Xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số - Thực tiễn ở Nghệ An

(Mặt trận) - Nhiệm kỳ 2019 - 2024 là một nhiệm kỳ nhiều khó khăn, thách thức và tôi luyện ý chí, bản lĩnh của người cán bộ vì dân, khi mà có đến hơn một nửa nhiệm kỳ chúng ta phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống thiên tai bão lũ, dịch bệnh Covid-19; một nhiệm kỳ mà càng khó khăn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng được củng cố, phát huy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã luôn nỗ lực, quyết tâm “bứt phá” chuyển đổi số và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giai đoạn mới và làm rõ nét hơn hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số.

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Hội thánh Tin lành Việt Nam và Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Tiền Giang thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh

 Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện thỏa thuận hợp tác triển khai các giải pháp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và VNPT Nghệ An. ẢNH: PV 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ, Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Theo Người, “Cán bộ làm công tác Mặt trận phải tích cực và phải chủ động giúp cấp uỷ Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận, phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về Mặt trận; làm việc phải kiên nhẫn, phải tha thiết với công tác Mặt trận”.

Với mục tiêu xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận đủ mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, luôn đi cùng và bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại - Người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (Ban Thường trực) đã xác định: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là giải pháp “sống còn” để đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động của Mặt trận theo hướng hiệu quả, thiết thực, khắc phục triệt để tình trạng phô trương, hình thức, “bệnh” hành chính hóa…

Chuyển đổi số đòi hỏi mỗi cá nhân và tổ chức phải nhận thức đúng về sự cần thiết, tính cấp bách thay đổi phương thức tiếp cận, tư duy và cách làm việc hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ số, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận.

 

Định vị bản thân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và xây dựng bộ nhận diện hình ảnh Mặt trận Nghệ An, hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số

Để toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò “nòng cốt” của Mặt trận trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trước hết, Mặt trận phải định vị được mình trong hệ thống chính trị, bản thân mỗi cán bộ Mặt trận cũng phải thay đổi và nâng cao nhận thức để tạo ra được những “sản phẩm” có ích cho cộng đồng, gắn với hình ảnh người cán bộ Mặt trận được xây dựng toàn diện, đồng bộ cả về chất và nhận diện.

Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Nghệ An có 16.808 vị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và 3.804 Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; trong đó, có 1.486 vị chuyên trách các cấp tham gia Ban Thường trực; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường trực đã tổ chức nhiều Hội nghị “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận” từ cơ sở, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận. Từ đó, đã triển khai các giải pháp cụ thể, như: mời diễn giả truyền cảm hứng nổi tiếng trong nước, trực tiếp diễn thuyết chủ đề “Xây dựng hình ảnh Người cán bộ Mặt trận Tổ quốc”, nhằm góp phần định vị bản thân, tạo cảm hứng, động lực và chuyển hóa nhận thức của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; Mời chuyên gia tập huấn cho đội ngũ Mặt trận về Chuyển đổi số; Tổ chức cuộc thi ý tưởng slogan: Khẩu hiệu hành động của Mặt trận Nghệ An được chọn là “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”;

Phát động cuộc thi thuyết trình về lựa chọn màu nhận diện hình ảnh của Mặt trận Nghệ An: Màu vàng lúa chín (một trong các màu logo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) là màu được chọn làm áo đồng phục của hệ thống Mặt trận tỉnh, đây cũng là màu nhận diện hình ảnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An trên tất cả các tài liệu và nền tảng trực tuyến với biểu tượng logo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An.

Định hướng chiến lược, triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong hệ thống Mặt trận toàn tỉnh

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; với quan điểm chỉ đạo “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội”; theo đó, mục tiêu đến năm 2025 “Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”.

Đảng đoàn, Ban Thường trực đã ký thỏa thuận hợp tác với VNPT Nghệ An1, theo đó, tập trung 9 nhóm giải pháp chính: Hoàn thiện hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử, Fanpage, Zalo OA; Hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (mở rộng cho các cấp); Ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản (I-Office) và thực hiện chữ ký số điện tử; Số hóa hồ sơ, dữ liệu lưu trữ trực tuyến trên các lĩnh vực trong công tác Mặt trận; Xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo trực tuyến; Triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến; Triển khai giải pháp quản trị nhân lực và hỗ trợ công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu hoạt động Mặt trận; Xây dựng hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và Mặt trận, chính quyền; Các giải pháp công nghệ thông tin khác phù hợp với nhu cầu của Mặt trận các cấp.

Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số2, Tổ giúp việc3, phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU riêng cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội4, theo đó, đã xác định: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là nội dung cấp bách và quan trọng, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chương trình chuyển đổi số.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số5, với quan điểm:

“Chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện và mang tính đột phá chiến lược; đòi hỏi quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và phải được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất và hiệu quả”, hướng tới mục tiêu tổng quát “Đổi mới tổng thể và toàn diện các hoạt động của Mặt trận trên địa bàn tỉnh dựa trên nền tảng công nghệ số, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận; thúc đẩy việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”; đồng thời, ban hành Chương trình hành động chuyển đổi số6 với 8 nội dung chính; xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số, đánh giá tiến độ, gắn chấm điểm tiêu chí thi đua, khen thưởng hàng năm.

 

Những kết quả bước đầu triển khai các giải pháp chuyển đổi số - kỳ vọng vào sự đổi mới tổng thể và toàn diện các hoạt động của Mặt trận

Trên cơ sở xác định người dân và đội ngũ cán bộ Mặt trận là trung tâm của chuyển đổi số, với thiết bị di động thông minh là phương tiện chính trong thế giới số; Ban Thường trực đã xây dựng lộ trình và thống nhất lựa chọn những nội dung có thể triển khai ngay, không áp lực về kinh phí và tác động rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân để làm trước và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

1) Triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản (I-Office) và thực hiện chữ ký số điện tử từ tỉnh đến cấp xã, đảm bảo liên thông 3 cấp cho 1.603 tài khoản; tích hợp chữ ký số theo số điện thoại cá nhân; văn bản được xử lý mọi lúc, mọi nơi dành nhiều thời gian đi cơ sở hơn; đồng thời tiết kiệm được chi phí photo, in ấn và gửi văn bản.

2) Thực hiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đến 21 đơn vị cấp huyện và 460 đơn vị cấp xã7.

3) Triển khai phần mềm báo cáo đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh với hơn 680 tài khoản, giúp người dùng thực hiện các kĩ năng báo cáo nhanh, chính xác, thống nhất, đồng bộ, hạn chế các sai sót.

4) Xây dựng và ứng dụng các phần mềm chuyên môn, như: Phần mềm quản lý an sinh xã hội về nhà ở; phần mềm lấy ý kiến hài lòng của người dân về Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phần mềm quản lý các loại quỹ...

5) Số hóa cơ sở dữ liệu các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, nhằm giúp cho công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng các hoạt động Mặt trận thuận lợi, tiết kiệm qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận trong tình hình mới.

6) Phối hợp thí điểm xây dựng hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và chính quyền, có sự tham gia của Mặt trận tại 3 đơn vị: Thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc và Con Cuông.

7) Thiết lập hệ thống hộp thư công vụ cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh và cấp huyện; thiết lập và vận hành có hiệu quả các trang mạng xã hội, như: Website http://mattrannghean.org.vn, Fanpage https://www.facebook.com/ubmttqnghean, Zalo OA https://zalo.me/554412811254740721, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả thông tin, tuyên truyền, tạo môi trường tương tác hai chiều với người dân để tuyên truyền, vận động, tập hợp, nắm bắt tình hình Nhân dân, định hướng dư luận xã hội.

Những dấu ấn đổi mới từ quyết tâm “bứt phá” chuyển đổi số, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Với quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận các cấp; khẳng định vị trí, vai trò “nòng cốt” của Mặt trận trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét - dấu ấn của sự đổi mới phát triển, cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng và thống nhất bộ nhận diện hình ảnh của Mặt trận Nghệ An, lấy màu vàng lúa chín (một trong bốn màu đặc trưng của biểu trưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) làm màu trung tâm trên tất cả các tài liệu; cùng với đó là màu áo vàng đồng phục đã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng gắn với hình ảnh người cán bộ Mặt trận. Nghệ An là đơn vị duy nhất xây dựng được hình ảnh người cán bộ Mặt trận thông qua bộ nhận diện.

Thứ hai, đã thiết lập và phát huy có hiệu quả trang thông tin điện tử “Mặt trận Tổ quốc Nghệ An”, trang Fanpage “Mặt trận Nghệ An”, trang Zalo OA (Official Account) chuyển đổi số và Bản tin Công tác Mặt trận; trang Fanpage Mặt trận Nghệ An: với hơn 210.000 người thích, hơn 221.600 người theo dõi;  với 4.784 trang cộng đồng của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc toàn tỉnh và được Facebook công nhận là trang chính chủ (dấu tick xanh) - Đây là trang Fanpage đầu tiên của Mặt trận cả nước đạt thành tích ấn tượng này.

Thứ ba, đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ, sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân; cổ vũ, tôn vinh người làm công tác Mặt trận, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiêu biểu trong đổi mới, sáng tạo, như Cuộc thi: “Hiến kế ý tưởng về slogan của Mặt trận”, “Hiến kế, giải pháp về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, “Tự hào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”8, “Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giỏi”9 và cuộc thi sáng tác văn, thơ với chủ đề “Mặt trận Nghệ An trong lòng dân”10. Kết quả các cuộc thi là sự cam kết quyết tâm đổi mới của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới.

Thứ tư, là nhiệm kỳ phát huy cao nhất sức mạnh của Nhân dân thông qua kết quả kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội tiếp nhận qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, với gần 5.625,5 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới, người nghèo, cứu trợ thiên tai, dịch bệnh và công tác an sinh xã hội khác. Đặc biệt, đã tham mưu triển khai thực hiện tốt công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở từ các nguồn. Kết quả kêu gọi, vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà cao nhất từ trước tới nay, với 13.385 ngôi nhà, vượt chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2019 - 2024 là 267,7%.

Thứ năm, đã kết nối với 182 nhóm thiện nguyện (hơn 78.000 thành viên): Các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An; với tổng giá trị thiện nguyện trên 430 tỷ đồng.

Thứ sáu, tổ chức phát động, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch; với tổng giá trị kinh phí, hàng hóa hơn 308 tỷ đồng, góp phần cùng cả nước khống chế thành công đại dịch Covid -19.

Thứ bảy, tổ chức thành công Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở” giữa đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của tỉnh; đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những người làm công tác Mặt trận trước thềm Đại hội Mặt trận các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029 và ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành và quán triệt Nghị quyết 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An với sự tham gia của gần 14 nghìn đại biểu.

Thứ tám, tổ chức thành công Chương trình Ngày hội kết đoàn quy mô cấp tỉnh tại Quảng trường Hồ Chí Minh với chuỗi các hoạt động đặc sắc, có sự tham gia của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hà Tĩnh, như: Triển lãm ảnh chuyên đề “93 năm dưới ngọn cờ đại đoàn kết các dân tộc”; trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các hình ảnh, tư liệu về khối đại đoàn kết; Đêm hội kết đoàn với Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa các dân tộc Nghệ An” và Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca kết đoàn” thu hút hàng chục ngàn người tham gia, để lại nhiều cảm xúc cho người dân.

Thứ chín, những “đột phá” trong thực hiện chuyển đổi số của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã làm thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trên môi trường mạng của cán bộ Mặt trận, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhân lực; tạo tiền đề cùng Mặt trận cả nước thúc đẩy chuyển đổi số; tiến tới từng bước xây dựng, hoàn thiện hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ở Nghệ An

Một là, luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công cho công tác Mặt trận, trong đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm và sự lãnh đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu.

Hai là, phải nhận thức chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mở ra nhiều cơ hội, đổi mới tổng thể và toàn diện các hoạt động của Mặt trận các cấp trên nền tảng công nghệ số, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận; đồng thời, phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông mạng xã hội chính thống để tuyên truyền, thống nhất từ nhận thức đến hành động về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số.

Ba là, phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện và mang tính đột phá chiến lược, là giải pháp “sống còn” của hệ thống Mặt trận các cấp trong kỷ nguyên số; đòi hỏi phải có quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống Mặt trận các cấp, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và phải được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất và hiệu quả.

Bốn là, phải khảo sát, đánh giá đúng thực trạng và phân tích kỹ lưỡng cơ hội, thách thức để xây dựng chiến lược, lộ trình và hệ thống các nhóm giải pháp triển khai chuyển đổi số trong các hoạt động Mặt trận, theo đó, quan tâm đến bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là đội ngũ chuyên trách và bố trí nguồn lực tương xứng.

Năm là, tăng cường các mối quan hệ phối hợp, thống nhất hiệp thương, hành động giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp và các địa phương; coi trọng và phát huy có hiệu quả sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên, các chuyên gia và các tổ chức tư vấn trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận trên nền tảng số.

Đề xuất và kiến nghị

Để hoạt động Mặt trận các cấp thực sự đi cùng, bắt kịp với xu thế phát triển trong kỷ nguyên số, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần sớm ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận trên phạm vi toàn quốc; trước mắt, sử dụng đồng bộ hệ thống phần mềm I-Office, chữ ký số trong hệ thống Mặt trận các cấp từ Trung ương đến cơ sở; phát huy hiệu quả tuyên truyền, vận động, tiếp thu, phản hồi ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội chính thống (như: Zalo OA chuyển đổi số, Fanpage cộng đồng); chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, chia sẻ tài nguyên trên tất cả các lĩnh vực của Mặt trận; đầu tư xây dựng các phần mềm phục vụ chuyên môn, như:

Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân về các phong trào thi đua do Chính phủ phát động, các Cuộc vận động Mặt trận kêu gọi; tiếp thu, nắm bắt, tổng hợp tình hình Nhân dân, dư luận xã hội trên các kênh thông tin; tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị, phản ảnh của cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri; theo dõi kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận gửi đến các cấp chính quyền; xây dựng bản đồ số kêu gọi, hỗ trợ và quản lý hoạt động cứu trợ, an sinh xã hội; đào tạo đội ngũ cán bộ Mặt trận trực tuyến; quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế và vị trí việc làm; tổng hợp báo cáo định kỳ liên thông từ cấp xã đến Trung ương.

Tin tưởng với việc ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác Mặt trận, tạo điều kiện thuận lợi hơn với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tiếng dân, hành động vì dân” của đội ngũ Mặt trận; từng bước hoàn thiện hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số; nâng cao hiệu quả tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, khẳng định vai trò “cầu nối” tin cậy, gắn kết mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; góp phần vun đắp thêm sự lớn mạnh không ngừng của Mặt trận - “Mái nhà chung” của các tầng lớp nhân dân.

Chú thích:

1.   Thỏa thuận hợp tác ngày 19/4/2021, về triển khai các giải pháp chuyển đổi số giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và Viễn thông Nghệ An, giai đoạn 2021-2025.

2.   Quyết định 52/QĐ-MTTQ-BTT ngày 22/6/2021, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

3.    Quyết định 71/QĐ-MTTQ-BTT ngày 16/9/2021, thành lập Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

4.   Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

5.    Nghị quyết số 39/NQ-MTTQ-ĐĐ ngày 5/7/2022, của Đảng đoàn Mặt trận Nghệ An về chuyển đổi số trong công tác Mặt trận đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

6.   Quyết định 85/Ctr-MTTQ ngày 22/7/2022, Chương trình hành động chuyển đổi số trong công tác Mặt trận giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo;

7.    Từ khi vận hành đến nay, đã tổ chức hơn 175 hội nghị trực tuyến, bao gồm cả hội nghị Trung ương và hội nghị của tỉnh với hơn 87.500 lượt đại biểu tham dự hội nghị, bình quân 500 đại biểu/hội nghị; đặc biệt, Diễn đàn “Lắng nghe Tiếng nói Mặt trận cơ sở” có 442 điểm cầu và gần 14.000 người tham dự.

8.    Cuộc thi “Tự hào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đã tiếp nhận 253 tác phẩm dự thi, có 91 tác phẩm đạt giải. Đợt 1 vòng thi chuyên đề có 27 tác phẩm đạt giải; đợt 2 vòng thi chuyên đề có 27 tác phẩm đạt giải; vòng thi chung kết có 54 tác phẩm đạt giải. Từ đó, xuất bản cuốn Kỷ yếu “Gương sáng nhiệm kỳ”, nhằm tôn vinh đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức, cá nhân, là công trình thiết thực chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp.

9.    Tổng số Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia Hội thi là 450 Ban; tổng số thành viên tham gia Hội thi cấp huyện (bao gồm cả thành viên tham gia phần thi giới thiệu và tiểu phẩm) là gần 11.000 người. Tại Hội thi cấp tỉnh, Ban Tổ chức Hội thi đã trao 1 giải nhất, 4 giải nhì, 9 giải ba, 7 giải khuyến khích cho các đội thi; trao giải phụ cho 8 màn chào hỏi đặc sắc, 7 phần thi tiểu phẩm ấn tượng, 3 phần thi lí thuyết xuất sắc và 3 phần thi xử lí tình huống xuất sắc.

10.  Cuộc thi sáng tác văn, thơ “Mặt trận Nghệ An trong lòng dân” đã có 836 tác phẩm (có 54 tác phẩm văn và 782 tác phẩm thơ). Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn được 17 tác phẩm đạt giải (trong đó 1 giải đặc biệt; 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 10 giải khuyến khích) và một số giải phụ. Từ đó xuất bản cuốn thơ, văn “Mặt trận Nghệ An trong lòng dân”, là công trình thiết thực chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029.

VÕ MINH SINH -  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An