Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lai Châu

(Mặt trận) - Tối 24/12, tại thành phố Lai Châu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Ninh Bình

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Các đại biểu tham dự Lễ Khai mạc Ngày hội. Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển

Dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo và nghệ nhân, diễn viên, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông của 11 tỉnh tham gia ngày hội; cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông

Khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng có ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Ngày hội sẽ đem đến giá trị tinh thần lan tỏa tích cực, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc Mông mà còn là niềm vui chung của các dân tộc trong cả nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ cho rằng: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Lai Châu và các địa phương tham gia, góp phần kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh sau thời gian dài nhiều hoạt động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thời gian tới, Lai Châu tập trung đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, cùng cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Các tiết mục văn nghệ tại ngày hội. Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển

Ngày hội năm nay thu hút sự tham gia của gần 3.000 khách mời, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào dân tộc Mông đến từ 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa và sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Ngày hội Văn hóa Dân tộc Mông lần thứ III gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng gồm các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng của dân tộc Mông; trình diễn trang phục dân tộc Mông; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông; thi giã bánh giầy, các trò chơi dân gian truyền thống…

Trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh Lai Châu còn tổ chức nhiều hoạt động như khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững”; trải nghiệm sản phẩm du lịch tại huyện Tam Đường; Festival dù lượn.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là sự kiện văn hóa quy mô lớn, thể hiện sự tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; là dịp để các diễn viên, vận động viên, nghệ nhân đồng bào Mông gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ khai mạc đã tạo được ấn tượng với đại biểu và du khách bằng chương trình nghệ thuật độc đáo, tái hiện quá trình lịch sử hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, phản ánh rõ bản sắc văn hóa đặc trưng và đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông.

Nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Ngày hội. Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển 

Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ 3 được tổ chức ngay sau khi Hội nghị văn hóa toàn quốc thành công rất tốt đẹp, là việc làm cụ thể, thiết thực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021, nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược văn hóa đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, góp phần chấn hưng nền văn hóa nước nhà.

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Văn hóa của các dân tộc được kết tinh từ những giá trị tốt đẹp, phong phú, giàu bản sắc, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, đồng bào các dân tộc vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng. Thông qua ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội đặc sắc đã hun đúc nên cốt cách của 54 dân tộc anh em nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết, ý chí vượt khó, vươn lên, khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng ấm lo hạnh phúc.

“Ngày hội là dịp để đồng bào các dân tộc thiếu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng, thông qua lời ca tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo,… để bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin tưởng và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Qua đó, đề cao ý thức trách nhiệm, nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Lai Châu và các nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên không chuyên của 11 tỉnh trong cả nước đã khắc phục mọi khó khăn, hội tụ về tỉnh Lai Châu để cùng nhau làm nên một ngày hội giàu bản sắc, trên miền đất Tây Bắc lịch sử, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và tỉnh Lai Châu trong những năm qua đã đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là chăm lo giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Khẳng định Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thực hiện nhất quán chủ trương: Các dân tộc bình đẳng đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng phải coi việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc là yếu tố tự thân, gìn giữ cho mình.

“Nhà nước và xã hội hỗ trợ giúp đỡ chứ không thể làm thay cho chúng ta được, vì đồng bào vừa là chủ thể sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc mình, vừa là người thụ hưởng để nâng cao đời sống tinh thần. Mặt khác văn hóa có tính cộng đồng nên phải cùng nhau làm thì mới có kết quả tốt, mỗi người tự làm thì sẽ rời rạc, không có sức mạnh, khó thành công”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị ban hành Kết luật 65, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 và 120, Chính phủ ban hành Quyết định 1719 đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, với 10 dự án lớn, vốn ngân sách đầu tư hơn 100 ngàn tỷ đồng. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, một cơ hội hiếm có để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Đề nghị các cấp, các ngành, đồng bào diện thụ hưởng chính sách nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi chương trình này, phấn đấu đạt bằng được các mục tiêu đã đề ra, nhằm nâng cao thực chất đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Nhân dịp này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các địa phương, đồng bào, đồng chí quán triệt sâu sắc thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế. Cùng với đó, cần thấm nhuần nội dung Chỉ thị 11 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, đảm bảo an toàn, vui tươi, tiết kiệm, thực hiện thật tốt công tác an sinh xã hội để mọi nhà, mọi người đều có điều kiện đón xuân, vui tết.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 diễn ra đến hết ngày 26/12 tại thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường và huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021, sáng 24/12 đã diễn ra lễ hội thi giã bánh giầy, một trong những hoạt động đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông. Ảnh: TTXVN