5 giải pháp nhằm đổi mới việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Sáng 3/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến nghiệm thu Đề tài khoa học cấp cơ sở “Giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới”. Cùng tham dự có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống

Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng kết công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến

Nội dung đề tài nêu rõ, từ năm 2003 đến nay, tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư diễn ra hằng năm vào ngày 18-11 với các nội dung, hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức Ngày hội đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức và huy động được sự tham gia của cả cộng đồng. Phần Lễ tổ chức ngắn gọn, tập trung đổi mới nội dung phần Hội tạo khí thế vui tươi và thu hút sự tham gia của người dân. Việc tổ chức Ngày hội đảm bảo tiết kiệm, an toàn, tránh hình thức, lãng phí..

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư. Các hoạt động tổ chức trước Ngày hội ở một số địa phương còn dàn trải, chưa thật sự nổi bật, chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư chưa được thông suốt,...

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đề tài nhận thấy cần thiết phải tổng kết hoạt động tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư để phát huy các ưu điểm, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, rút ra những kinh nghiệm cần thiết để tổ chức có chất lượng tốt nhất Ngày hội.

Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá, Ban Chủ nhiệm đề tài đã nêu ra một số giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030.

Theo đó, cần chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục phát huy sự sáng tạo đổi mới trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Đồng thời, MTTQ Việt Nam các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn triển khai tổ chức Ngày hội, tăng cường huy động các nguồn lực, thực hiện tốt việc xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức Ngày hội.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 46 Tràng Thi, Hà Nội 

Góp ý xây dựng Đề tài tại Hội nghị, PGS.TS Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, về cơ bản, Đề tài đạt được mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đã xác định; đề xuất được một số giải pháp về đổi mới và nâng cao chất lượng việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với tầm mức của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Tuy nhiên, nhóm thực hiện cần bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đề tài cả về cấu trúc, hình thức lẫn nội dung để đề tài bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ về lý luận và thực tiễn. Sản phẩm của đề tài có thể làm cơ sở sở cho việc mở rộng nội dung, phạm vi, đối tượng nghiên cứu ở mức cao hơn.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11) là một trong những bước phát triển lý luận và thực tiễn về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được của quá trình tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc tổ chức Ngày hội còn nhiều vấn đề khó khăn, yếu kém cần phải khắc phục. Do đó, việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới” là việc làm cần thiết hiện nay.

Từ những ý kiến phản biện tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Đề tài đã đạt được mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu đề ra; có giá trị thực tiễn giúp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Mặt trận các địa phương tham khảo trong quá trình chỉ đạo và triển khai Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa phương.

Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện theo góp ý của Hội đồng, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần khắc phục những bất cập còn tồn tại, nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.