Bàn giải pháp phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Thông báo thời gian kết thúc đợt vận động, tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3 đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (yagi) gây ra

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương phân bổ đợt 3 số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (yagi)

Quang cảnh Hội thảo 

Đồng chủ trì có GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Vũ Đăng Minh, Trưởng Ban Tôn giáo Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Gợi mở góc nhìn sâu sắc về giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và dung lượng nhiều nhất so với các kỳ Đại hội trước đó. Trong 10 văn bản trình bày ở 2 tập của Văn kiện, có 4 văn bản đề cập trực tiếp các nội dung liên quan đến tôn giáo. Về việc phát huy nguồn lực trong các tôn giáo, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, các quan niệm về nguồn lực của các tôn giáo đều phổ biến ở một số quan điểm như khẳng định vai trò của tôn giáo, coi những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thừa nhận các nguồn lực của các tôn giáo ở hai phương diện nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn ở nguồn lực tinh thần, đó là các giá trị về văn hóa, đạo đức tôn giáo; các nguồn lực của các tôn giáo đã tham gia vào tất cả các quá trình, lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu thế, đóng góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo...

Tuy nhiên, trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản dưới luật chưa đưa ra khái niệm thế nào là giá trị tôn giáo và nguồn lực tôn giáo? Giá trị đạo đức, giá trị văn hóa của tôn giáo được hiểu như thế nào? Đồng thời chưa có khung pháp lý để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Điều này dẫn tới sự lúng túng, thiếu đồng bộ trong nhận thức và thực hiện.

“Hội thảo sẽ góp phần mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác tôn giáo; đồng thời đề xuất những giải pháp để thể chế hóa những quan điểm mới về tôn giáo của Đảng tại Đại hội XIII đề ra”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Mang lại hạnh phúc cho người dân từ nguồn lực của các tôn giáo

PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề cập tới những giá trị đạo đức, văn hóa của một số tôn giáo ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp để phát huy các giá trị này. Trước tiên là phát huy giá trị của các tôn giáo trong xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay. Theo đó, cần khai thác các giá trị đạo đức của các tôn giáo ở khía đạo đức tôn giáo để giáo dục cho người dân, xã hội thông qua các hình thức, mô hình khác nhau như trên các trang thông tin, mạng xã hội, tại các không gian tôn giáo, tại các lễ hội để truyền tải các giá trị đạo đức đến với con người, hướng thiện con người, giúp người dân hiểu được những giá trị đạo đức trân quý, hiểu được sự cần thiết phải trở thành người công dân tốt, có trách nhiệm với cộng đồng.

"Cần phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các tôn giáo để nâng cao đời sống tinh thần, phát triển văn hóa xã hội. Trong đó cần phát huy vai trò của các cơ sở tôn giáo, tạo thành một thiết chế văn hoá, tham gia hỗ trợ với các thiết chế văn hoá khác như nhà văn hoá, trung tâm văn hoá, đình làng để phục vụ đời sống xã hội", PGS.TS Chu Văn Tuấn đề xuất.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Phó Truởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội thảo 

Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Phó Truởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, trong tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì giá trị "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" là nội dung cốt lõi. Trong đó, giá trị về hạnh phúc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao, là tiêu chí, thước đo về sự tiến bộ của nhân dân và là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Và hạnh phúc cũng là mục tiêu của các tôn giáo muốn mang lại cho xã hội.

"Tư tưởng, tinh thần, đạo đức, lối sống của các tôn giáo chính là văn hóa phi vật thể, mà hiện nay chưa phát huy hết giá trị trong xã hội. Nếu phát huy được hết nguồn lực từ những giá trị đạo đức, lối sống của các tôn giáo sẽ đóng góp rất tích cực cho nguồn lực của xã hội, đặc biệt về đời sống tinh thần cho nhân dân, hướng tới mục tiêu khiến con người hạnh phúc", Hòa thượng Thích Thọ Lạc chia sẻ.

Giáo sư Thượng Mai Thanh, Trưởng Ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 

Giáo sư Thượng Mai Thanh, Trưởng Ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô Hà Nội cho rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Ở giai đoạn hiện nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được khẳng định mạnh mẽ hơn, trong đó vấn đề về đoàn kết các tôn giáo là chủ trương sáng suốt của Đảng, mang lại nhiều kết quả thiết thực trong đời sống xã hội.

"Để phát huy nguồn lực các tôn giáo mạnh mẽ hơn thì MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường tập hợp, phát huy vai trò các chức sắc của các tổ chức tôn giáo", Giáo sư Thượng Mai Thanh kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, xác định công tác tôn giáo có vị trí quan trọng, MTTQ các cấp thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác tôn giáo, tạo thuận lợi cho người dân thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật. Trong thời gian tới, để phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục quán triệt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa, đạo đức cùng với các nguồn lực khác của tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo theo quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo của của tỉnh đảm bảo đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cùng cấp tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tôn giáo.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương; xây dựng thế quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để chủ động phòng ngừa, kiên trì, kiên trận quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo…

GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Tiếp thu ý kiến tâm huyết, sâu sắc của Đại biểu tham dự Hội thảo, GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định đây sẽ là căn cứ để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.

 Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm