Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Bắc - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”

(Mặt trận) - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), sáng 14/10, tại TP Yên Bái, tỉnhYên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952-Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ...

Đoàn Chủ tịch hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy;  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trịnh Văn Quyết; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn; Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Phạm Hồng Chương; Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên.

Sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn Chủ tịch Hội thảo. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trịnh Văn Quyết cho biết, cách đây 70 năm, vào Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Tây Bắc, góp phần thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thành công.

Từ sau thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy Tây Bắc vừa là địa bàn chiến lược quan trọng, vừa là hướng tiến công phù hợp với sở trường tác chiến rừng núi của quân đội ta, nhưng lực lượng địch mỏng, bố phòng thiếu chắc chắn; làm chủ được vùng Tây Bắc, không những bảo vệ vững chắc An toàn khu Trung ương, tạo thế liên hoàn nối Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, mà còn có điều kiện thuận lợi trong củng cố phát triển liên minh chiến đấu Việt - Lào cùng chống kẻ thù chung.

“Chiến dịch Tây Bắc được thực hiện trong một thế trận chung, có sự phối hợp chặt chẽ với các chiến trường cả nước, từ Bắc Bộ đến Trung Bộ và Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị và từ đồng bằng đến miền núi. Nhờ chuẩn bị chu đáo, sau gần hai tháng tiến hành Chiến dịch (14.10 - 10.12.1952), với ba đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng gần 30.000 km2 với 250.000 dân, đập tan âm mưu đánh bại âm mưu, chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” trên địa bàn Tây Bắc của thực dân Pháp, hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chiến dịch đề ra”, Trung tướng Trịnh Văn Quyết nhận định.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định: Chiến thắng Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở để Đảng ta tiếp tục đề ra những chủ trương chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta ngày càng phát triển và đi đến thành công. 

Xây dựng Yên Bái và Tây Bắc phồn vinh, hạnh phúc

Hội thảo được tổ chức tại Yên Bái, là nơi mở màn Chiến dịch Tây Bắc, giành được thắng lợi to lớn trong đợt 1 của chiến dịch, đập tan toàn bộ phòng tuyến vòng ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, tạo đà cho quân và dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, 70 năm sau Chiến thắng Tây Bắc, từ một tỉnh nghèo, nền kinh tế tự cung tự cấp, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, Yên Bái đã xây dựng nền kinh tế vững chắc với tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn ở mức khá so với các tỉnh trong vùng và so với mặt bằng chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay Yên Bái có diện tích tự nhiên gần 6.887km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 1 thành phố, 1 thị xã), có 173 xã, phường, thị trấn; dân số trên 84 vạn người với trên 30 dân tộc anh em. Người dân Yên Bái có truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước nồng nàn; anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất…

Ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, hội thảo là dịp để chúng ta hiểu rõ hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Tây Bắc năm 1952; tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; tự hào về lịch sử vẻ vang và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã đạt được. “Đây cũng là dịp để củng cố, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Yên Bái; càng thêm tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Khẳng định tầm vóc và ý nghĩa của Chiến thắng Tây Bắc

Đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Theo Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, hơn 90 tham luận gửi đến Ban tổ chức hội thảo tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Tây Bắc.

Thứ nhất, phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực trong những năm đầu thập niên 1950; âm mưu, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp, để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành chiến dịch.

Thứ hai, làm rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc; trong đó có vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Đây là những nhân tố quyết định để chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi.

Thứ ba, làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của đảng bộ các địa phương và các lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công; sự phối hợp của các chiến trường, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong chiến dịch Tây Bắc. Qua đó làm sáng tỏ bước phát triển của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ tư, nêu bật nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch. Đó là: nghệ thuật chọn hướng tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng; nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn mục tiêu chủ yếu, đánh trận then chốt; cách đánh sáng tạo được hình thành và phát triển trong suốt quá trình chiến dịch.

Thứ năm, phân tích, luận giải làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng; nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của chiến thắng Tây Bắc; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.