(Mặt trận) - Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Cán bộ, công chức là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. Việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) có đủ phẩm chất, năng lực là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Qua tìm hiểu kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản và thực tiễn Việt Nam, bài viết đưa ra một số khuyến nghị về đào tạo cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn hiện nay.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản và thực tiễn Việt Nam
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Để bảo đảm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đạt kết quả, Trung Quốc giao cho một cơ quan có thẩm quyền đưa ra quy hoạch và thống nhất chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Thiết lập cơ chế mới về quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã cho từng cấp, từng ngành sao cho có hiệu quả.
Thời gian đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã thường là một năm, nếu ngắn hạn thì 3 hoặc 4 tháng. Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Giáo trình giảng dạy phải thường xuyên đổi mới cho phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá và xây dựng chế độ giám sát kết quả đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở Trung Quốc rất linh hoạt, thiếu gì đào tạo, bồi dưỡng nấy. Đào tạo, bồi dưỡng cả tư cách nhậm chức cho cán bộ, công chức cấp xã. Nếu cán bộ, công chức không được đào tạo, bồi dưỡng đủ các tiêu chuẩn theo quy định thì không đề bạt, bổ nhiệm.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Hiện nay ở Nhật Bản, hầu hết tất cả mọi người, kể cả các chính trị gia và giới ngôn luận đều thừa nhận rằng, quan chức nhà nước nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng, là những người rất ưu tú. Tư chất và năng lực này được quyết định bằng những kỳ thi tuyển nghiêm ngặt và bằng sự đào tạo, bồi dưỡng liên tục sau khi tuyển dụng.
Sau khi được tuyển dụng, cán bộ, công chức cấp xã vẫn được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng với hai hình thức: đào tạo, bồi dưỡng qua kinh nghiệm làm việc tại chỗ và qua các lớp huấn luyện ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Mục đích của việc tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công chức cấp xã nắm bắt những vấn đề mới trong việc quản lý hành chính, phân tích được những khuynh hướng mới trong kinh tế, chính trị của nước mình và của thế giới để vận dụng vào việc định ra các chính sách và tổ chức thực thi các chính sách tại địa phương có kết quả cao nhất...
Thực tiễn Việt Nam
Sau khi có Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18/3/2002 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, từ Trung ương đến cơ sở, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật để cụ thể hóa đường lối của Đảng, trong đó có lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Các cấp ủy, chính quyền đã coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được phát triển cả số lượng và chất lượng.
Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về xã, phường, thị trấn công tác đã từng bước trẻ hóa và nâng cao trình độ về các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Chất lượng đội ngũ được nâng lên cả về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh một số kết quả tích cực, lĩnh vực công tác này vẫn tồn tại nhiều bất cập, không ít cán bộ, công chức cấp xã trong hệ thống chính trị chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, không được thường xuyên bồi dưỡng bổ trợ kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành chính, tin học... nên chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý, điều hành ở địa phương; cán bộ, công chức cấp xã hầu hết chưa qua đào tạo chính quy, cơ bản, còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng; việc nắm bắt thông tin chậm dẫn tới thiếu tính nhạy bén, linh hoạt trong xử lý công việc, hiệu quả thực thi công vụ còn thấp, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương.
Một số giải pháp về đào tạo cán bộ, công chức cấp xã trong giai đoạn hiện nay
Một là, về quan điểm tổng quát là đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã thực sự trở thành một giải pháp cơ bản, then chốt nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở nông thôn, cơ sở. Quan điểm cụ thể là đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng mà phục vụ. Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có năng lực, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, có đủ khả năng xây dựng hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiên tiến, hiện đại. Việc tổ chức đào tạo ngày càng được nâng cao, chất lượng tốt, đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên sâu, có khả năng truyền thụ, yêu ngành, yêu nghề. Cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Hai là, cần xây dựng được bộ khung tiêu chí về đội ngũ cán bộ cấp xã, đặt ra những yêu cầu đối với cán bộ và công chức cấp xã:
Về trình độ học vấn: Cán bộ, công chức cấp xã yêu cầu phải tốt nghiệp phổ thông trung học, trung học bổ túc văn hóa; phải được đào tạo, bồi dưỡng để có trình độ chuyên môn nhất định về tổ chức quản lý và các hoạt động về lĩnh vực đảm nhiệm, tiến tới phải qua đào tạo để có bằng trung cấp chuyên môn trở lên.
Về trình độ chính trị: Cán bộ, công chức cấp xã đòi hỏi cần thiết phải được trang bị trình độ lý luận chính trị nhất định, để có quan điểm chính trị vững vàng, phải nắm được đường lối, quan điểm của Đảng về công tác chính quyền cơ sở theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và các chỉ thị, nghị định của Chính phủ. Cán bộ và công chức cấp xã còn phải nhạy bén và có quan điểm đúng để nắm bắt và triển khai các chủ trương của các cấp ủy và chính quyền các cấp về sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về trình độ chuyên môn: Một cán bộ, công chức cấp xã cần phải có khả năng về tổ chức quản lý và chuyên môn. Nếu chuyên môn nghiệp vụ giỏi thì càng thuận lợi cho công tác và thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển. Những phẩm chất đòi hỏi người cán bộ, công chức cấp xã phải có là sở trường, nhiệt huyết và lòng say mê nghề nghiệp. Cán bộ, công chức cấp xã vừa là người hướng dẫn, tổ chức các hoạt động ở cấp xã, vừa là người thực hiện nên đòi hỏi họ phải giỏi cả về phương pháp tổ chức, cả hoạt động cụ thể để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng đến nhân dân. Cán bộ, công chức cấp xã phải am hiểu và nắm bắt được những nghiệp vụ chuyên môn thì mới quản lý, tổ chức các hoạt động đó được.
Về uy tín: Một cán bộ, công chức cấp xã phải bằng việc làm của mình, bằng hiệu quả của công việc để làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền; đồng thời bằng hiệu quả công việc nâng cao niềm tin của quần chúng, lôi kéo họ vào các hoạt động. Cấp ủy, chính quyền ủng hộ, quần chúng tin tưởng thì uy tín và sức mạnh của cán bộ và công chức cấp xã ngày càng được nâng cao.
Ba là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cán bộ, công chức cấp xã từ Trung ương tới mỗi địa phương. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức cấp xã dài hạn, trung hạn và ngắn hạn sát với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhu cầu lâu dài; đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm đạt những mục tiêu đề ra, đảm bảo tính ổn định lâu dài. Đồng thời, thường xuyên kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ khuyết cho thời kỳ sau. Việc xác định quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở từng địa phương cần được coi trọng, có kế hoạch hiệu quả, cụ thể.
Bốn là, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy quản lý. Ngày nay, cải cách hành chính đã chuyển sang một bước mới với bốn nội dung: cải cách thể chế hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Mục tiêu của cải cách là hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, tiết kiệm, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Để thực hiện có hiệu quả yêu cầu cải cách hành chính, các cơ quan nhà nước đang đứng trước những đòi hỏi cần phải đổi mới sâu sắc và toàn diện về tổ chức, về phương thức hoạt động, đặc biệt là công tác xây dựng nguồn nhân lực.
Trước tình hình đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đang được chú trọng theo hướng chuyển đổi từ mô hình đào tạo cứng nhắc, mang nặng tính áp đặt sang đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí công việc và theo nhu cầu của đối tượng; đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ; coi trọng công tác giáo dục đạo đức và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.
Phương thức
|
Đặc điểm
|
Ưu điểm
|
Nhược điểm
|
Đào tạo cơ bản từ trường
|
Thời gian học dài, học tập trung theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có bằng cấp.
|
Đào tạo theo hệ thống, học viên có học vấn.
|
Tốn kém về thời gian, không phù hợp với người đang đi làm việc.
|
Đào tạo ngắn hạn
|
Hình thức đào tạo ngắn hạn, tinh giản và rút ngắn thời gian đào tạo, người học có thể hành nghề đạt kết quả chấp nhận được. Học theo chuyên đề, không có bằng cấp.
|
Đáp ứng được nhu cầu cấp bách của thực tiễn ở cơ sở, bổ sung thêm kiến thức cho công tác nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.
|
Không có bằng cấp, chỉ có giấy chứng nhận, sau phải đào tạo lại.
|
Đào tạo tại chức (đào tạo vừa học, vừa làm)
|
Học viên vừa học, vừa làm, có bằng hoặc chứng chỉ.
|
Vừa đi học, vừa tham gia làm việc ở địa phương, không ảnh hưởng nhiều đến thời gian làm việc, nhiều người theo học, vận dụng ngay được vào thực tế.
|
Chất lượng thấp nếu không tổ chức tốt.
|
Đào tạo ngắn hạn và đào tạo vừa học, vừa làm.
|
Có chứng chỉ, bằng cấp, vừa có kiến thức cơ bản, bổ sung kịp thời các kiến thức đang cần trong công việc.
|
Nhiều người tham gia, không phải tốn nhiều thời gian đi lại.
|
Tốn kém kinh phí, mang tính hình thức, chất lượng không cao nếu không tổ chức tốt.
|
Phạm Thị Hồng Loan
Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ