Bảo tàng MTTQ Việt Nam: Lưu giữ, phát huy những giá trị di sản của khối đại đoàn kết

(Mặt trận) - Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, ngày 17/3/2020, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Quyết định số 239 thành lập Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là đơn vị trực thuộc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, có nhiệm vụ tổ chức lưu giữ và phát huy di sản, diễn giải và chuyển tải đến công chúng truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, qua đó góp phần củng cố, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gặp mặt cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Tuyển thủ Quang Hải và Ban Tổ chức Giải bóng đá thiện nguyện “Cúp Tứ Hùng - Trao yêu thương” ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tiếp nhận hiện vật và trao giấy ghi nhận cho ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Sau hơn 3 năm thành lập, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã tích cực triển khai sưu tầm tài liệu, hiện vật, xây dựng các nguồn lực, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu cho khách tham quan và thực hiện công tác truyền thông của Bảo tàng. Với 698 hiện vật được kế thừa từ Phòng Truyền thống, đến nay Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã có hơn 4.000 hiện vật thuộc các chất liệu khác nhau và hơn 3.000 ảnh tư liệu phản ánh về truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tiêu biểu trong số đó là các hiện vật, kỷ vật của các vị lãnh đạo MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt có những kỷ vật rất có giá trị như: Cặp da và sổ nhật ký công tác của cụ Đỗ Đức Dục, nguyên Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh; những bản vẽ thiết kế, tư trang, tài liệu công tác của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát; con dấu, cặp da, card visit của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; bút, kính, cuốn sổ tay cuối cùng của Chủ tịch Lê Quang Đạo; thẻ đảng, Huân huy chương của đồng chí Phùng Văn Cung, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam và rất nhiều tư trang, vật dụng, bút tích, bản thảo của đồng chí Xuân Thủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam...

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam.

Ngoài ra, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã sưu tầm và lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh gắn với lịch sử và hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như: Cương lĩnh, văn kiện, bản đồ vẽ tay, nhật ký chiến trường, thư tay, hòm đạn, đèn dầu tự tạo,... Huân chương, huy hiệu, giấy khen, tem, báo, tiền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với nhiều mệnh giá khác nhau phát hành trong vùng giải phóng... Các kỷ vật kháng chiến đặc biệt là những kỷ vật của các chiến sĩ tù đày, quả cảm hy sinh, như bức tranh thêu trong tù về phong cảnh đêm trăng của Giáo sư Nguyễn Văn Chì - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Thành phố Sài Gòn - Gia Định, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh với tinh thần thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao hay chiếc khăn thêu tay của ông Phan Thanh Sỹ - cựu tù chính trị Côn Đảo với dòng chữ đã nhuốm màu thời gian: "Mái đầu xanh ghi trang lịch sử/Mảnh khăn này khắc chữ tương lai”.

Theo bà Bùi Thị Hoàn - Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam, mỗi hiện vật là một câu chuyện cảm động và ý nghĩa, qua đó tái hiện, phản ánh vai trò và đóng góp to lớn của các tổ chức Mặt trận trong việc giương cao ngọn cờ tập hợp, hiệu triệu khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cùng với các kỷ vật, hiện vật lịch sử, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã chú trọng sưu tầm các hiện vật đương đại, phản ánh sự phát triển, lớn mạnh của MTTQ Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Một số bộ sưu tập bước đầu đã được hình thành như: MTTQ Việt Nam qua các kỳ Đại hội (từ Đại hội I đến IX); Con dấu của Mặt trận qua các thời kỳ; Các ấn phẩm, báo chí của Mặt trận; Các phần thưởng cao quý của MTTQ Việt Nam; đặc biệt là sưu tập Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 với hơn 500 hiện vật thuộc nhiều loại hình và chất liệu khác nhau, phản ánh truyền thống và sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong “cuộc chiến không tiếng súng”.

Học viên lớp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận năm 2023 tham quan Gian trưng bày chuyên đề "Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - những chặng đường vẻ vang”. Ảnh: H. Lam.

Ngày 6/9/2023, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 120 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong đó Bảo tàng MTTQ Việt Nam là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan. Việc nâng cấp tổ chức Bảo tàng không chỉ đơn thuần là công tác tổ chức bộ máy, mà còn thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng đối với những cống hiến to lớn của Mặt trận cho cách mạng Việt Nam.

“Trong sự nghiệp chung của MTTQ Việt Nam, Bảo tàng MTTQ Việt Nam có sứ mệnh giáo dục truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc. Để làm tốt điều đó, Bảo tàng phải trở thành ngôi nhà di sản có hệ thống trưng bày hấp dẫn về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; Kho dữ liệu về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam với mô hình kho động và mở đặc sắc; Trung tâm kết nối, chia sẻ và lan tỏa tinh thần đoàn kết của MTTQ Việt Nam với không gian tổ chức sự kiện và trưng bày chuyên đề sáng tạo, mang hơi thở của cuộc sống” - bà Bùi Thị Hoàn - Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.