Xóa nghèo ở miền Tây Nghệ An

(Mặt trận) -Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, riêng miền Tây có tới 11 huyện, trong đó 5 huyện vùng cao, 6 huyện miền núi. Điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Nhưng những năm gần đây, người nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã trở thành “phong trào” ở nhiều huyện.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Những huyện như Tương Dương, Con Cuông..., có đến 400-500 hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo. Điều đó không chỉ nói lên những đổi thay về đời sống kinh tế - xã hội, mà còn cho thấy ý thức vươn lên xây dựng cuộc sống của bà con.

 MTTQ tỉnh Nghệ An tập trung làm nhà Đại đoàn kết để chăm lo cuộc sống cho nhân dân.

Xúc động những lá đơn xin thoát nghèo

Huyện Tương Dương là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, diện tích rộng, lại có gần 60 km đường biên với nước bạn Lào. Từ TP Vinh, trung tâm tỉnh Nghệ An, còn phải di chuyển một quãng đường rất dài. Cái nghèo, cái khó đeo đẳng đời sống đồng bào các dân tộc Tương Dương trong suốt những năm qua.

Nhưng thật bất ngờ, những năm gần đây, Tương Dương đã có đến 500 gia đình viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, xã Xá Lượng là nơi có nhiều hộ xin “trả” hộ nghèo nhất, với gần 240 hộ.

Gia đình ông Mộng Văn Hoàn ở bản Xiêng Hương vốn là một hộ nghèo “kinh niên”. Bản thân ông bị bệnh hiểm nghèo, khó khăn càng lớn hơn khi gia đình bị thiệt hại nặng nề sau đợt lũ năm 2018. Nhưng nay, gia đình ông Mộng Văn Hoàn đã được di dời đến nơi ở mới, được hỗ trợ bò sinh sản, góp phần cải thiện thu nhập của gia đình.

Cùng lúc ấy, hai người con chịu khó làm ăn, có thu nhập đều hàng tháng tại các khu công nghiệp, có tiền tích cóp gửi về cho bố mẹ xây nhà. Ông Hoàn đã quyết định bàn bạc với gia đình viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Ông chia sẻ: “Tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo để tiếp tục phấn đấu vươn lên, không thể cứ thế nghèo mãi được”. Bản Xiêng Hương có 17 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Những hộ viết đơn xin trả sổ hộ nghèo sau này đều có cuộc sống ổn định.

Tương tự, huyện Con Cuông cũng có khoảng 450 hộ tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Xoá đói, giảm nghèo là nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể và bản thân nhân dân trên toàn tỉnh. Trong đó, Mặt trận đóng vai trò “xung kích” trong xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An. Việc xoá đói, giảm nghèo được thực hiện bằng các nhiệm vụ chủ yếu: Vận động nhân dân hỗ trợ nhau thoát nghèo; vận động, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vay vốn làm ăn; hỗ trợ xoá nhà dột nát, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh cho biết: “Với trách nhiệm là đơn vị chủ trì phối hợp tuyên truyền, vận động, kêu gọi các nguồn lực chăm lo hỗ trợ cho người nghèo, MTTQ các cấp đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức vận động, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh bạn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo về nhà ở, phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để người nghèo thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2014-2019, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tiếp nhận hơn 212 tỷ đồng, các Quỹ an sinh xã hội khác tiếp nhận hơn 146 tỷ đồng”.

Công tác xoá đói, giảm nghèo của Nghệ An còn được tạo thêm động lực từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc cải tạo hạ tầng giao thông, hạ tầng sản xuất đã giúp bà con thuận lợi hơn trong canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như tiêu thụ nông sản. Đến nay 100% xã vùng miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển đã được nâng lên rõ nét, bộ mặt nông thôn trên mọi miền trong tỉnh có nhiều khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Bà con chuyển hướng từ làm ăn nhỏ lẻ sang xây dựng những mô hình sản xuất nông sản thương phẩm, chú ý đến những đặc sản địa phương để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương… đều phát huy mô hình tặng bò. Nhiều hộ gia đình từ con bò được hỗ trợ đã biết chăm sóc, phát triển thành đàn bò nhiều con. Mô hình trang trại nuôi lợn, bò, dê, gà đen… phổ biến ở nhiều địa phương. Đối với các loại cây nông nghiệp, nhiều địa bàn đã phát triển thanh long, dưa hấu, rau màu…; cải tạo vườn rừng tạp thành trang trại trồng cây ăn quả. Những kết quả vận động trên đã góp phần quan trọng vào việc hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 13% (năm 2015) xuống còn 4% (năm 2020).

An cư để lạc nghiệp

Đối với công tác xoá đói, giảm nghèo, “an cư” có vai trò hết sức quan trọng. Theo bà Võ Thị Minh Sinh, ngay từ năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 21-CT/TU về xóa nhà ở dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, UBND tỉnh ban hành đề án hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà ở dột nát tạm bợ, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể các cấp trong công tác hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Từ chủ trương này, kết hợp với chỉ đạo của Trung ương MTTQ Việt Nam, tỉnh Nghệ An đã hình thành phong trào xây nhà Đại đoàn kết rộng khắp.

Giai đoạn 2015-2019, Quỹ Vì người nghèo các cấp tiếp nhận hơn 212 tỷ đồng, các Quỹ an sinh xã hội khác tiếp nhận hơn 146 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 4.500 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ gần 11 ngàn hộ nghèo phương tiện sản suất, giống cây con để phát triển kinh tế.

Ngay sau khi kết thúc Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung chỉ đạo hệ thống MTTQ các cấp quyết tâm đổi mới nội dung và phương thức vận động, chú trọng hỗ trợ cải thiện nhà ở, tạo sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Trong đó, MTTQ tỉnh Nghệ An đã tập trung tổng rà soát thực trạng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu và lập kế hoạch tổng thể phục vụ kêu gọi, vận động. Qua rà soát cho thấy, toàn tỉnh tại thời điểm 9/2019 vẫn còn 8.160 hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở.

Gia đình bà bà Lê Thị Mỳ, gia đình chính sách ở thôn 8, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, là một thí dụ. Ngoài số tiền 90 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, MTTQ xã Quỳnh Vinh còn vận động các nhà hảo tâm giúp thêm hơn 20 triệu đồng, hàng nghìn viên gạch và bà con khối xóm giúp hàng trăm ngày công xây dựng nhà mới… Hôm bàn giao nhà mới, bà Mỹ dò dẫm từng bước chân trong ngôi nhà, sờ từng cánh cửa, góc tường với niềm hạnh phúc không nói thành lời.

Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cho nên công tác xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tốt, đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới.

PHƯƠNG LIÊN