Vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương triển khai thực hiện. Kết quả xây dựng nông thôn mới đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa nhân dân vùng nông thôn với thành thị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Mặt trận vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Thông qua Cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, chương trình của Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động đã được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp thực hiện, tạo cơ chế đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Cuộc vận động1. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kết quả đạt được thể hiện qua các nội dung:

Thứ nhất, thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã động viên nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp ở từng địa phương; các cấp vận động nông dân giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các nguồn lực đóng góp từ nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, như: hiến đất làm đường, xây dựng các công trình dân sinh nông thôn...; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn... Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, trong 10 năm qua nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm đường, công trình dân sinh, đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.

Thứ hai, hỗ trợ nguồn lực xây dựng nông thôn mới thông qua thực hiện Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội: Trong 10 năm (2008 - 6/2018), Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp đã vận động được 12.285 tỷ đồng; vận động an sinh xã hội được 40.128 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo", nguồn an sinh xã hội và hỗ trợ của cộng đồng đã xây dựng, sửa chữa được 741.945 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, tạo thêm nguồn lực giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở, ổn định cuộc sống. Năm 2017, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11), Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo”. Tại chương trình, các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, các Tổng công ty... tham gia hưởng ứng đăng ký ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và chương trình an sinh xã hội tổng số tiền trên 264 tỷ đồng.

Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 919,483 tỷ đồng; các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội trên 3.207 tỷ đồng tại địa phương; đã giúp đỡ, xây dựng và sửa chữa 32.414 căn nhà Đại đoàn kết; giúp đỡ 155.423 hộ nghèo phát triển sản xuất, 2.729.328 lượt người nghèo được khám chữa bệnh, 322.114 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng 1.305 công trình dân sinh (cầu, đường, lớp học, trạm xá...) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn.

Hàng năm, khi thiên tai bão lũ xảy ra, đối với những đợt thiên tai nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi vận động ủng hộ; kịp thời đi thăm hỏi, động viên, cứu trợ trực tiếp đến địa phương và nhân dân vùng bị thiệt hại, giúp họ ổn định cuộc sống. Trong 10 năm, Ban Cứu trợ các cấp đã vận động phân bổ hàng nghìn tỷ đồng giúp đỡ các địa phương và người dân bị thiên tai (Quỹ cứu trợ Trung ương vận động tiếp nhận được 240,748 tỷ đồng, phân bổ 185,948 tỷ đồng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra).

Vận động nhân dân tham gia giám sát trong xây dựng nông thôn mới

Mặt trận các cấp đã hướng dẫn nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc giám sát các nội dung, dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xác định nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các chính sách, dự án trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoạt động giám sát của Mặt trận đã giúp cho Chính phủ, chính quyền và ngành chức năng các cấp điều chỉnh các nội dung và chính sách trong xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phù hợp hơn và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các hoạt động giám sát trong nông nghiệp, nông thôn, như: giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giám sát bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và Nhà nước đầu tư; giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá, giống, vốn, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; giám sát xây dựng các công trình dân sinh; bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo; xây dựng và quản lý quỹ hỗ trợ nông dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, chủ động đăng ký với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. Thông qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia giám sát xây dựng nông thôn mới như thực hiện các công trình phúc lợi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế hỗ trợ và huy động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa... Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tuyên truyền cho cán bộ, bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập để kiến nghị với cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tham gia phản biện đóng góp ý kiến đề xuất vào dự thảo các văn bản của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền các cơ quan, ban, ngành về các chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam các cấp tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tham gia góp ý vào các dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội ban hành, tham gia góp ý vào một số cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn2. Thông qua các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp và kiến nghị những nội dung sát hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Một số kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa.

Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT, ngày 24/4/2017 về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã; tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân. Việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Thông qua thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp, chủ trì và thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đã tạo được sự đồng thuận cao, từ đó phát huy được nội lực của người dân và thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới; Thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận đã góp phần làm cho các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hỗ trợ nông dân ngày càng hiệu quả, chất lượng, đáp ứng được mong đợi của nhân dân.

Một số giải pháp xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay

Một là, nâng cao hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; phương thức, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". 

Hai là, vận động nguồn lực thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nông dân ở địa bàn nông thôn.

Vận động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, như: Vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đỡ đầu các huyện nghèo, xã nghèo, khu dân cư nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên; vận động hộ gia đình và nhân dân góp công, góp của phù hợp với điều kiện thực tế để tạo nguồn lực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Thực hiện hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân hiệu quả hơn. Đồng thời, tổ chức việc phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án… về xây dựng nông thôn mới; những chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đang diễn ra ở địa bàn dân cư, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và công tác giảm nghèo bền vững, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo tự quản của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống cư dân nông thôn đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.

 Trương Thị Ngọc Ánh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP- ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 7/10/2016  giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

2. Trong 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tham gia hơn 11 ngàn dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó tham gia thẩm định hơn 370 đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.