(Mặt trận) - Sáng ngày 7/11, tại tỉnh Sóc Trăng, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng nhằm nắm bắt tình hình công tác Mặt trận trong thời gian qua và phương hướng hoạt động trong thời gian tới; đồng thời trao hỗ trợ 30 căn nhà đại đoàn kết cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại cuộc làm việc
|
Tham dự cuộc làm việc có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo HĐND, UBND, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Sóc Trăng.
Phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong triển khai chương trình hành động
Báo cáo kết quả thực hiện công tác Mặt trận tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tuyên truyền, vận động các tôn giáo, tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, tham gia bầu cử Trưởng Ban nhân dân ấp, khóm nhiệm kỳ 2022 -2027; Phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ tốt các hoạt động của các tổ chức tôn giáo; tổ chức họp mặt mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây; thành lập các đoàn thăm, chúc mừng Lễ Sene Đolta; tổ chức an toàn hiệu quả Đại lễ Phật đản và mùa An cư kiết hạ, Ngày khai đạo của Phật giáo Hòa Hảo.
|
Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại cuộc làm việc
|
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thành lập nhiều trang facebok, fanpage, zalo và mở rộng hệ thống cộng tác viên của từng đơn vị; tăng cường công tác phát hình, phát thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến trong từng nội dung chương trình hành động để tuyên truyền, tạo được sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua do Mặt trận phát động và xây dựng kế hoạch, tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trong đó, cấp tỉnh chọn 11 ấp, khóm của 11 huyện, thị xã, thành phố làm điểm chỉ đạo tổ chức ngày hội.
|
Ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc
|
Hưởng ứng Tháng Cao điểm Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ Phát động Tháng cao điểm “Vì Người nghèo” và mua bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; qua đó, đã tiếp nhận được trên 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động được, từ đầu năm đến nay, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã hỗ trợ xây dựng (đợt 2) 1.663 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, hỗ trợ người nghèo trị bệnh nặng, tặng học bổng, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng mô hình giảm nghèo,... với tổng số tiền trên 125 tỷ đồng;...
Cùng với đó, thực hiện Chương trình giám sát, phản biện năm 2022, 100% đơn vị Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức thành viên và đoàn thể tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật của địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia cùng Hội đồng nhân dân cùng cấp và các ban, ngành tổ chức thực hiện 101 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử đối với Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn và tổ bầu cử; việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo,…; tham gia 42 cuộc kiểm tra, giám sát cùng đoàn các sở, ban, ngành tỉnh.
“Việc triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhìn chung có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên lựa chọn những vấn đề bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận đều được triển khai thực hiện, đạt kết quả tích cực.”, ông Dương Sà Kha nhấn mạnh.
|
Quang cảnh cuộc làm việc
|
Tại cuộc làm việc, nội dung báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua cũng nêu rõ, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chủ động, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu Nghị quyết năm 2022 đạt khá; có 19 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, 1 chỉ tiêu cơ bản đạt, 3 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Nghị quyết.
Công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chú trọng. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, triển khai thực hiện tốt chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19, Sóc Trăng được đánh giá là một trong những tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất của cả nước. Các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tỉnh uỷ, các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, của Tỉnh uỷ; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được nâng lên. Hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới, chuyển biến, tiến bộ; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện các phòng trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên tình thần Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao hỗ trợ 30 căn nhà đại đoàn kết cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
|
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh khi triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để nhân dân có cuộc sống tốt hơn, đây chính là nền tảng để tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển và hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; cùng với đó, những chỉ số ấn tượng trong cải cách hành chính, chỉ số hạnh phúc, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ tiêu thu ngân sách vượt so với cùng kỳ,... đã góp phần vào thành công chung của tỉnh trong thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, có được những kết quả khích lệ như trên phải nhờ vào nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh khi đã khắc phục khó khăn, phát huy trí tuệ, năng lực, tinh thần nhiệt huyết của mình để cùng với các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai hiệu quả 5 chương trình hành động của MTTQ trong thời gian qua.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần bám sát vào nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây chính là cơ hội để các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai các chương trình dự án, thu hút nguồn lực đầu tư; tạo tiền đề phát triển hệ thống đường giao thông kết nối các tỉnh trong khu vực; kết nối giao thương với nước ngoài thông qua hệ thống cảng đường sông và phát triển hệ thống năng lượng điện gió, điện mặt trời.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung hỗ trợ đời sống đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đối với công tác Mặt trận, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh để triển khai hiệu quả 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam đã đề ra.
Nhắc đến nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cần bám sát nội dung của Chỉ thị và quán triệt Chỉ thị đến cán bộ Mặt trận cơ sở, để từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của MTTQ Việt Nam trong sứ mệnh xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.
“Để triển khai hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội thì đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của HĐND, UBND các cấp và phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm và phải phục vụ lợi ích chung. Hàng năm Ban Thường vụ cấp ủy phải cho ý kiến vào chương trình giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam cùng cấp”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Nhấn mạnh Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cần đổi mới hoạt động giám sát đối với những nội dung mang tính đặc thù nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, song song với triển khai những chương trình giám sát riêng, các tỉnh cần bám sát vào chương trình giám sát trọng tâm hàng năm mà UBTƯ MTTQ Việt Nam đề ra, bởi nếu mỗi tỉnh giám sát một nội dung thì không có tính tập hợp chung. Trong đó phải kể đến hoạt động giám sát trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư của các thành phần kinh tế, nếu toàn quốc đều triển khai nội dung giám sát này thì sẽ tạo nên một bức tranh toàn cảnh báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung vào một nội dung trọng điểm như: mỗi tỉnh có bao nhiêu công trình, bao nhiều nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng tới bao nhiêu hộ gia đình, ...từ đó sẽ giảm thiểu tối đa những thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân.
“Hoạt động giám sát phải đảm bảo tính công khai, minh bạch; phải bám sát vào nội dung Văn kiện lần thứ XIII của Đảng và làm rõ hơn nội hàm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị.
Hương Diệp - ảnh Thúy An