Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Người gắn bó với MTTQ Việt Nam và hết lòng vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người mà Nhân dân thường gọi với hai tiếng thân mật: Bác Tôn - là chiến sĩ lão thành cách mạng Việt Nam, là người bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng của đại đoàn kết Bắc - Nam, là người con ưu tú của dân tộc. Bác Tôn là vị Chủ tịch duy nhất của Mặt trận Liên Việt (1951 - 1955) sau khi sáp nhập Mặt trận Việt Minh với Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, đồng thời cũng là vị Chủ tịch đầu tiên và lâu năm nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955 - 1977).

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Chân dung đồng chí Tôn Đức Thắng. Nguồn: Ảnh tư liệu 

Một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Lớn lên giữa những năm tháng thực dân Pháp đang mở rộng cuộc xâm lược ra toàn cõi Việt Nam và cũng là thời điểm mà phong trào yêu nước của nhân dân phát triển mạnh mẽ ở Nam Kỳ cũng như trong cả nước, chứng kiến sự hành hạ, đối xử bất công của chúng đối với người dân nước Việt, ở Người thanh niên Tôn Đức Thắng sớm xuất hiện tình cảm yêu nước, căm ghét bọn thực dân.

Chính với hành trang yêu nước, thương nòi ấy, năm 1912, Người thanh niên Tôn Đức Thắng đã tham gia tổ chức cuộc bãi công của học sinh Trường Bách Nghệ và công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son. Năm 1915, khi đang học thợ máy ở Trường Bách Nghệ, Người thanh niên ấy đã được động viên sang Pháp làm lính thợ phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1919, Người thanh niên Tôn Đức Thắng tham gia phản chiến, kéo cờ đỏ trên chiến hạm France tại Biển Đen ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sau sự kiện kéo cờ đỏ trên Hắc Hải nổi tiếng, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng bị chính quyền thực dân trục xuất về Sài Gòn. Tại đây, Bác Tôn cùng những người bạn thân thiết lập ra tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam - Công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn, nhằm đấu tranh bênh vực quyền lợi của công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản và lãnh đạo phong trào công nhân những năm kế tiếp là dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, đưa tên tuổi của Người trở thành một trong những biểu tượng điển hình nhất, đặc sắc nhất trong lịch sử giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam.

Năm 1926, Bác Tôn tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuối năm 1929, do hoạt động cách mạng, Bác Tôn bị Thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo suốt 17 năm và trở thành người tù có thâm niên lâu nhất ở đây. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn được chính quyền cách mạng đón về đất liền và tham gia ngay vào cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp xâm lược.

Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn: Biểu tượng cao đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc 

Khoảng tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón Bác ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn luôn sát cánh bên nhau - một hình ảnh tiêu biểu cho tình đoàn kết Bắc - Nam, để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lo việc nước. Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã được giao nhiều trọng trách: Tổng Thanh tra của Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua Ái quốc Trung ương, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (4/1946 - 3/1951), Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (từ 7/3/1951 đến 10/9/1955), Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô... liên tục là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 1/1948 đến lúc ra đi.

Suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là 20 năm Bác Tôn liên tục được đại diện các tầng lớp nhân dân suy tôn làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 10/9/1955 đến 2/1977) và Chủ tịch danh dự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày qua đời (30/3/1980).

Cũng trong thời gian đó, Bác còn đảm nhiệm nhiều trọng trách: Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Uỷ ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Hòa bình Thế giới. Ngày 15/7/1960, Bác Tôn được Quốc hội thay mặt nhân dân ta bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã siết chặt tay Bác Tôn nói: “Toàn thể Quốc hội nhất trí bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước, tức là đồng bào miền Nam đều bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng nước ta nhất định thống nhất”.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội (khóa III) ngày 15/9/1969, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đồng thời vẫn kiêm làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận lãnh đạo, tổ chức động viên nhân dân ta kiên cường chiến đấu, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng, thống nhất nước nhà.

Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I (từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957) 

Những đóng góp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với MTTQ Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao và nguy hiểm, trong đó có 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất và lâu năm nhất của Mặt trận Liên Việt,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác Tôn đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau việc thống nhất Hội Liên Việt và Mặt trận Việt Minh thành Mặt trận Liên Việt hoàn tất, đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Với tư cách là người đứng đầu Mặt trận Liên Việt từ năm 1951, về đến Hà Nội là Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt bắt tay ngay vào giải quyết những công tác, nhiệm vụ của Mặt trận trong tình hình mới, có nhiều biến đổi, rất có lợi cho củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Kết quả vang dội nhất là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là chiến thắng kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, chính là kết quả của sự lớn mạnh không ngừng của khối đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Liên Việt dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà người trực tiếp lãnh đạo Mặt trận Liên Việt là Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ngày 7/1/1955, Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc đã họp để kiểm điểm thực hiện chính sách kháng chiến, kiến quốc, tranh thủ hòa bình, độc lập. Sau diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc bản Báo cáo chính trị quan trọng. Báo cáo đã trình bày những hoạt động đa dạng của Mặt trận Liên Việt, làm dấy lên một phong trào thi đua yêu nước giết giặc lập công, kháng chiến kiến quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, từ vùng tự do đến vùng tạm bị chiếm đóng.

Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đoàn kết, quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào ta đã đưa ra tiền tuyến hàng trăm ngàn chiến sĩ tham gia ba thứ quân, lập nên những chiến công vang dội, đóng góp nhiều sức người, sức của giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Ở hậu phương, đồng bào ta vừa bảo đảm đẩy mạnh tăng gia sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm để bộ đội ăn no, đánh mạnh; ngoài ra, còn đóng góp hàng triệu lượt dân công sửa chữa cầu đường, vận chuyển lương thực, súng ống, đạn dược phục vụ chiến trường. Thực hiện chính sách giảm tô và cải cách ruộng đất, tại các vùng giải phóng và căn cứ du kích, nhiều hộ nông dân được nhận ruộng, trâu bò, công cụ sản xuất, được giảm tô. Được giải quyết và thỏa mãn một phần quan trọng lợi ích kinh tế, Mặt trận chống đế quốc và phong kiến ở nông thôn càng được củng cố vững chắc. Khối liên minh chiến đấu công nông - nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất, cơ sở xã hội rộng rãi của Nhà nước dân chủ nhân dân - cũng được củng cố ngay trên địa bàn thôn, xã.

Trên trường quốc tế, chính sách đại đoàn kết của Mặt trận cũng thu được những thắng lợi đáng kể. Quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với Liên Xô, Trung Quốc, nhất là với hai nước anh em Lào và Campuchia không ngừng phát triển, được nâng lên một tầm cao mới, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm thần thánh.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng nước ta đứng trước tình hình mới: miền Bắc hoà bình xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng mỗi miền đã tác động tới sự tập hợp lực lượng của cách mạng ở nước ta: Mặt trận Liên Việt được đổi thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 9/1955), Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp tục được tín nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bác Hồ thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội gắn Huân chương Sao vàng cho Bác Tôn (ngày 19/8/1958) 

Do tình hình, nhiệm vụ cách mạng ở hai miền Nam Bắc khác nhau, tại Đại hội III của Đảng (9/1960), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã phân tích rõ chủ trương của Đảng về việc thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc ở miền Nam, thực chất là mặt trận dân tộc dân chủ và đề nghị Mặt trận ở miền Nam phải căn cứ vào tinh thần Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đề ra Cương lĩnh thích hợp. Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch đã tạo ra cơ sở chính trị mới thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Tại các Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (1961), lần thứ III (1971), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đều được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, việc thống nhất các tổ chức Mặt trận thành một tổ chức Mặt trận đoàn kết dân tộc chung cho cả nước là nguyện vọng của toàn dân, là đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng nước Việt Nam thống nhất. Tháng 2/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam được tiến hành đã thống nhất các tổ chức Mặt trận ở nước ta thành một tổ chức Mặt trận chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là bước phát triển mới của Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, có sự đóng góp trực tiếp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Với những cống hiến xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mặc dù tuổi cao, Chủ tịch vẫn được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho tới khi qua đời (1980).

Những thành công to lớn trong vai trò là nhà tổ chức, xây dựng và phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta là kết quả của sự vận dụng đúng đắn tư tưởng đại đoàn kết của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng thời, xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước, trên cương vị lãnh đạo, bằng trí tuệ, trách nhiệm và tình cảm chân thành, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, về phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng lực lượng cách mạng bằng xây dựng thành công Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong hoà bình xây dựng đất nước.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng 

Người thực hiện xuất sắc và làm phong phú tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh

Là người cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đồng thời là người góp phần tích cực vào việc thực hiện tình đoàn kết gắn bó giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước. Do những cống hiến đối với phong trào cách mạng thế giới, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới và được trao tặng Giải thưởng Lênin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”, cùng nhiều huân chương cao quý nhất của các nước anh em.

Hơn 30 năm liên tục được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao nhiệm vụ, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tận tâm, tận lực giương cao ngọn cờ đại đoàn kết của lãnh tụ Hồ Chí Minh để lãnh đạo, tổ chức xây dựng và phát triển Mặt trận đoàn kết toàn dân, tập hợp tất thảy các lực lượng yêu nước, phát huy cao nhất nội lực của dân tộc và đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nhà tổ chức tài năng của Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta.

Những thành công to lớn trong vai trò là nhà tổ chức, xây dựng và phát triển mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta là kết quả của sự vận dụng đúng đắn tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, đồng thời, xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước, trên cương vị lãnh đạo, bằng trí tuệ và tình cảm chân thành, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Trước hết, trong sự biến đổi và vận động không ngừng của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã vận dụng đúng đắn và làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng lực lượng cách mạng bằng xây dựng thành công mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong hoà bình xây dựng đất nước.

Trên cơ sở đó, đồng chí đã xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa nhiệm vụ phản đế và phản phong trong thực hiện xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta.

Trong Diễn văn bế mạc Đại hội II của Đảng (2-1951), đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ ra rằng: “Trong giai đoạn hiện tại, nhiệm vụ trung tâm, nhiệm vụ chủ yếu là đánh bại đế quốc xâm lược, hoàn thành giải phóng dân tộc. Nhưng không phải chỉ đánh bại đế quốc xâm lược mà thôi. Trái lại, trong khi đánh bại đế quốc bên ngoài, vẫn phải thu hẹp bóc lột phong kiến, làm yếu thế lực phong kiến và phát triển chế độ dân chủ nhân dân. Phát triển chế độ dân chủ nhân dân tức là ít nhiều gây mầm mống cho chủ nghĩa xã hội. Song những nhiệm vụ đó đều phải phục vụ nhiệm vụ đánh bại đế quốc xâm lược. Quan niệm cho rằng trong giai đoạn hiện tại, nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến ngang hàng, hay kháng chiến căn bản chưa thành công hai nhiệm vụ đó đã ngang nhau là sai. Quan niệm cho rằng trong giai đoạn này, chỉ phản đế, cách mạng một đối tượng là đế quốc xâm lược, khi nào chuyển sang giai đoạn sau mới phản phong kiến cũng sai” (2).

Hai là, trong điều kiện cụ thể ở nước ta, việc phân tích toàn diện và cụ thể các quan hệ xã hội để làm rõ và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ là cơ sở tư tưởng cho việc xác định “những điểm chung cho toàn thể dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân”[1](3)- như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói - nhằm xác định đúng đắn các chính sách phù hợp để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, phát triển rộng rãi nhất lực lượng cách mạng ở nước ta.

Đồng chí Tôn Đức Thắng nêu rõ những điểm chungđể tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước và dân chủ nhằm thực hiện đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Liên Việt để đưa kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi là: “Đoàn kết, nhất trí giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân vàhoà bình cho thế giới”(4).

Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới ở nước ta trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhưng đất nước còn bị tạm thời chia làm hai miền, đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ rõ: “Lập trường chung của chúng ta là hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Mục đích chung của chúng ta là ích nước, lợi dân”(5).

Bên cạnh những điểm chung cho toàn dân tộc, việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc còn thể hiện ở những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ sở cho việc hoạch định chính sách đối với các giai tầng nhằm bảo đảm sự đoàn kết bền vững, lâu dài phấn đấu vì lợi ích chung của toàn dân tộc.

Lý giải vấn đề này, đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định: “Chính sách Mặt trận của ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến, không phải liên minh giai cấp suông, mà là liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn, quyền lợi giữa các giai cấp phải được điều giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo là vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất, là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”(6).

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào tháng 7.2023 
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào tháng 7.2023 

Ba là, Đảng đề ra đường lối cách mạng nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc và giải phóng con người Việt Nam. Đường lối đúng đắn đó đồng thời cũng là chiến lược xây dựng lực lượng cách mạng, là chiến lược đoàn kết toàn dân trong một Mặt trận thống nhất do Đảng tổ chức và lãnh đạo nhằm thực hiện thành công các mục tiêu cách mạng. Do vậy, tổ chức lực lượng cách mạng bằng xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc là chiến lược hàng đầu quyết định tới thành công trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng ở nước ta.

Đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ ra rằng: “Hễ địa phương nào, bộ phận công tác nào làm tốt công tác Mặt trận, thì các công tác khác được tiến hành thuận lợi. Ngược lại, nơi nào làm khác thì không tránh khỏi sẽ gặp khó khăn. Bởi vậy, không phải như một số đồng chí hiểu lầm rằng công tác mặt trận do ngành mặt trận chuyên trách, mà trái lại, toàn Đảng phải chăm lo”(7). Vì vậy, đồng chí khẳng định, trong khi làm công tác Mặt trận, cần chú ý “nêu cao sự lãnh đạo của Đảng. Quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai, quyết không thể làm lu mờ được”(8).

Để xây dựng Mặt trận đoàn kết dân tộc, đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ rõ vấn đề hàng đầu là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng vì “có đoàn kết nội bộ thì việc thi hành phương châm, chính sách mới thống nhất, nhịp nhàng”. Sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất hành động, thống nhất tư tưởng trong việc thực hiện chính sách của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ, lo toan cho nhau giữa những người đảng viên cộng sản. Đồng chí cho rằng “phương pháp duy nhất giúp ta thành tựu ý muốn ấy là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình”(9).

Mặt khác, đồng chí yêu cầu “Đảng ta cần phải liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng, hiểu rõ chỉ có tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và đoàn kết chung quanh Đảng, mới giành được thắng lợi”(10).

Và để Mặt trận - một tổ chức liên minh chính trị của các giai tầng, tổ chức, cá nhân trong xã hội- hoạt động có hiệu quả, cùng với việc đề ra đường lối, chính sách đúng, Đảng phải có phương thức, lề lối làm việc dân chủ để mọi thành viên trong Mặt trận đều được bàn bạc nhất trí nhằm thống nhất hành động chung. Đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ rõ: “Về lề lối làm việc trong các Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,... đối với những công việc chung, chúng ta cần bàn bạc dân chủ với người ngoài Đảng, lắng nghe ý kiến của họ. Ý kiến đúng chúng ta hoan nghênh, ý kiến sai chúng ta giải thích và chúng ta thực hiện phương pháp thân ái, tự phê bình trong nội bộ Mặt trận”(11). Đồng chí đã chỉ ra rằng “đối với bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, đoàn kết để giữ vững mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn, không thể đoàn kết một chiều, thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc ảnh hưởng đến đoàn kết”[(12). Song, đồng chí cũng lưu ý nên “tiến hành đấu tranh trong nội bộ mặt trận một cách có lợi, có lý, có chừng mực, để chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược”(13).

Đó cũng chính là tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh được đồng chí Tôn Đức Thắng vận dụng và làm phong phú thêm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc trong các giai đoạn cách mạng khác nhau ở nước ta.

Là người tiêu biểu nhất thực hiện tư tưởng đại đoàn kết của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc vì độc lập của dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch gắn liền với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng nước ta, mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc trong thế kỷ XX. Trọn đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu một tấm gương ngời sáng về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản. Ngày nay, trước những đòi hỏi của cuộc sống mới, tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng càng có ý nghĩa để mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực học tập, rèn luyện, noi theo để phấn đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

(1) Trường Chinh: Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng, báo Nhân dân,số ra ngày 4-4-1980.

(2), (4), (6), (8), (9), (10), (11), (13), ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập,t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.485-486, 486, 488, 487, 487, 277,  277, 276, 276, 448, 9.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.158.

(5) Sở Văn hoá thông tin An Giang: Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), An Giang, 1988, tr.244.

(7) “Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói về công tác mặt trận”,báo Nhân Dân, số 9428, ngày 5-4-1980.

(12) Tôn Đức Thắng: Về Mặt trận thống nhất dân tộc,Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.21-22,

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.221.