Bàn giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong Luật Đất đai

(Mặt trận) - Sáng ngày 14/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội thảo về những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai năm 2013 và giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan.

Bảng giá đất tại một số địa phương mới bằng khoảng 65% so với giá thị trường

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều bất cập, trong đó phải kể đến nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Cùng với đó, việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân có những nơi còn khó khăn do chưa thực hiện đúng quy định; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư, tại một số địa phương vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế; Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; chưa theo hướng tiếp cận quy hoạch không gian, dựa vào hệ sinh thái, tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn xảy ra, gây lãng phí.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, hiện nay, bảng giá đất tại một số địa phương mới bằng khoảng 65% so với giá thị trường. Công tác định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế, nguồn lực để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá thị trường phục vụ cho công tác định giá đất, đảm bảo định phù hợp với giá thị trường.

Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm; số vụ án liên quan tới cán bộ lãnh đạo các cấp về đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm.

“Những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân xuất phát từ thay đổi trong các mối quan hệ kinh tế, xã hội; có những nguyên nhân xuất phát từ chính quy định của Luật Đất đai hiện hành còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu chặt chẽ. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, thể chế bổ sung các chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch và phát huy nguồn lực đất đai”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Sửa đổi đồng bộ, kết hợp hài hòa lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân trong Luật Đất đai

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã phản ánh thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trong những năm vừa qua và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với vấn đề này; Những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai năm 2013 ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức bài học kinh nghiệm và nguyên nhân; Quan điểm của Đảng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013; Giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai năm 2013; Giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong tổ chức thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai…

Phó Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Hải cho rằng, cần có cơ chế pháp lý đầy đủ hơn về xác định tư cách chủ thể trong các biến động về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với người sử dụng đất là hộ gia đình theo hướng điều chỉnh thành nhóm cá nhân sử dụng đất là thành viên gia đình và các thành viên thuộc nhóm cá nhân sử dụng đất này tham gia giao dịch theo cơ chế về sở hữu chung theo phần. Trong đó, Luật Đất đai cần quy định cụ thể hơn căn cứ xác định thành viên hộ gia đình sử dụng đất, cơ chế xác lập, thực hiện, hủy bỏ, vô hiệu giao dịch nói chung, giao dịch bảo đảm nói riêng khi chỉ có một, một số thành viên của hộ gia đình sử dụng đất tham gia xác lập, thực hiện giao dịch.

“Cần bổ sung việc định nghĩa tài sản gắn liền với đất vào Luật Đất đai để có sự thống nhất trong nhận thức pháp luật, xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật, đặc biệt thống nhất trong khoa học pháp lý, thực tiễn quản lý nhà nước, thực tiễn giao lưu dân sự bởi Luật Đất đai và luật khác liên quan hiện hành cũng chỉ mới ghi nhận, sử dụng cụm từ “tài sản gắn liền với đất” mà chưa có giải thích cụ thể cho cụm từ này”, ông Hải nêu ý kiến đồng thời kiến nghị cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn về cơ chế đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, trong đó cần làm rõ các trường hợp tài sản gắn liền với đất phải được đăng ký, các trường hợp không cần phải đăng ký.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 

Ở góc độ khác, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hài hòa giữa Luật Đất đai và các đạo luật khác có liên quan. Hiện nay, trên một thửa đất có 24 đạo luật điều chỉnh ở các góc độ khác nhau; vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai chỉ tháo gỡ được một phần, nếu không chú trọng sửa đổi đồng bộ các đạo luật khác có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… sẽ không giải quyết được triệt để các tồn tại, bất cập trên thực tế.

Đồng thời, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần đề cập đến bất động sản mới hiện nay, tránh tình trạng đề cập chung chung; đồng thời cần đề cập cụ thể chi tiết hơn đối với việc quản lý và sử dụng đất đối với các bất động sản du lịch. Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 cũng cần giải thích rõ nhiều thuật ngữ như “tài sản gắn liền với đất” là gì, thế nào là “đất hoang”,… bởi nếu giải thích không rõ sẽ gây khó khăn và nhầm lẫn.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013, giá đất đang được tiếp cận theo hướng gần nhất với giá thị trường mà không xác định theo khung giá đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ dàng để đưa ra những hình thức phù hợp để giá đất được tiếp cận với giá thị trường. Khung giá đất quy định một loại, giá đất chuyển nhượng ký trên hợp đồng được công chứng là một giá khác, giá đất do cơ quan thẩm định lại là một giá khác. Vấn đề nằm ở chỗ, đối với người dân khi bán đất cho người khác, trên hợp đồng bao giờ cũng là giá thấp nhất, còn số tiền nhận lại là ở mức cao nhất mà thực tế Nhà nước không thể kiểm soát được mức cao nhất đó. Chính vì vậy, việc tính thuế sẽ dựa trên khung giá đất do Nhà nước đặt ra. Khi quyền lợi của các bên không tương đồng, mà lại đi khung giá đất theo giá thị trường đặt ra một bài toán vô cùng khó khăn.

Đồng thời, các nhà làm luật chưa đưa ra cơ chế để giảm thiểu và kéo lại những mối quan hệ mâu thuẫn đó. Trong dự thảo đã đưa ra nhiều cơ chế, nhưng công tác giám sát chưa được tiếp cận, cụ thể là việc chưa đưa các lực lượng ngoài Nhà nước tham gia vào quá trình xác định giá thị trường là bao nhiêu, vì việc xác định giá thị trường cần được đảm bảo đa thành phần đồng thuận và chấp nhận thì giá thị trường đó mới có thể được tạo dựng và áp dụng trên thực tế.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ  - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ  - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong nội dung thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, vai trò của MTTQ cấp cơ sở là rất quan trọng trong việc tham gia tuyên truyền vận động ngay từ khi có thông báo thu hồi đất đến khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và cần được thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013. Cùng với đó là việc phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, quy định cụ thể vai trò giám sát, quản lý và sử dụng đất đai của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; tham gia tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai; phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.

Tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đất đai và thị trường bất động sản

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu kết luận Hội thảo  

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung nêu rõ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013. Từ đó đề ra những giải pháp cụ thể nhằm sửa đổi Luật Đất đai sắp tới theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, ý kiến đại biểu nhận định Luật Đất đai chưa định chế rõ ràng, làm nổi bật vai trò của đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước trong các quy định về quản lý và sử dụng đất. chưa xác định rõ, chi tiết việc kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai quy định tại Điều 21. Chưa thể hiện được sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm trong quản lý đất đai; giá trị tăng thêm của đất (địa tô chênh lệch) chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên; vi phạm về đất đai, khiếu kiện về đất đai còn phức tạp.

Đại biểu tham dự cũng cho rằng chưa thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Vì vậy cần sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp. Nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định tại các đạo luật khác nhau để bảo thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai. Cần bổ sung các quy định về quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Điều 52 Hiến pháp.

Về giá đất, Giá đất khi Nhà nước thu hồi đất còn một số bất cập, nhất là cơ chế xác định chưa hợp lý dẫn đến việc giá đất do Nhà nước quy định và quyết định thường thấp hơn so với thị trường, giá đất đền bù thấp. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra khiếu nại trong quản lý đất đai, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, cần xây dựng cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường, trong đó cần đảm bảo người dân được tham gia sâu, rộng rãi và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất.

“Các ý kiến tại hội nghị ghi nhận việc thể chế hóa tinh thần NQ 18-NQ/TW về chế độ tài chính đối với đất đai trong dự thảo như: bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất, đầu cơ và bỏ hoang đất; đề cao yêu cầu bảo vệ lợi ích người dân; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đất đai và thị trường bất động sản…”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nói.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, ý kiến tham dự của đại biểu tại Hội thảo sẽ là một trong những cơ sở góp phần quan trọng để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét tổng thể về kỹ thuật lập pháp, các vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai năm 2013 để có những ý kiến góp ý quan trọng cho Ban soạn thảo trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.