(Mặt trận) - Tối 31/3, tại Quảng trường Tân Trào thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (2/4/1947 - 2/4/2022).
|
Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm |
Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh bạn: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nêu rõ, Tuyên Quang đã gắn với những sự kiện trọng đại, mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng nước ta. Những năm đầu cách mạng, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chọn Tân Trào, Tuyên Quang làm Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như Hội nghị toàn quốc của Đảng phát lệnh tổng khởi nghĩa và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền; Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội Việt Nam; thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lại về Tân Trào, Tuyên Quang để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Người đã chủ trì các đại hội, hội nghị quan trọng bàn về việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố chính quyền, quân đội; về tổ chức thực tiễn chiến đấu; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, hình thành Mặt trận đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương...
Bác Hồ đã ở và làm việc tại Tuyên Quang gần 6 năm, với trên 20 địa điểm khác nhau. Cũng tại nơi đây, Người đã hoàn thành các tác phẩm nổi tiếng như "Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, "Dân vận"… Những tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
|
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua.
Tuyên Quang vinh dự, tự hào có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi gìn giữ di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, với lợi thế ấy, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị to lớn của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, để nơi đây không chỉ là một “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ, mà còn trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước; là điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan, nghiên cứu của đồng bào cả nước và khách quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong tình hình mới, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, tỉnh cần có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp, chú trọng phát triển những ngành công nghiệp lợi thế, hiệu quả cao; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông kết nối; phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, các khu đô thị… để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân…
|
Học sinh Trường THCS Tân Trào dự lễ kỷ niệm. |
Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực, uy tín, quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số…
Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, nêu cao quyết tâm chính trị, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc; xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, thỏa lòng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
|
Chương trình văn nghệ mang bản sắc xứ Tuyên
|
Hương Diệp - Ảnh: Báo Tuyên Quang