Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp đi vào thực chất và bền vững

(Mặt trận) -10 năm thực hiện phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp đã lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình nông thôn, ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao rõ nét.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, đa dạng về tài nguyên đất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh lớn: lúa, cá, vườn, tràm,… tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao, cung ứng cho chế biến và xuất khẩu; có điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế, xây dựng các khu kinh tế tiểu vùng như khu công nghiệp theo hướng chế biến nông sản và phục vụ nông nghiệp, khu chợ đầu mối gạo - trái cây, khu thương mại tập trung, khu dân cư mới,… phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đã chọn 30/119 xã làm xã điểm để tập trung chỉ đạo. Cấp uỷ các cấp lãnh đạo và chỉ đạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM, tích cực tham gia thực hiện và góp ý, giám sát việc thực hiện Chương trình. Đặc biệt, từ năm 2013 Tỉnh ủy đã phân công các Tỉnh ủy viên, Trưởng ngành Tỉnh phụ trách xã điểm để nâng cao vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy đối với nhiệm vụ của ngành, địa phương trong tiến trình XDNTM tại các xã điểm. Trên cơ sở đó, Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình; phối hợp liên ngành rà soát, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới (giai đoạn 2011 – 2015, giai đoạn 2016 – 2020), tuyên truyền nhiệm vụ thực hiện tiêu chí nông thôn mới đến khắp địa bàn khu dân cư, xác định nâng cao thu nhập của người dân nông thôn là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”, tập trung, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ liên kết tiêu thụ, hỗ trợ nhân lực Hợp tác xã, chương trình và kế hoạch để cung cấp kiến thức mang tính hội nhập cho bà con nông dân, với nhiều chuyên đề định hướng người dân chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020”. Bên cạnh đó, UBND huyện, thị xã, thành phố và 119 xã ban hành kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của Tỉnh từ nay đến năm 2020.

Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác XDNTM, tỉnh xây dựng tài liệu tập huấn Chương trình và tổ chức 175 lớp tập huấn cho 15.177 cán bộ, công chức phụ trách XDNTM các cấp, nhằm giúp cán bộ phụ trách XDNTM các cấp hiểu đúng hơn về mục đích, ý nghĩa và nội dung về Chương trình, những chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM, cách thức quản lý và thực hiện các nội dung của Chương trình, thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình; mặt khác, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi các mô hình mới, cách làm hay trong XDNTM ở các địa phương.

Kết quả huy động nguồn lực XDNTM giai đoạn 2016 đến 9/2019 được hơn 93.536,627 tỷ đồng (trong đó, huy động từ cộng đồng dân cư và vốn khác 840,770 tỷ đồng), so với giai đoạn 2010-2015, tổng huy động vốn thực hiện Chương trình cho giai đoạn này tăng 59.969,416 tỷ đồng từ vốn tín dụng, vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp Trung ương, ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp, vốn cộng đồng và từ nguồn khác đều tăng; giai đoạn 2010 - 2019 đã nâng cấp, sửa chữa hơn 1.657 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 1.113 cây cầu; sửa chữa, xây mới 6.711 căn nhà, thắp sáng 214,79 km đường quê, tham gia 721.769 ngày công, hiến đất 2.588.462 m2 đất,…góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Tổng giá trị hơn 1.555,426 tỷ đồng. Đến tháng 09/2019, toàn Tỉnh có 55/119 xã được UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 28 xã so năm 2015) đạt 46,21%. Trong đó có 30/30 xã điểm giai đoạn 2011 - 2015, 13/37 xã điểm giai đoạn 2016 – 2020, 12/52 xã diện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh"; phong trào nông dân thi đua XDNTM, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào “Tuổi trẻ Đồng Tháp chung sức XDNTM”; …. Nhiều địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao như thành phố Cao Lãnh 7/7 xã (đạt 100%), thị xã Hồng Ngự 04/04 xã (đạt 100%), huyện Tháp Mười 9/12 xã (đạt 75%), huyện Cao Lãnh 9/17 xã (đạt 53%); riêng thành phố Sa Đéc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đơn vị hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới năm 2016.

Dự kiến cuối năm 2019, có thêm 12 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 67), 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự) và 01 huyện (Tháp Mười) đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã là 17 tiêu chí (đạt 100% chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra cho đến năm 2020) và không còn xã dưới 12 tiêu chí; dự kiến đến cuối năm 2020 có 79 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,39% (vượt chỉ tiêu chung 65% của toàn quốc, vượt so chỉ tiêu 51% của kế hoạch Tỉnh). Trong đó có 37 xã điểm giai đoạn 2016 -2020 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch của Tỉnh).

Nhìn chung, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình trên cơ sở những thành quả đạt được, bài học kinh nghiệm, trong đó chú trọng chấn chỉnh, đổi mới phương thức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình cho cả giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến XDNTM thực chất và bền vững; gắn kết nhiều chương trình, dự án, đề án trong XDNTM, như Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự 8 xã biên giới”,… tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện cơ chế nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động trong xây dựng các công trình nông thôn gắn với nhu cầu sản xuất, dân sinh từ ý nguyện của người dân theo phương châm “dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” trong XDNTM.

Mục tiêu thời gian tới, XDNTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, gắn kết chặt chẽ Chương trình XDNTM gắn với Tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; huy động nguồn lực thực hiện chương trình trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ thực hiện Chương trình là 2.125 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp và vốn ngân sách địa phương: 1.500 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 625 tỷ đồng). Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao, 5% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn cao gấp 1,6 lần so năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm (ứng với tiêu chuẩn nghèo mới) 1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; phấn đấu đến năm 2030 có 100% đơn vị huyện hoàn thành hoặc đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Trần Thắng