(Mặt trận) -Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế là một trong những nội dung quan trọng của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban MTTQ huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
HTX nông nghiệp thôn Đức Lân, xã Yên Phụ là một trong những HTX tiêu biểu tiên phong sản xuất lúa theo hướng hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Năm 2013, HTX triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai HTX gặp nhiều khó khăn do nhiều xã viên chưa thay đổi được thói quen sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Ban Công tác Mặt trận, các Chi hội đoàn thể phối hợp với Ban Quản lý thôn đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân nhận thấy những ưu điểm của sản xuất theo quy trình VietGAP so với phương pháp canh tác truyền thống như: Gieo cấy tập trung, bón phân cân đối nên cây lúa cứng cáp, từ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất giảm từ 25 - 30% so với canh tác truyền thống…
Ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ được tuyên truyền, tập huấn xã viên đã nắm vững quy trình sản xuất, những ưu điểm mà sản suất theo quy trình VietGAP mang lại, từ đó tích cực hưởng ứng tham gia. Năm 2020, sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP. Hiện nay, HTX có 50 ha trồng lúa nếp cái hoa vàng, hằng năm cung cấp hơn 500 tấn lúa cho Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh. Trừ chi phí đầu tư, cho lợi nhuận từ 1 -1,2 triệu đồng/sào”.
|
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo quy trình VietGAP tại HTX nông nghiệp thôn Đức Lân, xã Yên Phụ mang lại thu nhập ổn định cho xã viên. |
Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với tổ chức thành viên tuyên truyền nhân dân thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn năm 2020-2025; Chương trình “Mỗi xã, thị trấn một sản phẩm” huyện Yên Phong; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con mới đem lại năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2021, MTTQ huyện phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội mở hơn 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng 226 tấn phân NPK theo phương thức trả chậm cho hơn 12.200 lượt hội viên; tín chấp cho hơn 5.000 lượt hội viên vay hơn 4.974 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đến nay, các giống lúa hàng hóa, chất lượng cao như: Bắc ưu 903 KBL, Thiên ưu 8, Bắc thơm 7, Đài thơm 8, nếp PD2, nếp BM 9603, nếp cái hoa vàng... chiếm gần 80% diện tích gieo trồng. Huyện hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa nếp tại xã Yên Phụ); rau an toàn, rau công nghệ cao tại xã các Tam Giang, Thụy Hòa và Yên Trung; nuôi cá lồng trên sông ở các xã Dũng Liệt, Tam Đa, Yên Trung…
Ủy ban MTTQ huyện đẩy mạnh vận động nhân dân phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các xã đều phát triển mạnh các nghề truyền thống như: Cô đúc nhôm ở Văn Môn; cày bừa Đông Suất (Đông Thọ); chế biến lương thực ở các xã Yên Phụ, Tam Giang; sản xuất bao bì ở Đông Phong; sản xuất hương thơm ở Dũng Liệt; đồ gỗ mỹ nghệ ở các xã Đông Thọ, Trung Nghĩa, Yên Trung… Sản phẩm làng nghề Yên Phong cũng có mặt khắp thị trường trong nước và bước đầu vươn ra thị trường các nước lân cận như Đài Loan, Trung Quốc, Lào… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Ông Chu Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Yên Phong khẳng định: “Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 77,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 1,18%; hộ cận nghèo còn 1,88%. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình của từng địa phương để thu hút đông đảo nhân dân tham gia; phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất; phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ nông sản;… góp phần khơi dậy tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Phương Mai