Biến Nghị quyết thành hiện thực mới là thành công thực tế của Đại hội

(Mặt trận) - "Không phải Ðại hội bế mạc là coi như xong. Ðây mới chỉ là bước mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Ðại hội". Những lời tâm huyết ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Ðại hội XIII của Ðảng được nhắc đến nhiều và đó cũng là lời nhắn nhủ, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, phải làm thế nào để sớm hiện thực hóa ý chí của Ðảng sau Ðại hội mới là thành công.

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

Bàn giao 5.000 căn nhà đại đoàn kết: Hiện thực hóa giấc mơ của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu bên lề Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Quyết liệt chống dịch, quyết liệt tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống

Trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp tổ chức vào ngày 16/8 vừa qua, không phải ngẫu nhiên một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những lời tâm huyết nêu trên. Từ các nhiệm kỳ trước, nhiều lần đi kiểm tra, nắm tình hình tại các địa phương, Tổng Bí thư luôn nhắc, việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Ðảng vẫn là khâu yếu. Thực tế cho thấy không ít nơi, việc học tập, quán triệt nghị quyết còn hình thức, không thiết thực; chương trình hành động chung chung không bám sát tư tưởng nghị quyết và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; khâu kiểm tra, đôn đốc không thường xuyên, làm đến đâu hay đó, chưa kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhằm khắc phục tình trạng này, ngay trong Ðại hội và tại một số hội nghị sau này, người lãnh đạo cao nhất của Ðảng luôn mong các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung sớm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ðại hội một cách bài bản, lấy việc trước làm tiền đề cho việc sau, làm từng khâu, từng bước chắc chắn, hiệu quả, tránh hô hào chung chung ngay từ khi tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này, Tổng Bí thư nhắc lại một lần nữa, Ðại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát của đất nước không chỉ cho những năm trước mắt mà cho cả một giai đoạn tương đối dài, phấn đấu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Nhà nước ta được thành lập, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Quá trình chuẩn bị công phu, kết hợp giữa tổng kết thực tiễn và lý luận, tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu, khoa học và ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từng bước bổ sung, chỉnh sửa, việc Ðại hội quyết định đường hướng phát triển của đất nước đến năm 2045 là thể hiện ý chí, tầm nhìn của Ðảng và khát vọng vươn lên của dân tộc. Trong 13 kỳ đại hội thì Ðại hội lần này được đánh giá thành công trên mọi phương diện từ việc xây dựng, hoàn thiện các văn kiện đến công tác nhân sự, từ việc chuẩn bị đến tổ chức, mang lại cho toàn dân ta niềm tin, niềm vui mới, khí thế mới. Ðiều Tổng Bí thư mong muốn là các tổ chức đảng, các cấp, các ngành phải đem được khí thế thành công của Ðại hội đến với toàn Ðảng, toàn dân; biến khí thế ấy thành động lực, thành sức mạnh trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết ở từng đảng bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó tạo phong trào sôi nổi trong cả nước với các chương trình công tác, việc làm thiết thực, đưa nghị quyết vào cuộc sống; làm một cách quyết liệt ngay từ nay và trong suốt cả nhiệm kỳ.

Ðại hội lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tác động rất xấu đến mọi mặt của xã hội và cuộc sống của người dân. Trong điều kiện vô cùng khó khăn ấy, tập trung "chống dịch như chống giặc", coi tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, nhưng việc tổ chức thực hiện nghị quyết không thể vì thế mà chậm trễ hoặc trì hoãn. Vừa quyết liệt chống dịch, chúng ta vừa quyết liệt tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị

Nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Mục tiêu Ðại hội lần này đề ra rất lớn. Quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết lại nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Vì thế, để thực hiện được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ Ðại hội đề ra, Tổng Bí thư cho rằng "không có cách nào khác là chúng ta phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng;…".

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư phân tích rất sâu truyền thống của dân tộc và tư tưởng của Bác Hồ về đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhất là trong hơn 90 năm có Ðảng là minh chứng rõ nhất về giá trị của đoàn kết. Ðoàn kết là cội nguồn, là động lực thúc đẩy cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh đưa đất nước ta cập bến vinh quang như ngày nay. Ðại hội XIII thành công rất tốt đẹp là nhờ tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Ðảng, đồng thuận trong nhân dân. Ðoàn kết thống nhất từ quá trình chuẩn bị cho đến tổ chức đại hội. Có đoàn kết mới thống nhất được những quan điểm, tư tưởng, định hướng lớn cho các giai đoạn phát triển đất nước đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, đó là những vấn đề rất lớn. Có đoàn kết, thống nhất mới làm tốt công tác nhân sự, một việc rất khó và nhạy cảm, mới bầu ra được Ban Chấp hành khóa XIII thật sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, năng lực và uy tín của Ðảng.

Trong mọi hoàn cảnh, càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất hơn bao giờ hết, như Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết". Và khi biết phát huy, làm lan tỏa giá trị của bài học đại đoàn kết thì khó khăn đến mấy, chúng ta cũng sẽ vượt qua; ý chí quyết tâm của Ðảng, khát vọng của dân tộc chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Vì thế, để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ðại hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh, giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Tổng Bí thư nhắc lại câu nói của Bác Hồ "Ðại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Ðảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Các cấp ủy, tổ chức đảng đoàn kết để thống nhất, đưa ra chương trình hành động một cách thiết thực; các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân "chung lưng đấu cật" để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình công tác đã đề ra. Trước mỗi việc khó, vấn đề mới nảy sinh, càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thảo luận kỹ lưỡng để thống nhất tư tưởng và hành động từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện.

Ðể phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta không chỉ vận động, tập hợp nhân dân tham gia các chương trình công tác mà trước hết phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra hằng ngày đối với người dân, nhất là những bức xúc từ cơ sở. Muốn làm tốt việc đó, tổ chức mặt trận các cấp phải là lực lượng nòng cốt. Khi đã tin, đã yêu, nhân dân sẽ thấy việc đoàn kết cùng cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là nguyện vọng, là trách nhiệm của chính mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến  

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, việc làm cấp thiết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Tư tưởng, tình cảm xuyên suốt bài viết cũng như trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí là tinh thần đoàn kết. Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Đặc biệt, để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện tốt vai trò của mình, Tổng Bí Thư đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, tạo điều kiện thật tốt để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, giám sát trực tiếp và giám sát thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Măt khác, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Thông qua các cơ chế khác nhau như nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp, chương trình phối hợp... vừa để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân, tạo thành sức mạnh chung để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nhất là các nhiệm vụ cấp bách về giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch bệnh... Làm được như vậy sẽ có lợi cho cả Nhà nước và Mặt trận trong việc phục vụ lợi ích của toàn dân.

"Với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao, tôi tin tưởng và mong rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa; thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và Chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh.", Tổng Bí thư tin tưởng.

Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp thu những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tiếp thu những những ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, một lần nữa đồng chí nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sứ mệnh cao cả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những vấn đề căn cốt, có tính nguyên tắc, vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Là quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mọi thời kỳ cách mạng, nhất là trong bối cảnh, tình hình hiện nay.

Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ và yêu cầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên cần phải tiếp tục đào sâu suy nghĩ gắn với kinh nghiệm thực tiễn, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào một số nội dung trọng tâm, trọng điểm; gắn bó máu thịt với nhân dân, phải thật sự tin vào dân, dựa vào dân, hành động quyết liệt vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

“Quán triệt sâu sắc và thấm nhuần ý kiến chỉ đạo quý báu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các bài phát biểu và bài viết về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên xin hứa với đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác. Phấn đấu xây dựng cho được đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội: gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, nhân ái, với phương châm: "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" như lời dạy của Bác Hồ kính yêu, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Nhấn mạnh Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, cấp ủy, tổ chức Đảng của các tổ chức thành viên sẽ khẩn trương cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư vào Chương trình hành động để tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, những ý kiến quý báu này chính là căn cứ có tính nền tảng để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình; cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.