(Mặt trận) -Ngày 26/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án và nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”. Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì hội nghị.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh chủ trì hội nghị. |
Những năm qua, các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Vĩnh Phúc vận động nhân dân phát huy nội lực, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia ý kiến, phản biện, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân... góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh còn những hạn chế như phương thức sinh hoạt chủ yếu của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở còn nặng về phổ biến một chiều; việc tập hợp hội viên, đoàn viên có nơi chỉ quan tâm đến số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng; tỷ lệ tập hợp quần chúng ở những vùng dân tộc, tôn giáo còn thấp.
Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên, đoàn viên ở một số nơi còn chậm; việc nắm bắt tình hình hội viên, đoàn viên chưa kịp thời…
Để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh theo phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”; đổi mới công tác vận động quần chúng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”... Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã xây dựng dự thảo Nghị quyết “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”.
Với mục tiêu, trong giai đoạn 2022-2025, mỗi cơ quan MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh xây dựng, triển khai 1 - 3 đề án, đề tài nghiên cứu khoa học cùng cấp áp dụng vào thực tiễn. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
Hằng năm, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng mới hoặc nhân rộng ít nhất từ 10 mô hình, điển hình trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Phấn đấu đến hết năm 2025, hộ nghèo, đoàn viên, hội viên nghèo trên địa bàn tỉnh được quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1%...
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí với nội dung, bố cục của đề án và nghị quyết. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các căn cứ, luận cứ thể hiện rõ sự cần thiết, cấp bách phải ban hành đề án và nghị quyết.
Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng lại kết cấu của đề án và nghị quyết, bổ sung, lược bỏ một số câu từ cho phù hợp, bảo đảm sự chặt chẽ; xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức thành viên đảm bảo hướng mạnh về cơ sở.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh cho biết đây là cơ sở thực tiễn để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề án và nghị quyết trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo Báo Vĩnh Phúc