Cần những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức tư vấn

(Mặt trận) - Sáng 15/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp”. Đề tài do Văn phòng UBTƯ MTTQ Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuy đã hình thành và hoạt động từ nhiều năm nay nhưng về mô hình, nội dung, phương thức, cơ chế hoạt động còn chưa có sự thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp chưa được tạo lập cơ sở pháp lý, chưa được quy định cụ thể trong Điều lệ MTTQ Việt Nam và chưa có các điều kiện thuận lợi, cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cho hoạt động tư vấn từ Trung ương xuống cơ sở.

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, các Tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát triển khá nhanh và được củng cố cả về số lượng, nâng lên về chất lượng và hoạt động hiệu quả hơn. Ở cấp Trung ương có 7 Hội đồng tư vấn. Ở các địa phương đã có 62/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được Hội đồng tư vấn cấp tỉnh; 59/63 địa phương thành lập được Ban Tư vấn cấp huyện; 43/63 địa phương thành lập được Tổ tư vấn cấp xã.

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, sự phát triển của tổ chức tư vấn ở cấp xã còn hết sức khiêm tốn, vẫn còn 20 địa phương trên cả nước chưa thành lập được tổ chức tư vấn ở cấp xã; cấp huyện vẫn còn 4 địa phương; cấp tỉnh vẫn còn 1 địa phương chưa thành lập được tổ chức tư vấn.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng và hoạt động các tổ chức tư vấn của MTTQ các cấp, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam; việc đổi mới mô hình tổ chức của các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn; nhóm giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức Tư vấn; giải pháp về các điều kiện đảm bảo về tổ chức, đảm bảo về hoạt động, đảm bảo về kinh phí và cơ sở vật chất.

 

Đánh giá công trình được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đề tài đã bám sát các nội dung thực tiễn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam về kiện toàn, xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp.

Nội dung nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, bởi trong hoàn cảnh hiện nay, vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được nâng lên và để thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đó, MTTQ cần đặc biệt quan tâm đoàn kết tập hợp các lực lượng, xây dựng các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia và người có kinh nghiệm thực tiễn để giúp MTTQ thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu toàn bộ các ý kiến nhận xét, đánh giá, góp ý phản biện của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu.

Trong đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp, nhóm nghiên cứu cần bổ sung thực trạng các quy định của pháp luật của Nhà nước nhất là các văn bản hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư vấn. Trên thực tế thì các quy định này còn chưa thật sự đầy đủ, do đó việc thống kê, phân tích các quy định của pháp luật là cơ sở để đưa ra nhóm giải pháp để hoàn thiện chính sách.

Nhấn mạnh các nhóm giải pháp được Ban Chủ nhiệm Đề tài đưa ra đều có tính khả thi cao, tuy nhiên Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý, cần có những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ các cấp.

Cụ thể cần thiết kế thêm một nhóm giải pháp liên quan đến nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng của các hội đồng tư vấn; bổ sung nhóm giải pháp về hoàn thiện về thể chế, chính sách. Bên cạnh việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và Điều lệ thì việc sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng tư vấn là cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm thực chất hơn trong hoạt động của tổ chức tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các trong giai đoạn mới.

Qua bỏ phiếu, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận Đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp” đạt loại xuất sắc.