Về Tức Tranh nghe chuyện giảm nghèo

(Mặt trận) -Xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên hiện có 2.366 hộ với gần 9.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30%. Đầu năm 2022, Tức Tranh còn 28 hộ nghèo và 62 hộ cận nghèo, là xã có số hộ nghèo thấp nhất trong 13 xã của huyện. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực phát triển kinh tế gia đình của người dân.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Cây chè đã giúp nhiều hộ dân ở xã Tức Tranh thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Nhiều năm trước đây, gia đình anh La Văn Sơn ở xóm Khe Cốc luôn sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào 3 sào chè. Vì vậy, gia đình anh mãi không ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2017 gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ một con bò nái sinh sản và vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo.

Nhờ biết tận dụng sự hỗ trợ và cần cù, chịu khó nên cuộc sống gia đình anh dần ổn định. Anh Sơn phấn khởi cho biết: Có vốn tôi đã đầu tư cải tạo, trồng mới được 8 sào chè và trồng 2 sào cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Đầu năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Cũng là một trong những hộ thoát nghèo cùng năm với gia đình anh Sơn, anh Trần Minh Châu, xóm Khe Cốc cho hay: Để trang trải cuộc sống sinh hoạt cho 5 nhân khẩu trong nhà, cách đây 6 năm tôi đã quyết định cải tạo gần 5 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng chè, cùng với đó tôi còn theo anh em trong xã đi làm cơ khí, mỗi ngày trung bình cũng được khoảng từ 300 - 350 nghìn đồng.

Giai đoạn 2016-2020, Khe Cốc là xóm đặc biệt khó khăn duy nhất của xã, có 64 hộ nhưng tới trên 50% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Ông La Văn Thư, Trưởng xóm Khe Cốc chia sẻ: Mặc dù cây chè là cây trồng chủ lực của người dân trong xóm nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do diện tích trồng còn hạn chế, chủ yếu là trồng trên đồi cao, phần lớn là chè trung du đã lâu năm, bị thoái hóa. Do đó, xóm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống chè lai F1, TRI 777, LDP1... có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế. Đồng thời cải tạo những diện tích trồng màu, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chè. Nhờ đó, tổng diện tích chè của xóm tăng từ 10ha năm 2016 lên gần 30ha năm 2022. Cây chè đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định và dần được nâng cao, xóm cũng ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2020.

Với quyết tâm đẩy mạnh thực hiện chính sách giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, những năm qua, xã Tức Tranh đã tập vào công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho từng năm.

Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Sau khi phân tích rõ các nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của các hộ, xã đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp như: Đối với những hộ thiếu vốn thì tạo điều kiện để các hộ được vay vốn ưu đãi; tích cực phối hợp mở các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật; lồng ghép các nguồn vốn từ những chương trình, dự án, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo.

Từ năm 2016 đến nay, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, các đoàn thể của xã đã huy động được trên 80 triệu đồng để xóa 8 nhà tạm và 500 triệu đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm dành để hỗ trợ hộ nghèo. Ngoài ra, các hộ nghèo còn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội... Nhờ đó, số hộ nghèo của xã đã giảm từ 264 hộ nghèo và 252 hộ cận nghèo năm 2016 xuống còn 28 hộ nghèo và 62 hộ cận nghèo đầu năm 2022.

Với những kết quả đạt được, năm 2021 xã Tức Tranh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Chia sẻ về công tác giảm nghèo trong thời gian tới, ông Lê Minh Thảo cho biết thêm: Xã tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo, huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Vũ Công