(Mặt trận) -Thực hiện quy định giãn cách xã hội, đường phố yên ả, hẻm nhỏ vắng lặng nhưng mọi người vẫn cảm nhận được sức sống mãnh liệt từ những mái nhà sáng đèn ấm cúng, hạnh phúc. Dù khang trang hay đơn sơ, đầy đủ hay thiếu thốn, không gian đó luôn chan hòa tình thân ruột thịt. Và cũng từ nơi đó, lòng nhân ái, bao dung tiếp tục được nhân lên, lan tỏa trong những ngày giãn cách…
|
Khuyến khích các con cùng học, cùng chơi kết nối tình thân những ngày giãn cách (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: Kiều Chinh |
Sáng sớm, bà Tuyến (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) tưới xong đám rau cải, đậu bắp tươi xanh, quay sang ngó giàn mướp, dưa leo đang ra hoa, mấy mẻ giá chờ thu hoạch, vẻ hài lòng, mãn nguyện. Bà Tuyến khoan khoái nhìn khắp lượt khoảng sân thượng, trước đầy cỏ dại, giờ bao phủ màu xanh mơn mởn. Các cháu nội, ngoại xúm xít phụ bà nhổ cỏ, tưới cây. Lát nữa, bà Tuyến hái mớ rau, quả chế biến món ăn, để cả nhà quây quần bên mâm cơm vui vẻ, hạnh phúc. Ðiều khiến bà Tuyến phấn khởi nhất là không khí gia đình ấm áp, chan hòa. Bà bộc bạch: “Lâu nay, tụi nhỏ đi làm từ sáng sớm đến chiều tối, cuối tuần bận rộn công tác, đi chơi, nên cũng khó gặp”.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, kéo dài và diễn biến phức tạp, cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, không ra đường khi không cần thiết, tiệm bách hóa của bà Tuyến phải đóng cửa tạm nghỉ, con cháu gián đoạn việc làm, việc học. Tuy mất nguồn thu nhập, cả nhà phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng bà Tuyến thấy ấm áp vì thường xuyên được trò chuyện với con cháu, không khí vui tươi. Bữa nọ, xem trên ti vi giới thiệu mô hình trồng rau tại nhà, bà Tuyến nảy sinh ý định cùng con cháu “bắt chước” vun đất, làm giàn, gieo hạt trên tầng thượng. Lúc đầu, các con bàn ra, trồng chi mất công mà không kết quả, trong khi các cháu lăng xăng phụ bà vì chẳng mấy khi được thỏa sức đùa nước, nghịch đất… Khi vườn rau đâm tược, các con bà thay nhau thức sớm chăm tưới. Bà Tuyến phấn khởi gọi điện, quay clip khoe với mấy bà bạn trong đội thể dục dưỡng sinh khu phố, tuy dịch bệnh phức tạp nhưng nhà bà có hẳn “vùng xanh” yên bình.
Bà Ngọc Kim (quận Cái Răng) cho biết, đang động viên vợ chồng con trai út làm việc ở TP Hồ Chí Minh cố gắng giữ gìn sức khỏe, thực hiện quy định 5K, đừng lo các con vẫn mạnh khỏe, bình an. Gần 5 năm nay, vợ chồng thằng út gởi 2 con cho bà, lên thành phố làm việc, dịp Tết mới về thăm nhà. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà nóng ruột gọi điện nhắn con về từ lâu nhưng các con nói ráng cầm cự, sợ trở về bà nặng lo. Các con lấy chồng, cưới vợ, bà Kim chia khu đất gần nhà cho mỗi người ra riêng, làm đủ nghề mưu sinh, tuy không dư dả nhưng cũng no cơm ấm áo, dành dụm phòng khi hữu sự. Còn mấy công đất bà Kim đầu tư trồng dưa hấu nên hằng năm tích lũy số vốn kha khá. Bà Kim quyết định trích số tiền này “choàng gánh” khó khăn, lo bữa cơm ngon, rồi giúp con cháu các khoản chi phí học hành khi năm học mới sắp đến. Bà nói: “Tôi lớn tuổi rồi, đâu chi tiêu gì nên giúp đỡ các con là lẽ thường để có thể xốc lại tinh thần, chung sức đẩy lùi dịch bệnh”. Bà Kim dự định, sau khi hết dịch, sẽ khuyên vợ chồng thằng út trở về quê kiếm việc làm khác, vừa không phải bươn chải ly hương, vừa chăm sóc, dạy dỗ các con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Cùng hoàn cảnh và tâm trạng bà Ngọc Kim, mẹ chị Vân Lan (quận Ninh Kiều) có 5 người con đều yên bề gia thất nhưng làm ăn ở xa. Do các con làm lao động phổ thông nên không khá giả gì, đủ chăm lo gia đình. Chị Lan là con gái lớn, lấy chồng nhưng sống chung với mẹ để tiện chăm sóc, đỡ đần và an ủi mẹ vơi nỗi nhớ con cháu. Về hưu mấy năm nay, chị Lan phụ mẹ bán tiệm cà phê trước nhà, kiếm thêm thu nhập. Chị Lan kể, thường ngày, mẹ luôn quan tâm cuộc sống gia đình các con, ai đủ ăn mẹ mừng, ai thiếu hụt lại lo. Khi dịch bùng phát, mẹ phải tạm nghỉ bán, có dịp ở nhà chăm sóc các con chị Lan. Việc đầu tiên mẹ chị Lan thực hiện là rút một phần tiền tiết kiệm “dưỡng già”, chuyển khoản cho các con để an tâm “ở yên trong nhà”; khích lệ chị Lan “hùn” thêm để mua gạo, nhu yếu phẩm, khẩu trang và phân công các cháu ngoại phân chia nhiều phần quà, gởi tặng bà con ở quê, để chia sẻ khó khăn với mọi người. Mẹ thường xuyên gọi điện động viên gia đình các con vững vàng vượt qua dịch bệnh. Cùng với việc chấn chỉnh nền nếp cuộc sống, hạn chế các cháu sử dụng điện thoại, ipad, mẹ hướng dẫn làm việc nhà, nấu bếp, tranh thủ đọc sách, chơi cờ… Lúc đầu, các cháu chưa quen việc nên nhăn nhó, phụng phịu, “cầu cứu” cha mẹ, nhưng dần dà cũng vào “khuôn”. Chị Lan kể, lúc ngừng kinh doanh do dịch, chị ái ngại mẹ tuổi cao khó thích nghi sẽ sinh bệnh, thế nhưng mẹ chị Lan rất lạc quan, theo dõi sát thời sự, quan tâm nhắc nhở người thân áp dụng biện pháp phòng, chống dịch.
Trong thâm tâm ai cũng mong những ngày giãn cách qua mau, dịch bệnh nhanh chóng lùi xa, nhịp sống xã hội sẽ trở lại trạng thái bình thường mới. Mọi người lại tập trung sức lực, trí tuệ hoàn thành những công việc, kế hoạch dở dang. Thiết nghĩ, mọi người, mọi nhà thích nghi với giãn cách xã hội là đã thành công, chọn cách sống chậm lại, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch ngày mai.
Mai Thy