(Mặt trận) - Ngày 9/10, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN và ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa hai bên. Việc ký kết Nghị quyết liên tịch mới về công tác phối hợp giữa Chính phủ với UBTƯ MTTQ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của các bên trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 29/9/2021 |
10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp
Thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đại hội Đảng các khóa đã đề ra và bám sát chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; đồng thời, thực hiện mối quan hệ công tác của các thiết chế trong hệ thống chính trị được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các luật có liên quan, ngày 22/8/2008, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ký và ban hành triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19/2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Quy chế xác định rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phối hợp tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân; Phối hợp xây dựng pháp luật; Phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp; Kiến nghị và trả lời kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam; Các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; Về phối hợp ban hành văn bản liên tịch; gửi văn bản mới ban hành; Về kinh phí hoạt động; Về việc tham gia các kỳ họp, phiên họp; Về trao đổi thông tin và làm việc liên tịch.
Qua 15 năm thực hiện, các nội dung đề ra trong Quy chế cơ bản được thực hiện tốt, có chiều sâu, với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi bên, đã tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và hoạt động, đối ngoại của đất nước, bảo đảm tốt hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thông qua triển khai thực hiện quy chế phối hợp công tác đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi bên, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc; xứ lý có hiệu quả những vấn đề hệ trọng, cấp bách, phức tạp mới phát sinh trong thực tiễn; bổ sung, hoàn thiện, phát triển thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân, như: phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đổi mới, sáng tạo, bảo vệ môi trường...
Từ thực tiễn phối hợp, nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, chưa từng có tiền lệ (như phối hợp phòng, chống dịch Covid-19) đã được hai bên phối hợp thực hiện có hiệu quả, qua đó đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của người dân, thực hiện an sinh xã hội, nhất là trong chăm lo cho người nghèo, vùng khó khăn.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 29/9/2021 |
Phối hợp để chăm lo cho người nghèo và các chương trình an sinh – xã hội
Nổi bật như trong vận động thi đua phát triển kinh tế-xã hội góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thông qua 5 nội dung toàn diện của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp đã góp phần thực hiện hiệu quả 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm (2015-2020), qua công tác tuyên truyền vận động, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 22,5 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh. Các địa phương đã huy động hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo và các chương trình an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Từ năm 2008 đến 30/6/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 76.829 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam và sự trợ giúp của cộng đồng, đã vận động giúp đỡ xây mới và sửa chữa 363.154 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 10,5 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 1,8 triệu lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.
Riêng ở Trung ương, trong 14 năm qua (từ năm 2008 đến năm 2022), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã duy trì phối hợp tổ chức Chương trình “Nối vòng tay lớn”, sau này là Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo", đã vận động hàng nghìn tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Hai bên đã phối hợp xây dựng để ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong 14 năm (từ 2009 đến ngày 30/6/2022), thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nguồn Cứu trợ Trung ương tiếp nhận trên 530,9 tỷ đồng, đã phân bổ trên 368 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân và địa phương, nhân dân vùng bị thiên tai.
Hai bên cũng đã đã phối hợp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Qua đó góp phần đưa Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó các mục tiêu về giảm nghèo, giáo dục được Liên hợp quốc đánh giá cao. Đặc biệt, kết quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã trở thành mô hình và kinh nghiệm giảm nghèo trên bình diện quốc tế.
|
Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 29/9/2021 |
Hướng tới hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua có thể khẳng định, công tác chăm lo, bảo đảm quyền và lợi hợp pháp và chính đáng của Nhân dân được chú trọng, tiến hành toàn diện, hiệu quả thông qua hoạt động phối hợp xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đóng góp thiết thực vào việc phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, qua đó, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong nội dung phối hợp xây dựng pháp luật, nhờ có những định hướng và kế hoạch triển khai kịp thời nên số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các Bộ, ngành xin ý kiến của Mặt trận ngày càng có xu hướng tăng, nhất là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành và có hiệu lực. Hàng năm, Chính phủ, các bộ, ngành của Chính phủ đã gửi xin ý kiến góp của Mặt trận khoảng 60 đến 80 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Hai bên đã phối hợp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 2013. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, hai bên đã phối hợp xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Luật Thanh niên năm 2020; sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn... Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang tham gia xây dựng các chuyên đề trong Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Bộ Chính trị.
Chính phủ và các bộ, ngành của Chính phủ đã phối hợp hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho Mặt trận nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có các chỉ thị, quyết định, đề án liên quan đến Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Riêng trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 6/2022, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký ban hành 2 nghị quyết liên tịch và 1 chương trình phối hợp.
Tiếp thu kiến nghị của Mặt trận, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản pháp luật như: bổ sung một số quy định khẳng định rõ hơn vai trò tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; ban hành Nghị định 159/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;... Nhìn chung, công tác phối hợp xây dựng pháp luật của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được tiến hành trên tinh thần cụ thể hóa nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động... nhằm hướng tới hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Bảo tàng MTTQ Việt Nam trước khi tham dự Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 29/9/2021 |
Công tác phối hợp trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân có nhiều chuyển biến, tiến bộ, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thúc đẩy xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Hằng năm, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh trực tiếp tại Quốc hội và gửi các cơ quan có liên quan, trong đó có Chính phủ. Từ năm 2009 đến nay, Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã tập hợp 58.698 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Tại các Hội nghị kiểm điểm quy chế phối hợp hằng năm của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành luôn quan tâm lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị và đề xuất đóng góp xác đáng của các vị trong Đoàn Chủ tịch, các vị trong Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên để chỉ đạo nâng cao hiệu quản lý nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Cùng với đó, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được hai bên phối hợp triển khai với các nội dung thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thống nhất, lựa chọn, triển khai 13 chương trình phối hợp giám sát, trong đó có nhiều chương trình có sự phối hợp của các bộ, ngành của Chính phủ triển khai giám sát, kết quả bước đầu là rất rõ, có tác động tích cực. Từ kết quả giám sát cùng các kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền các cấp kiểm tra và có biện pháp giải quyết các kiến nghị của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, góp phần giảm các vụ việc đông người, kéo dài, bức xúc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân…
Trong công tác phối hợp trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân có nhiều chuyển biến, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thúc đẩy xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Hằng năm, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh trực tiếp tại Quốc hội và gửi các cơ quan có liên quan, trong đó có Chính phủ. Từ năm 2009 đến nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập hợp 58.698 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước…
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, thực chất, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi bên. Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ ký kết Nghị quyết liên tịch mới thay thế cho Nghị quyết liên tịch số 19/NQLT/CP-UBTUMTTQVN ngày 22/8/2008.
Việc ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác mới giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn mà còn góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Chính phủ; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam để xây dựng đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự ổn định và phát triển nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh