Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc

(Mặt trận) - Tối 6/10, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên), Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II chính thức khai mạc với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thông báo thời gian kết thúc đợt vận động, tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng bà con đồng bào dân tộc Dao tại Lễ khai mạc

Dự Lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1; cùng đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đoàn đại biểu các tỉnh tham dự Ngày hội.

 
 Đại biểu tham dự Lễ khai mạc

Lễ Khai mạc có sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng người dân tộc Dao đến từ 14 tỉnh tham gia Ngày hội, gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa và Yên Bái.

Bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Dân tộc Dao là một trong số 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam, đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao vô cùng phong phú, các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian đã và đang được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như nghi lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Tết Nhảy...

 
 Bà con người dân tộc Dao tại Lễ khai mạc

Đồng bào Dao cũng có một kho tàng tri thức về y học dân gian phong phú với những bài thuốc quý đã và đang được bảo tồn lưu truyền hiệu quả để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Trong kho tàng dân ca, dân vũ, Hát Páo dung cũng là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng, đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo… Văn hóa của đồng bào Dao, là sự kết tinh trong quá trình lao động sáng tạo, là tài sản văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hóa dân tộc, cần phải được giữ gìn, bồi đắp ngày một giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc.

“Trong thời gian qua, Ngày hội Văn hóa của một số dân tộc đã được Bộ VH,TT&DL phối hợp các địa phương trong cả nước tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa được giá trị văn hóa của dân tộc này với cộng đồng dân tộc khác”, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin đồng thời khẳng định, ngày hội Văn hóa dân tộc Dao không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ khai mạc 

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ niềm vui mừng được tham dự Ngày hội; đồng thời nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc Dân tộc. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng.

Đề cập tới nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, khi nhắc đến câu nói của một vị tiền bối, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa của dân tộc Dao cũng vậy, được kết tinh từ cuộc sống lao động sản xuất, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển; phong phú, đa dạng thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.

“Đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thụ hưởng; với những bộ trang phục đặc sắc, những làn điệu Páo Dung đằm thắm, ngọt ngào, cùng với điệu múa, tiếng sáo, tiếng thanh la, tù và trầm lắng ...tạo nên cốt cách tâm hồn, tình cảm, nền tảng tinh thần của dân tộc Dao, hòa quyện trong nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Chúng ta có trách nhiệm lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu và bà con đồng bào dân tộc Dao tại Lễ khai mạc 

Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên cùng với các ban bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng biểu dương các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên của các dân tộc, nhất là bà con dân tộc Dao trên mọi miền đất nước đã khắc phục mọi khó khăn, hội tụ về tỉnh Thái Nguyên trong Ngày hội lớn để gặp gỡ, giao lưu tình cảm, thể hiện tài năng, sức sáng tạo làm nên một lễ hội đặc sắc, lan tỏa trong cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.

“Ngày hội hôm nay cũng là dịp để đồng bào tiếp tục bảy tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước; động viên nhau hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập công tác và chiến đấu; thiết thực góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Trong không khí hân hoan của Ngày hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, quá trình tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc phải gắn chặt với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, nhất là đồng bào dân tộc Dao cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Dao nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được.

“Đồng bào cùng nhau thực hiện tốt phương châm: người đi trước truyền lại cho người đi sau; Ông, Bà, Cha Mẹ truyền dạy cho con cháu; Cộng đồng học hỏi lẫn nhau với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa của dân tộc mình”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn.

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các cấp, các ngành trực tiếp là ngành văn hóa tiếp tục tham mưu để Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và của cả dân tộc Việt Nam

“Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch để văn hóa vừa là yếu tố tinh thần, vừa tạo thêm được thu nhập của người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.

 
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc 

Tại Lễ khai mạc, đại biểu tham dự đã được thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề "Giấc mơ Mặt trời” có sự tham gia của 1.050 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên, trong đó có 300 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ 14 tỉnh, thành phố. Với 3 chương: Gọi non ngàn thức giấc; Những cung bậc núi rừng và Khúc tự tình xứ núi. Các chương được phân thành 13 cảnh nêu đậm lịch sử kiến tạo từ xa xưa của địa bàn vùng núi cao, nơi có đồng bào dân tộc Dao cư trú, ôn lại truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc miền núi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền xây dựng đất nước, trong đó có đồng bào dân tộc Dao.

Chương trình nghệ thuật được chuẩn bị chu đáo, công phu và thể hiện được nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Dao, hình ảnh đẹp về đất và người Thái Nguyên với kết cấu xuyên suốt theo mạch thời gian được đan xen giữa nội dung nghệ thuật và các sự kiện của buổi lễ; gắn kết, hòa trộn các hình thức diễn xướng tổng hợp gồm các loại hình nghệ thuật như ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động… trên tuyến sân khấu đa tầng, đa chiều, thể hiện đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa lời bình và video clip màn hình led phụ họa trong suốt chương trình nghệ thuật. Các hình thức diễn xướng dân gian, giai điệu dân ca, dân vũ và những ca khúc nổi tiếng đã đi vào tâm thức của đồng bào dân tộc Dao với chất lượng nghệ thuật cao, sáng tạo và hấp dẫn. Từ đó, nâng cao niềm tự hào, ý thức tự lực, tự cường, tình yêu đối với quê hương, đất nước của đồng bào dân tộc Dao các tỉnh miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Dao ở Thái Nguyên nói riêng.

 
 
 
 
 

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 6-8/10, trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Nổi bật là hoạt động diễn xướng các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Dao, trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các hoạt động thi đấu thể thao dân gian truyền thống.