Vượt khó bằng sự tin yêu của nhân dân

(Mặt trận) - Với “nghề” Mặt trận, chúng tôi quan niệm khó đến đâu, gỡ đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khi đó mạch nguồn sức mạnh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt góp phần nâng đỡ, giúp tôi vượt qua đó chính là sự tin tưởng của nhân dân - bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang trải lòng.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang

PV: Được biết bà là người tham gia công tác Mặt trận từ khi còn rất trẻ. Trong khi đó, Mặt trận thường được biết đến là công tác của “các cụ, các vị”. Chắc hẳn phải có tình yêu lớn nên bà mới gắn bó đến ngày hôm nay?

Bà Diêm Hồng Linh: Có lẽ tôi là người có cơ duyên với công tác Mặt trận, đôi  khi ngẫm lại thấy thời gian công tác của mình chủ yếu dành cho Mặt trận. Quả thực, trước đây tôi cũng nghĩ công tác Mặt trận hầu như chỉ dành cho người cao tuổi. Nhưng rồi, chính bản thân thôi, lần đầu về công tác tại cơ quan Mặt trận, tôi mới ngoài 20 tuổi. Khi bắt tay vào công việc, ai cũng ngạc nhiên sao lại có “cô Mặt trận” trẻ thế. Có người nói tôi dũng cảm. Nhiều lúc tôi cũng lúng túng vì được chào “cụ Mặt trận”. Nhưng điều đó càng khiến tôi thấy mình phải cố gắng hơn, phải chững chạc hơn. Tính đến giờ đã ngót nghét 26 năm công tác, trải qua vài lần luân chuyển đến các cơ quan khác nhau, nhưng rồi đi đâu cũng lại quay về với ngôi nhà đại đoàn kết. Trải qua 16 năm công tác mới thấm thía cái khó, cái khổ nhưng công việc đã tạo điều kiện cho tôi được gần gũi với nhân dân và mang niềm vui đến cho mọi người. Do vậy, càng làm tôi càng thấy yêu mến công việc này hơn.

Công tác Mặt trận đòi hỏi nhiều thời gian, nhất là khi diễn ra những chương trình công tác quan trọng. Mặt trận cũng tham gia nhiều lĩnh vực, đòi hỏi kiến thức rộng. Chúng tôi được biết nhiều khi cán bộ Mặt trận phải làm việc ngoài giờ. Vậy làm thế nào để bà cân bằng được giữa công việc và vai trò của người vợ, người mẹ?

- Không riêng gì làm Mặt trận mà phụ nữ tham gia công tác xã hội nói chung đều phải cân bằng giữa “việc nước” và “việc nhà”. Công tác Mặt trận phải tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau, có việc cần nghiên cứu tài liệu, suy nghĩ tìm tòi cách làm; có việc phải kịp thời, trực tiếp, không tính thời gian theo giờ hành chính vì có thể phải đến với cơ sở bất kỳ lúc nào; có việc cần sự bền bỉ, kiên nhẫn, lắng nghe, mềm mỏng nhưng có việc cần sự cương quyết, thấu tình đạt lý... Do vậy, cần phải bố trí thời gian khoa học, sắp xếp công việc cơ quan và việc nhà hợp lý;  khắc phục những khó khăn, đôi khi trong cùng một thời điểm, phải xử lý sao cho hanh thông việc nước, chu toàn việc nhà. Nhiều lúc thấy mình cũng phải hơi gồng mình lên mới chu toàn mọi việc.

Giai đoạn mà tôi được phân công làm Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, phụ trách Dân chủ - Pháp luật thì cũng là lúc Quyết định 217, 218/QĐ-TW của Bộ Chính trị ra đời. Lúc đó, áp lực đè nặng lên vai. Nhiều hôm đi làm về trên khuôn mặt hằn rõ sự mệt mỏi. Nhưng sau những ngày “chông chênh” đó, tôi đã nhanh chóng lấy lại tinh thần. Khó đến đâu, gỡ đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khi đó mạch nguồn sức mạnh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt góp phần nâng đỡ, giúp tôi vượt qua đó chính là sự tin tưởng của nhân dân, của Thủ trưởng cơ quan đã tiếp sức để tôi vượt qua. Sau khi kết thúc công việc, như mọi người, tôi về với gia đình. Tôi đã may mắn có được sự động viên, chia sẻ từ gia đình nên tôi mới có được thành công như ngày hôm nay.

Bà có nghĩ phái yếu nếu biết tận dụng lợi thế của mình thì có thể biến sở đoản thành sở trường?

-Tôi nghĩ là có thể. Tôi có một kỷ niệm thấy rất vui mỗi lần nhớ đến nó. Năm 2016, MTTQ tỉnh tổ chức đoàn giám sát theo Quyết định 217/QĐ – TW và sẽ đến để làm việc trực tiếp với UBND xã. Trước khi đến đó làm việc, UBND xã vẫn nghĩ trưởng đoàn giám sát là ông Diêm Hồng Linh. Người này chắc hẳn cứng tuổi, nguyên tắc, khô khan và khó tính. Nhưng khi đoàn đến nơi và làm việc thì mọi suy nghĩ trước đó đã bị xóa nhòa. Chủ tịch UBND xã rất cầu thị tiếp thu và thẳng thắn chia sẻ rằng suốt 12 năm làm việc tại cơ sở, đã tiếp nhiều đoàn kiểm tra giám sát, nhưng chưa bao giờ được có buổi làm việc hiệu quả, bổ ích như vậy. Sau đó, UBND xã đã có báo cáo thực hiện nghiêm những kiến nghị của Mặt trận, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm mà đoàn giám sát chỉ ra. Tôi nghĩ, đây là lợi thế mà chỉ phụ nữ làm Mặt trận mới có thể làm được. Phụ nữ làm Mặt trận có thể mềm hóa nhiều vấn đề gai góc và khô cứng. Do đó, trước những vấn đề phức tạp, nếu chúng ta giải quyết có lý có tình, đặt quyền lợi của người dân lên trên lợi ích cá nhân thì mọi việc sẽ được giải quyết một cách mềm mại, uyển chuyển. Có lẽ những lợi thế ấy cần được phát huy như một chức năng đặc thù trong công tác Mặt trận vậy.

Nhiều người nói, trong xã hội hiện đại, nói phụ nữ là phái yếu không còn đúng nữa. Vì phụ nữ ngày nay năng động, tham gia nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong công tác với chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ Mặt trận?

- Để đảm đương tốt trách nhiệm với gia đình, xã hội, mỗi người phụ nữ sẽ có những kinh nghiệm riêng, đối với tôi, có lẽ phải vận dụng chức năng “cầu nối” của Mặt trận để thực hiện hai nhiệm vụ cho cân bằng. Có nghĩa bản thân mình phải làm “cầu nối” giữa việc xã hội và việc gia đình; phải được gánh cân giữa hai vai với quan điểm “khi làm việc công phải trách nhiệm như việc nhà” và khi về với tổ ấm thân yêu thì mình lại biến thành “Cô Tấm” để lo cho chồng con chu đáo. Muốn vậy, cần phải phát huy tối đa yếu tố thiên bẩm của người phụ nữ là sắp xếp, thu vén sao cho thật khéo, để cho dù là phái yếu nhưng vẫn luôn được phái mạnh suy tôn “ba đảm đang”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Và dù có gánh nặng hai vai, thì chúng ta vẫn phải tươi duyên để lan tỏa tình yêu thương tới mọi người ở mọi  nơi và mọi lúc.

Trân trọng cảm ơn bà!