Ðồng tâm, hiệp lực vượt qua dịch bệnh

(Mặt trận) -Thành phố Cần Thơ đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, với tinh thần và quyết tâm mỗi địa phương là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Song song triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, các địa phương tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, trợ giúp hộ nghèo, khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

 Lao động tự do xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ nhận tiền hỗ trợ và phần gạo do địa phương vận động trao tặng.

Thiết thực chăm lo, hỗ trợ

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà Ðại đoàn kết mới xây, ông Dương Văn Hoàng ở ấp Ðông Giang, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ bày tỏ niềm vui, thỏa nguyện tuổi già. Ông Hoàng nói: “Mấy năm nay, con trai đi làm ở TP Hồ Chí Minh gởi tiền về phụ giúp vợ chồng tôi. Mấy tháng gần đây gián đoạn vì con mất việc làm do dịch bệnh. Nhờ các chú ở xã quan tâm hỗ trợ gạo, rau củ, nhu yếu phẩm; bà con chòm xóm tới lui thăm hỏi, gởi tặng thức ăn”. Nhà ông Hoàng là 1 trong 3 căn nhà Ðại đoàn kết xã được phân bổ xây dựng năm 2021 (trị giá 50 triệu đồng/căn), giúp các hộ “an cư” để làm ăn. Từ nay đến cuối năm, xã dự kiến xây dựng 3 căn nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Các hội, đoàn thể xã quản lý 1,78 tỉ đồng hỗ trợ 43 hộ cận nghèo, mới thoát nghèo vay phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Hiện toàn xã còn 27 hộ nghèo, 191 hộ cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ giúp 19 hộ thoát nghèo.   

Suốt 3 tháng qua, UBND xã Ðông Bình thường xuyên tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh cho người nghèo, khó khăn. Ủy ban MTTQVN thành phố Cần Thơ và huyện hỗ trợ 235 phần quà, trị giá 120 triệu đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Xã kịp thời huy động lực lượng tổ chức cấp phát gạo tại nhà cho 1.760 người; rà soát, lập danh sách gần 2.500 lao động tự do được nhận tiền hỗ trợ. Anh Phạm Trường Phong ở ấp Ðông Giang, kể: “Lúc trước, vợ chồng tôi đi Bình Dương làm công nhân. Mỗi tháng, chúng tôi có thu nhập hơn 12 triệu đồng, dành dụm gởi về quê nuôi 2 con. Nhờ tranh thủ học nghề sửa xe gắn máy nên 4 năm nay, tôi trở về quê mướn mặt bằng mở tiệm sửa xe. Tôi được địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua các thiết bị, phụ tùng xe. Việc làm ăn thuận lợi, khách hàng đông dần, mỗi ngày, tôi thu nhập khoảng 150.000 đồng”. Trong thời gian thực hiện giãn cách, vợ chồng anh Phong phải ngừng kinh doanh, mất việc. Ðang loay hoay “chạy ăn” cho cả nhà, anh Phong được địa phương tặng gạo, thực phẩm, nhận 4 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ lao động tự do.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Bình, cho biết: “Bên cạnh tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận chính sách an sinh, xã vận động nhà hảo tâm duy trì 2 điểm “Chợ 0 đồng”, cung ứng gạo, thực phẩm, rau củ, trị giá trên 260 triệu đồng; cấp phát 100 suất ăn/ngày cho hộ nghèo, khó khăn trong thời gian giãn cách. Cán bộ ngành, đoàn thể từ xã đến ấp tham gia cấp gạo, tiền hỗ trợ kịp thời; tham gia trực điểm kiểm soát dịch, bảo vệ “vùng xanh”; vận động người dân tuân thủ quy tắc 5K”.

Theo UBND huyện Thới Lai, 9 tháng của năm 2021, huyện hỗ trợ xây dựng 81 căn nhà cho hộ nghèo, cấp 6.572 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo. Toàn huyện hiện có 295 hộ nghèo, tỷ lệ 1,64%; 1.905 hộ cận nghèo, tỷ lệ 6,45%.

Không để ai thiếu ăn

Từ giữa tháng 7-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND thành phố Cần Thơ liên tục tổ chức các hội nghị, ban hành nhiều văn bản để tăng cường hiệu quả thực hiện ở các ngành và cơ sở, giúp người dân vơi bớt khó khăn. Ðến ngày 14-10, thành phố hỗ trợ 3.671 người sử dụng lao động, 176.541 lượt người, kinh phí trên 244,6 tỉ đồng, đạt trên 74% số lượng được phê duyệt. Trong đó, đã chi hỗ trợ 86.308 lao động tự do theo Nghị quyết 52/NQ-HÐND, kinh phí trên 170,9 tỉ đồng. Thành phố cấp phát 2 đợt với 5.015.490kg gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ hỗ trợ 334.366 người dân gặp khó khăn về lương thực. Thành phố hỗ trợ 1.800 hộ khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với mức 500.000 đồng/hộ, kinh phí 900 triệu đồng; hỗ trợ 3.167 hộ nghèo, cận nghèo, mức 900.000 đồng/hộ, kinh phí 2,85 tỉ đồng; hỗ trợ khẩn cấp người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do dịch, mức 500.000 đồng/người. Thành phố tổ chức thăm, tặng quà và hỗ trợ các trẻ mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19 với mức 5 triệu đồng/em từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, MTTQVN các cấp cùng các tổ chức thành viên, tôn giáo, các ban, ngành có nhiều hoạt động thiết thực lan tỏa yêu thương, như: hỗ trợ suất ăn miễn phí cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm phong tỏa, khu cách ly; tặng lương thực, nhu yếu phẩm, rau củ quả cho hộ nghèo, khó khăn, trong khu vực phong tỏa… Các hội, đoàn thể duy trì mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Chợ 0 đồng”, “Bếp yêu thương”, “Chuyến xe yêu thương”, “Túi thuốc yêu thương”, “ATM gạo”... để san sẻ khó khăn với người dân. Theo bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, các cấp Hội Phụ nữ không chỉ phối hợp hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà còn tham gia vận động xã hội hóa gần 12 tỉ đồng hỗ trợ người dân.

Cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước, những tấm lòng thơm thảo, nghĩa cử tốt đẹp luôn đồng hành, tiếp sức người nghèo vượt qua khó khăn mùa dịch.  

ANH PHƯƠNG