Cần có cuộc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Đây là một trong những nội dung chính được các đại biểu đưa ra tại hội thảo các giải pháp phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) diễn ra tại Hà Nội vào chiều ngày 26/6 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì hội thảo.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

 

Chương trình hành động số 3 thuộc Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm  kỳ 2019 – 2024 đã xác định nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng đề án và phát động cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng”, theo TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, cần xác định đây là một CVĐ lớn, mang tính chất toàn quốc, toàn dân của MTTQ Việt Nam nhằm xây dựng thế trận nhân dân, toàn dân, toàn diện, tạo “thiên la địa võng” ở mọi lúc, mọi nơi đối với tham nhũng.

CVĐ hướng đến việc động viên cả hệ thống chính trị và mọi người dân ở cả trong và ngoài nước tích cực, nhiệt tình, dũng cảm đồng tâm hiệp lực cùng tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN).

“Để CVĐ này thực sự trở thành một CVĐ chính trị - pháp lý và dân chủ sâu rộng trong xã hội, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về PCTN ở nước ta thì quá trình nghiên cứu,  tổ chức thực hiện đề án cần toàn diện, đồng bộ các giải pháp để phát huy vai trò của nhân dân trong PCTN. Trong đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN của nhân dân; hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế để nhân dân tham gia PCTN; chú trọng, phát huy vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông trong PCTN…”, ông Nguyễn Quang Minh chia sẻ.

Luật sư Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cần có một CVĐ “Toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng”, nên chú ý cả hai mục tiêu đó là xây và chống. Xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng. Phòng ngừa sẽ hạn chế được tham nhũng, hạn chế các vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên. Chống tham nhũng là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng.

Để góp phần đấu tranh PCTN, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp, trong đó cần phát huy vai trò của Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư. Ban Công tác mặt trận đã trực tiếp vận động nhân dân sống trên địa bàn theo dõi, phát hiện, phản ánh, tố giác, tố cáo, báo tin về các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trên địa bàn dân cư của mình và góp ý, đồng thời kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện pháp luật về PCTN.

“Gần 90% tội phạm mà ngành công an phá án thành công, tin tố giác có giá trị mà người tố giác không ai khác chính là nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cần bảo vệ người tố giác như thế nào?. Đây là câu chuyện cần được xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng”, ông Thường chia sẻ.

Để phát huy được trí tuệ của nhân dân trong PCTN cần đánh giá lại các biện pháp thực hiện, theo ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ, nhiều vụ việc tham nhũng về quản lý đất đai, về các dự án đầu tư công như xây dựng đường giao thông, mua sắm trang thiết bị, thực hiện chế độ an sinh, thực hiện chính sách với người có công… đều xuất phát từ phản ánh của người dân. Tuy nhiên, để phát huy sức mạnh nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng cần phải có tổ chức, nếu không có tổ chức sẽ rất rễ bị rối.

Ông Tuyền khẳng định, trong tổ chức thực hiện có vai trò rất lớn của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Đây là tổ chức của nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu phát huy tốt vai trò của các tổ chức này trong PCTN sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Đề cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong PCTN, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, từ trước tới nay Mặt trận làm được nhiều việc nhưng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phải làm quyết liệt hơn vì đây là vấn đề mang tính lịch sử. 

“Mặt trận đứng không vững rất dễ chòng chành nên Mặt trận phải cương quyết, khôn khéo, có bản lĩnh, có kiến thức, có điều kiện để vận động nhân dân và thể hiện rõ thực lực của mình. Muốn làm được điều đó Mặt trận phải có kế hoạch, có sơ tổng kết, có báo cáo với Đảng, Nhà nước và đẩy mạnh truyền thông về phòng chống tham nhũng”, ông Nhưỡng khẳng định.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, tham gia PCTN là việc MTTQ Việt Nam đã thực hiện nhiều năm nay được Hiến pháp năm 2013, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật MTTQ Việt Nam… quy định.  Điều đó đòi hỏi đóng góp của MTTQ Việt Nam phải cao hơn, hiệu quả hơn.

Để nhân dân tham gia PCTN, Mặt trận cần tiếp tục phải thể hiện vai trò của mình; đảm bảo phát huy dân chủ, khách quan, tuân thủ pháp luật trong quá trình tham gia PCTN. Đây được coi là một trong những yêu cầu trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị.

“MTTQ Việt Nam luôn xuất phát từ góc độ của người dân để giám sát hoạt động của các chủ thể có hành vi tác động đến cuộc sống nhân dân. Việc MTTQ Việt Nam tổ chức để nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng nhằm công khai, minh bạch của các cơ quan Nhà nước. Muốn làm được điều đó cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.