Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Tiếp tục có những tác phẩm báo chí giá trị để thực hiện sứ mệnh cao cả - phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân

(Mặt trận) - Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của MTTQ Việt Nam, trong những năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào hoạt động chung của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, từ việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát và phản biện xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), trao đổi với báo chí, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam biểu dương những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà báo và bày tỏ mong muốn đội ngũ những người làm báo trong cả nước luôn giữ mãi ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, “bút sắc, lòng trong”, tiếp tục dấn thân, tiếp tục có những tác phẩm báo chí giá trị cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình: phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Quang Vinh

PV: Thưa Chủ tịch, đội ngũ những người làm báo trên cả nước đang kỷ niệm dấu mốc quan trọng và tự hào: 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chủ tịch có thể chia sẻ ấn tượng của mình về chặng đường lịch sử này?

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: 97 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam là chặng đường lịch sử vẻ vang luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị lãnh tụ kính yêu và cũng là người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại một di sản báo chí quý báu. Người chỉ rõ “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng...

Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta” và Người cho rằng “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ Cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chính vì vậy, sứ mệnh của người làm báo vô cùng ý nghĩa, tự hào nhưng cũng đầy gian nan, thử thách.

Báo chí Việt Nam hiện có một lực lượng hùng hậu với hơn 21 nghìn hội viên đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí, cơ quan quản lý, đào tạo nghiên cứu báo chí. Nhưng ở thời kỳ nào cũng vậy, nhà báo luôn là những chiến sĩ xông pha trên mọi mặt trận, bám sát hơi thở của đời sống.

Nếu như trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc, các thế hệ nhà báo xung phong vào chiến trường với tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, ý chí can trường để đưa tin kịp thời, chính xác về cuộc chiến chính nghĩa với niềm tin tất thắng, thì nay, các nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống để lên án cái xấu, nhân lên cái đẹp và lan tỏa sự tử tế. Hình ảnh các nhà báo tác nghiệp quên mình trong bão lũ, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong các điểm nóng, gần đây nhất là giữa tâm dịch Covid-19... đã cho thấy một tinh thần phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

97 năm là một dấu mốc tự hào. Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay chính là có một phần đóng góp quan trọng của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, của các thế hệ nhà báo...

Trong không khí của ngày kỷ niệm, tôi xin được gửi lời cảm ơn, ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của các thế hệ nhà báo và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích của đội ngũ những người làm báo trong cả nước, chúc các nhà báo luôn giữ ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, “bút sắc, lòng trong” tiếp tục dấn thân, tiếp tục có những tác phẩm giá trị để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với những niềm tin yêu và kỳ vọng.

Ở bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, Báo chí Cách mạng vẫn luôn giữ được sứ mệnh cao cả vốn có của mình. Với truyền thống tốt đẹp của Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, đội ngũ những người làm báo ngày càng trưởng thành về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Báo chí đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân ta đã và đang đoàn kết, quyết tâm cao, kiên trì phấn đấu, bằng trí tuệ, tài năng, khát vọng và nghị lực của mình để vượt qua thách thức.

Hiện nay, dưới tác động của cuộc cách mạng thông tin và mạng Internet, theo Chủ tịch, Báo chí Cách mạng hơn bao giờ hết có điều kiện thực hiện sứ mệnh cao quý của mình?

- Báo chí Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn khi bước vào cuộc cách mạng thông tin và mạng Internet. Đây là thời đại của công nghệ số, thời đại của Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội...

Mạng Internet như một thư viện khổng lồ hỗ trợ nhà báo dễ dàng tra cứu, tìm thông tin đồng thời có thể giúp nhà báo kết nối thông tin với toàn thế giới. Đây là thời cơ và nếu không bắt kịp với sự phát triển này, nếu không đổi mới tư duy trong cách làm báo, cơ quan báo chí cũng như đội ngũ nhà báo sẽ tụt hậu.

Ở vào giai đoạn hiện nay báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền nữa. Có rất nhiều phương tiện khác. Nhiều cơ quan báo chí đã đón nhận xu hướng mới của thời đại công nghệ số và quyết tâm trở thành một tòa soạn đa phương tiện.

Tuy nhiên, thông tin trên mạng Internet, các trang mạng xã hội tràn lan một số biểu hiện thương mại hóa trong báo chí, khuynh hướng chụp giật, thông tin giật gân câu khách. Chưa kể, việc lợi dụng các nền tảng Internet, đặc biệt là trên mạng xã hội, các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Bắt kịp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghệ, để phát huy những thành tựu và ưu điểm, khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát triển báo chí, truyền thông trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, việc xác định sự phát triển của khoa học kỹ thuật chính là cơ hội để mỗi cơ quan báo chí và người làm báo tự đổi mới bắt kịp xu hướng chung nhưng vẫn phải song hành với việc trau dồi bản lĩnh chính trị, giữ vững giá trị cốt lõi của Báo chí Cách mạng từ đó tạo ra sức mạnh của một cơ quan phát ngôn đáng tin cậy, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và nhân dân.

Vừa rồi, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch đã trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, trong đó đề cập đến báo chí, truyền thông là một kênh truyền tải ý kiến cử tri, giám sát hoạt động của các lĩnh vực, cơ quan nhà nước. Điều này cho thấy có một sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với MTTQ Việt Nam, thưa Chủ tịch?

- Hiện nay, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu hết mình vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội Ðảng các cấp đã đề ra. Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò, vị trí rất quan trọng trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối truyền tải, thông tin giữa Ðảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân.

Là thành viên của MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã đóng góp tích cực và có hiệu quả vào hoạt động chung của Mặt trận. Báo chí, truyền thông luôn đồng hành là kênh thông tin quan trọng trong toàn bộ hoạt động của MTTQ Việt Nam. Từ nhiệm vụ tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cho đến công tác giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân tin tưởng, tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận kêu gọi, phát động...

Tính kết nối xã hội của báo chí đã tạo ra sức mạnh to lớn trong việc tạo đồng thuận và kêu gọi sự chung sức đồng lòng của toàn dân tham gia giải quyết những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Đặc biệt, báo chí chính là vũ khí sắc bén để đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vì vậy, với sứ mệnh tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, MTTQ Việt Nam đã coi báo chí, truyền thông là một kênh truyền tải ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, giám sát hoạt động của các lĩnh vực, cơ quan nhà nước rất hiệu quả. Qua báo chí, những phản ánh chân thực từ cuộc sống sẽ giúp Mặt trận có những kiến nghị xác đáng, góp phần làm cho chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn và hiệu quả thực tế làm thước đo.

Trong Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là Đài truyền hình Việt Nam dành thêm thời lượng "giờ vàng" đề cập về những vấn đề mà nhiều cử tri và nhân dân quan tâm, những tấm gương tiêu biểu ở cơ sở, cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua yêu nước; có hình thức phù hợp, tạo điều kiện để cử tri và nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình như chương trình “Alo chào buổi sáng” của Đài Truyền hình Việt Nam cần được phát huy, nhân rộng.

Theo Chủ tịch, MTTQ Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong giám sát, phản biện; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” đã đạt kết quả rất quan trọng; tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí và các nhà báo Cách mạng như những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ nhiều năm nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" nay là Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi “cám dỗ”, “cạm bẫy”, vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Thành công của Giải đã khẳng định vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc tiếp tục phát động Giải lần thứ 4 (năm 2023 - 2024) mang theo nhiều kỳ vọng, cũng như khẳng định quyết tâm không “chùn bước” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, các tổ chức, cá nhân nói chung, các nhà báo nói riêng tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những người có bản lĩnh, dũng cảm, dám dấn thân vì nghĩa lớn. Cho nên Mặt trận luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo (khi có yêu cầu) để các nhà báo yên tâm tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm có giá trị vững niềm tin “chính nghĩa thắng gian tà”, huy động sức mạnh đại đoàn kết, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đoàn kết là sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong suốt 92 năm hình thành và phát triển. Vậy, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục cổ vũ, động viên các nhà báo như thế nào để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Chủ tịch?

-Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của MTTQ Việt Nam. Để cổ vũ, phát huy vai trò của báo chí trong nhiệm vụ này, từ năm 2003 Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động và tổ chức Giải báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Giải Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc là hai Giải Báo chí do Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội nhà báo Việt Nam phát động tổ chức, được dư luận và nhân dân đánh giá cao.

Có thể nói, đối với việc tham gia tuyên truyền về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trong những năm qua, các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo đã bám sát và phản ánh chân thực việc tập hợp khối đại đoàn kết các giai tầng, các dân tộc, tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài; về các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; về tình hình nhân dân và sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các cấp, các ngành đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt khi mà cả nước tay trong tay chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, thông qua những tác phẩm báo chí, nhất là những tác phẩm đạt giải, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, về sự đồng tâm, hiệp lực khi “Ý Đảng hợp với lòng dân”, về giá trị sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông điệp của tình đoàn kết, yêu thương, lòng nhân ái, truyền thống yêu nước, tình nghĩa đồng bào đã được phát huy, khơi dậy mạnh mẽ.

Năm 2022, Giải Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc đã bước sang mùa thứ XV. Dự kiến Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam- Ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022). Tôi mong rằng, với việc hăng hái tham gia dự giải lần này, đây sẽ là cơ hội để các nhà báo tiếp tục thể hiện tính chuyên nghiệp, nhân văn của mình trong những tác phẩm có giá trị xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện để nói lên sự thật, bảo vệ chính nghĩa, khơi dậy khát vọng của dân tộc và của mỗi người dân, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo trong nhân dân, từ đó góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch.