999 Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX

(Mặt trận) -Thực hiện Điều lệ MTTQ Việt Nam Khóa VIII và Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 04/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hôm nay ngày 18/9/2019, phiên họp ngày thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 được long trọng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới. Đại hội được kỳ vọng sẽ huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh và xây dựng hệ thống chính trị đất nước.

Tham dự phiên họp ngày thứ nhất của Đại hội có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; các vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Đại hội

Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký Đại hội.

Đại biểu nhắn tin ủng hộ người nghèo

Thiết thực hưởng chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, trước khi tiến hành các nội dung của Đại hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã phát động và kêu gọi toàn thể Đại hội tham gia chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo. Mỗi tin nhắn "VNN n" gửi 1408 của đại biểu tham dự Đại hội sẽ giúp người nghèo thêm ấm lòng và có thêm động lực để tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thi đỗ vào đại học, cao đẳng và tập trung lo Tết cho người nghèo.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Đại hội

Tại phiên họp thứ nhất, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019. Nhiệm kỳ qua, Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề Nhân dân quan tâm; quyết tâm đổi mới, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Xác định rõ nội dung, phương thức, giải pháp để thực hiện bảo đảm vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận theo Nghị quyết và Chương trình hành động do Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII đã đề ra.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Đại hội

Quá trình triển khai thực hiện đã chú trọng thực hiện tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, làm sâu sắc tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận, thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động và phát huy tốt hơn thế mạnh của từng tổ chức thành viên trong công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Đại hội

Các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, giảm bớt tính hình thức. Tập trung và phát huy tốt hơn các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của các tổ chức thành viên, trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Mặt trận. Tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhất là đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các địa phương để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo cơ chế đảm bảo cho tổ chức Mặt trận hoạt động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới.

Đại biểu biểu quyết tại Đại hội

Hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đã đóng góp tích cực vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, công tác và học tập, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực là những tập thể đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, nhạy bén với tình hình, hoạt động tập trung, nổi bật vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Chú trọng nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mở rộng thành phần và đa dạng các hình thức lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân để có những kiến nghị, đề xuất phù hợp, kịp thời, xác đáng với Đảng, Nhà nước.

Quang cảnh Đại hội
Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực duy trì nghiêm túc, đầy đủ và đổi mới chế độ hội nghị, họp; tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, gửi sớm để đại biểu dự họp có đủ điều kiện về thời gian nghiên cứu trước. Các vị Ủy viên Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực luôn kiên định, vững vàng về chính trị, giữ vững nguyên tắc, trách nhiệm, thực hành dân chủ, phát huy trí tuệ, ứng xử linh hoạt và có giải pháp kịp thời, phù hợp với diễn biến của tình hình mới.

Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là sự quan tâm thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đổi mới, tăng cường phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương; sự phối hợp, thống nhất hành động có trách nhiệm của các tổ chức thành viên; sự hợp tác tích cực của tổ chức quốc tế tương đồng ở một số quốc gia, dân tộc; những đóng góp tích cực của các cấp Mặt trận và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; sự nỗ lực đóng góp và phát huy trách nhiệm của các vị Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực, Hội đồng tư vấn... Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực (khóa VIII) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đại hội giao.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Đại hội

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ như việc bày tỏ thái độ, chính kiến của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời. Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao. Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt.

Đại biểu tham dự Đại hội

Việc hướng dẫn các địa phương cũng như các tổ chức thành viên vận động Nhân dân thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy đã có nhiều cố gắng, song đến nay tổ chức bộ máy Mặt trận các cấp vẫn còn những bất cập, chưa thống nhất và đồng bộ về mô hình tổ chức trong cả nước; một số chính sách liên quan đến Ủy viên Ủy ban Mặt trận, cán bộ cơ quan chuyên trách Mặt trận, Tổ Tư vấn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng… Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực chưa có nhiều đổi mới.

Tại phiên làm việc đầu tiên, thảo luận vào báo cáo kiểm điểm hoạt điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã được gửi tới Đại hội.

Ông Đặng Văn Khoa, Đoàn TP. HCM phát biểu tại Đại hội
Đại biểu Đặng Văn Khoa, Đoàn TP. HCM bày tỏ tâm đắc với bản kiểm điểm. Đây là một báo cáo minh triết, ngắn gọn bao quát được toàn bộ tổ chức hoạt động phong phú đa dạng của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.

“Báo cáo có sự soi rọi khách quan đúng sự việc đúng bản chất, đúng liều lượng, nhận ra đúng mặt mạnh, hạn chế yếu kém không tô hồng, không né tránh từ đó nhận thức được những điều cần phát huy, cần phải điều chỉnh trong con đường đi tới tương lai của nhiệm kỳ tới.” Đại biểu Khoa nhận định.

Tuy nhiên theo đại biểu Khoa, một hạn chế yếu kém hàng đầu việc bày tỏ thái độ ý kiến của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân có lúc có việc chưa kịp thời, chưa đúng mức.

Đây là một hạn chế khá quan trọng cần lưu ý trong nhiệm kỳ tới vì hình ảnh, uy tín, sự đồng tình gắn kết của Mặt trận trong lòng dân rộng hay hẹp, sâu hay nông lỏng lẻo hay bền chặt là tùy thuộc vào điều này rất nhiều.

Ông Bùi Xuân Đức - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII phát biểu tại Đại hội
Đồng quan điểm đại biểu Bùi Xuân Đức - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII cũng bày tỏ, việc lên tiếng, có mặt của Mặt trận ở những điểm nóng còn chậm trễ, chưa thể hiện được sức mạnh của mặt trận. Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận cũng đang chủ yếu theo kế hoạch, trong khi đó rất cần nhưng cuộc giám sát, phản biện những điểm nóng, vụ việc nóng diễn ra trong cuộc sống, liên quan đến cuộc sống của người dân. Điểm yếu này của Mặt trận cần được khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII phát biểu tại Đại hội
Ở một góc nhìn khác, chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII nhận định, báo cáo kiểm điểm của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam dù đề cập khá đầy đủ và bao quát nhiều vấn đề nhưng lại “thiếu vắng phần nói về biển đảo”.

“Trong báo cáo kiểm điểm của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII vẫn thiếu vắng phần nói về biển đảo. Tôi đề nghị các đồng chí xem xét nếu đưa được phần nào của Mặt trận chúng ta quan tâm đến biển đảo thì nên đưa vào”, chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đề xuất.

GS.TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Đại hội
Một vấn đề khác cũng rất đáng được quan tâm là phát huy quyền dân chủ của nhân dân của MTTQ các cấp. Theo GS.TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, MTTQ các cấp vẫn chưa phát huy được hết quyền dân chủ của nhân dân.

Bác Hồ đã nói dân chủ là làm cho dân được mở miệng. Nước ta là một nước dân chủ, vậy mà quyền dân chủ ở nhiều nơi, nhiều lúc còn bị vi phạm một cách nghiêm trọng. Không ít đơn thư của người dân được chuyển lòng vòng, không được xem xét một cách thấu đáo. Trong rất nhiều năm, biết bao nhiêu “bờ xôi ruộng mật” bị tước đoạt để phục vụ các mục đích phi nông nghiệp trong khi người dân được đền bù với cái giá không thể chấp nhận được. Vẫn còn tồn tại những vụ án oan sai do bức hình, bức cung không được sự đồng tình của nhân dân.

“Càng dân chủ thực sự, chúng ta dễ dàng phát hiện tham nhũng và chống tham nhũng. Càng dân chủ thực sự, chúng ta càng dễ dàng chọn được người tài ra gánh vác việc dân việc nước. Vì vậy, tôi mong đại biểu Mặt trận các cấp tìm mọi cách tạo điều kiện cho người dân được nói nên bức xúc của mình và cần có quy chế để đại biểu Quốc hội, đại biểu Mặt trận các cấp có thể chuyển đơn với một quy định là đơn phải được trả lời trong một thời gian nhất định”, GS. Nguyễn Lân Dũng nói.