Xã hội hóa là động lực xây dựng nông thôn mới thành công

(Mặt trận) - Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Trong đó, công tác xã hội hóa là một biện pháp hiệu quả, thể hiện dưới hình thức nhân dân tự đóng góp tiền của, ngày công lao động, còn Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách, Mặt trận thì tham gia vận động người dân thực hiện.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

*

Summary: New rural development is an important policy which has been built and led by the Communist Party of Vietnam. Socialization is an effective measure, expressed in the form of contribution money and labor days of people. Besides, the State facilitates policies and the Vietnam Fatherland Front mobilizes people to implement.

Từ khóa:

Trong công cuộc đấu tranh cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khởi xướng và chỉ đạo nhiều phong trào yêu nước sôi nổi, rộng lớn, có tác động mạnh mẽ đến các nhiệm vụ chiến lược kháng chiến kiến quốc thành công: chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Các phong trào ấy đã tập hợp được đông đảo nhân dân, tầng lớp tôn giáo, già, trẻ, trai gái từ miền xuôi đến miền ngược tự giác, tích cực đồng lòng thực hiện trên mọi lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước và đã trở thành động lực quan trọng để cách mạng toàn thắng.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng và Bác Hồ đã phát động nhiều phong trào yêu nước như “Diệt giặc đói, giặc dốt”, “Đại đoàn kết dân tộc, giúp nhau sản xuất, chống đói nghèo”, phong trào “Xóa mù chữ”, “Tòng quân cứu quốc”, phong trào “Tiết kiệm”,… Để đạt hiệu quả, các phong trào thi đua trong nông dân, phụ lão, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng, tri thức, tôn giáo,… là những yếu tố tích cực để đưa cách mạng dân tộc dân chủ thực hiện người cày có ruộng, nhân dân, công nhân, trí thức làm chủ vận mệnh Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều phong trào cách mạng thi đua yêu nước lại nở rộ như “Sản xuất giỏi”, “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; ở tiền tuyến miền Nam có phong trào thi đua diệt Mỹ “Nắm thắt lưng địch mà đánh”; ở miền Bắc thì “Vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu”, “Tiết kiệm lương thực để nuôi quân, chiến đấu lâu dài”. Kế tiếp các phong trào thi đua trong thời chiến, khi hòa bình lập lại, giang sơn quy về một mối, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo nhiều phong trào mới cho công cuộc kiến quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội, như: “Doanh nhân thành đạt”, thi đua sáng tạo trong khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, phong trào nông dân, phụ nữ, thanh niên trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, phong trào “Xây dựng làng văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, ở trường học “Dạy tốt học tốt”,… Gần đây, Đảng ta đã phát động xây dựng nông thôn mới, một phong trào khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực mà chủ yếu là mối quan hệ giữa nông dân, nông thôn và nông nghiệp ở thời kỳ hội nhập.

Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là tâm tư, nguyện vọng và là nhu cầu cần thiết của nhân dân, tinh thần ấy, Đảng, Nhà nước đã nắm bắt để đề ra chủ trương chỉ đạo và có cơ chế, chính sách thích hợp cho phong trào xây dựng nông thôn mới vận hành và phát triển một cách tích cực, đúng hướng. Trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, Đảng đã khuyến khích xã hội hóa, coi xã hội hóa vừa là động lực vừa là cách thức huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới. Trong đó nguyên tắc xã hội hóa dựa trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, được biểu hiện ở 4 nội dung, như:

Một là, nhân dân làm chủ trong việc sáng tạo cách làm để thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chủ trương của Đảng là định hướng chỉ đạo thông qua cơ chế, chính sách của Nhà nước từ khâu quy hoạch đến kế hoạch thực hiện ở địa phương. Không ai khác, chính người dân chủ động tham gia ý kiến sát đúng vào quy hoạch, phương hướng cho lộ trình xây dựng nông thôn mới. Chính nhân dân là người vận dụng cơ chế, chính sách để sáng tạo cách làm, vừa đỡ lãng phí tiền của mà vẫn đảm bảo được chất lượng, bền vững, hợp lòng dân. Nhiều địa phương đã biết lồng ghép các phong trào thi đua ở khu dân cư, với cơ quan, trường học,… tạo ra sức mạnh toàn diện về mặt tinh thần trong dân để tiến hành các nhiệm vụ cụ thể xây dựng nông thôn mới. Có những địa phương đã biết khai thác thế mạnh đặc thù của từng vùng khác nhau để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới,… Nhiều nơi trong cả nước đã đặt mối quan hệ trong hệ thống chính trị như công tác dân vận Mặt trận, phụ nữ, thanh niên, chính quyền và các đoàn thể, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, những người thành đạt làm ăn xa quê vào cuộc ủng hộ phong trào đổi mới quê hương. Thực tế sự phối hợp có hiệu quả thông qua cách làm sáng tạo, nhân dân địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể phấn đấu hoàn thành tốt nhiều tiêu chí cơ bản mà Trung ương đề ra. Qua đó đã chứng minh tính sáng tạo từ chủ trương xã hội hóa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân hưởng ứng, tự giác thực hiện và sự thực những thành quả của các tiêu chí là sản phẩm đích thực phục vụ lại lợi ích cho nhân dân. Nhiều địa phương chọn đúng mục tiêu trong 19 tiêu chí để tìm cách làm, tiêu chí nào làm trước, tiêu chí nào làm sau cho phù hợp với điều kiện ở địa phương, đảm bảo chất lượng lâu bền. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, nhiều địa phương đã không cứng nhắc mà biết khai thác lợi thế hợp lý, vận dụng địa thế xã nào gần nơi huyện thị có sẵn bệnh viện, nhà văn hóa, chợ,… gần xã thì không cần xây dựng nữa mà có thể khai thác cơ sở đó để phát huy tác dụng vừa đỡ tốn kém mà vẫn đủ nội dung của 19 tiêu chí.

Hai là, xã hội hóa trong việc xây dựng nông thôn mới là nhân dân chủ động tự giác bỏ tiền, của và công sức lao động để làm, có sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ yếu là cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí theo quy định.

Nhân dân các địa phương từ làng, xã, thôn, xóm đã thấu hiểu chính những công trình họ xây dựng, sáng tạo ra là để phục vụ nhu cầu cho chính họ, như: đường làng, đường liên thôn, liên xã, trạm xá, trường học, các công trình văn hóa như di sản kiến trúc đền, chùa, nhà văn hóa,… Do đó mà nhiều người dân đã hy sinh quyền lợi cá nhân như đất ruộng, đất vườn, cây ăn quả lâu năm, cây lấy gỗ, thậm chí có gia đình phải dỡ đi phần nhà để làm đường bê tông, công trình hoặc trường học,…  Nhiều gia đình vận động con em làm ăn khá giả ủng hộ tiền, vật liệu để ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới. Quá trình xã hội hóa đã tăng thêm sự nhận thức đúng đắn, tích cực của người dân về việc đóng góp nhân tài, vật lực vào xây dựng các tiêu chí là tôn vinh giá trị của bản thân mình đối với cộng đồng để được hưởng thành quả do những cá nhân mang lại. Qua sự đóng góp, đầu tư của người dân kể cả những người làm ăn xa quê, kiều bào có quê hương đang xây dựng nông thôn mới và qua đó mà tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, thương yêu nhau hơn. Nhiều làng quê có những gia đình không có khả năng đóng góp tiền của nhưng họ đã có tinh thần trách nhiệm sẻ chia, động viên con cháu trong gia đình thực hiện tốt các quy chế xây dựng nông thôn mới mà địa phương đề ra để mọi người cùng thực hiện, tôn trọng thành quả của làng xã tạo ra.

Ba là, xã hội hóa đã tạo ra chất lượng hưởng lợi cho chính người dân tại địa phương.

Đảng ta chủ trương xây dựng nông thôn mới, mục đích cuối cùng là làm cho mọi người dân mà cụ thể là nông dân, người lao động ở nông thôn, bản làng có được một cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn nhiều trên mọi lĩnh vực. Chính vì thế, ngay cả tiêu chí về môi trường, người dân đều phải chủ động, áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mà Nhà nước hướng dẫn để tự giác làm theo, phục vụ để nâng cao sức khỏe cho chính họ và biết gắn nó vào mục đích phát triển du lịch, nhất là vùng miền núi, hải đảo, ven biển. Nhiều xã ở vùng cao người dân đã rất quan tâm đến nước sinh hoạt, nhà tiêu, nhà tắm, rác thải... cuộc đấu tranh vì dân sinh, giữa cái lạc hậu với cái tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường của quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế mà khó khăn đến mấy nhiều địa phương đã đặt ra biện pháp thực hiện tiêu chí môi trường với tinh thần phấn đấu cao để hoàn thành. Nhân dân đã biết nhận thức rõ có môi trường là có sức khỏe, có sức khỏe là có lao động khỏe để làm kinh tế giỏi, xây dựng bản làng giàu đẹp. Xã hội hóa về đầu tư cơ sở vật chất cho cái chung cũng là lợi ích riêng cho từng gia đình để xóa nghèo tiến tới làm giàu. Nhiều xã, làng từ vùng núi xa xôi đến đồng bằng nhờ có chủ trương xã hội hóa mà nhiều huyện trong tỉnh đã có đường liên thôn, liên xã, trường học, bệnh viện, trạm xá khang trang, giúp người dân có đời sống kinh tế văn hóa tiến bộ, phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Ngay trong việc dồn điền đổi thửa, lúc ban đầu nhiều người không hiểu thấu đáo, song khi đã thực hiện, chính những người dân đã phải nói lên nhờ có chủ trương này mà họ đỡ tốn công, tiết kiệm lao động, chi phí chăm sóc ruộng đồng, có đường vận chuyển nhanh hơn, đem lại lợi ích cao hơn so với trước đây.

Bốn là, xã hội hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với sự quản lý của Nhà nước.

Quản lý nhà nước chính là Nhà nước đề ra cơ chế, chính sách để các địa phương, các ngành chung sức, chung lòng nhằm tạo ra sức bật mang tính đòn bẩy để nhân dân vận dụng thực hiện đem lại hiệu quả cao mà mục tiêu là xây dựng thành công, bền vững nông thôn mới. Nhà nước, ngoài việc tạo ra những hành lang pháp lý, còn hỗ trợ một phần kinh phí hợp lý tiếp sức cho các địa phương tiến hành các hạng mục mà sức dân không đảm đương được, như: cơ sở hạ tầng, phúc lợi văn hóa, dân sinh có quy mô lớn.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, có những vấn đề nảy sinh liên quan đến di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, cây di sản hàng trăm năm tuổi cần được bảo tồn để phát huy truyền thống và góp phần vào du lịch cộng đồng, một nhu cầu của du khách gần xa trong thời kỳ hội nhập. Những mâu thuẫn về bảo tồn và phát triển là những vấn đề hiện nay có những ý kiến trái chiều, vì vậy rất cần có sự quản lý của Nhà nước thông qua Luật Di sản văn hóa. Điều đáng mừng là sau khi được các cơ quan chức năng quản lý di sản, nhân dân, chính quyền địa phương đã đồng thuận để kết hợp việc xây dựng đường liên thôn, liên xã, xây dựng công trình thủy lợi, dồn điền đổi thửa một cách hợp lý mặc dù có tốn kém công sức, chi phí nhưng vẫn bảo tồn được các công trình kiến trúc đền chùa, cây cổ thụ ở nông thôn. Những tiêu chí mà nhân dân bỏ tiền của, công sức và có sự hỗ trợ của Nhà nước đã hoàn thành, phát huy tác dụng, nâng cao chất lượng cuộc sống bản làng cần được duy trì, nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước để công trình ấy có giá trị lâu bền. Quản lý nhà nước thực chất không những thường xuyên theo dõi kiểm tra, bảo vệ, thưởng, phạt mà Nhà nước còn phải đầu tư hợp lý, có trọng điểm để tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đề ra quy chế văn hóa ứng xử, trong đó có văn hóa giao thông, dựa trên tinh thần luật định của Nhà nước.

Để duy trì bền vững chất lượng nông thôn mới ở các tiêu chí, ngoài sự nỗ lực, năng động làm chủ trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương, không thể không có sự quản lý của Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp về vốn kinh doanh, sản xuất và đào tạo cán bộ quản lý khoa học kỹ. Xã hội hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm, mọi việc phải được công khai dân chủ, bàn bạc để đồng thuận từ người quản lý đến người lao động. Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với ý thức, trí tuệ, sáng tạo đổi mới, tin chắc rằng công cuộc xây dựng nông thôn mới sẽ giành được nhiều thành công vẻ vang, góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại và phát triển.

Hoàng Hoa Mai

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa.

Tài liệu tham khảo:

1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

2. Nghị quyết số 23-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.