, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ trong năm 2022 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt hiệu quả trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Tăng cường hiệp thương phối hợp thống nhất với các tổ chức thành viên

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cum thi đua khi vượt qua khó khăn của đại dịch để hoàn thành nội dung 5 chương trình hành động đã đề ra 

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của các tỉnh trong Cụm thi đua Bắc Sông Hậu trong năm 2021; đồng thời nhấn mạnh, các tỉnh trong Cụm đã khắc phục những khó khăn của đại dịch Covid-19 để hoàn thành tốt nhiệm vụ 5 chương trình hành động đã đề ra, từ đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh; chăm lo cho đời sống của bà con trên địa bàn và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích chung hệ thống Mặt trận toàn quốc.

Điểm lại những nét nổi bật của tình hình đất nước trong năm 2021, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhắc tới sự tham gia tích cực của Mặt trận các cấp khi góp phần vào thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cùng với đó, hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên đã tích cực, tận tâm, tận lực vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn bởi đại dịch. Trong khó khăn cũng đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình có ý nghĩa, những nhân tố tiêu biểu hết sức đáng ghi nhận và biểu dương. Đặc biệt là phối hợp tổ chức trang trọng Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 để tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch, chia sẻ mất mát với những gia đình có người thân mất, hy sinh vì dịch bệnh, tiếp thêm niềm tin cho những người ở lại bước tiếp vào giai đoạn bình thường mới…

 

Nhấn mạnh năm 2022 là năm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, là năm bản lề, là thời gian cao điểm để tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Mặt trận các cấp trong Cụm cần chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong phòng, chống dịch, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Cùng với đó cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thấm nhuần và thực hiện thật tốt 5 nội dung chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

“Tại Hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 9/12 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã có bài phát biểu tham luận đề cập đến những định hướng mà Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ xây dựng chương trình hành động và kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đây là cơ sở để củng cố vững chắc đội ngũ cán bộ Mặt trận và hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Ban Thường trực các tỉnh trong cụm cần nghiên cứu, cụ thể hóa các cuộc vận động, các phong trào thi đua sao cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương để triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời tăng cường hiệp thương phối hợp thống nhất với các tổ chức thành viên để tránh hiện tượng chồng chéo. Đặc biệt cần chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo cho người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị Mặt trận các cấp trong Cụm thi đua cần quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; chủ động phối hợp với MT rà soát, đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách.

“Chủ động kiện toàn và phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư... để tạo sức mạnh tổng hợp trong tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác đặt ra.”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.

Trên tinh thần khách quan, dân chủ, đoàn kết, hội nghị đã thực hiện các nội dung công tác thi đua để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, quyết định khen thưởng. Hội nghị đã thống nhất suy tôn Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang là cụm trưởng Cụm thi đua các tỉnh Bắc Sông Hậu năm 2022.