Vai trò của MTTQ Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

(Mặt trận) - Từ trong đấu tranh giải phóng dân tộc chuyển sang xây dựng kinh tế trong điều kiện hòa bình, từ thời kỳ thực hiện mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là những bước chuyển giai đoạn trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời kỳ kinh tế thị trường, Mặt trận đứng trước những thử thách không nhỏ. Vị trí, vai trò của Mặt trận phải từng bước xác định cho rõ dần trên cơ sở tìm tòi, tổng kết từ thực tiễn. Bài viết của tác giả phân tích làm rõ vị trí và vai trò của Mặt trận trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết tại tỉnh Phú Thọ

Đạ Huoai (Lâm Đồng): Bàn giao 7 căn nhà đại đoàn kết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Lai Châu trao nhà đại đoàn kết năm 2024

 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bên lề buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển kinh tế của đất nước mà Việt Nam đã lựa chọn. Tuy nhiên, đây là mô hình phát triển kinh tế chưa có tiền lệ trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường. Do vậy, nhận thức về khái niệm này còn nhiều sự khác biệt. Mỗi quốc gia có điều kiện lịch sử riêng và áp dụng khái niệm kinh tế thị trường phù hợp với đất nước mình.

Ở Việt Nam, trách nhiệm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thuộc về cả hệ thống chính trị, gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) lần đầu tiên được xác lập chính thức trong đường lối, chính sách, pháp luật của Việt Nam. Song dù là tổ chức nào trong hệ thống chính trị, đều cần nghiên cứu nhận dạng rõ những đặc điểm của nền kinh tế thị trường, tùy theo vị trí của tổ chức mình, mà xác định vai trò của tổ chức đó trong nền kinh tế thị trường.

Do đặc điểm lịch sử cụ thể của Việt Nam, nền kinh tế thị trường có những đặc điểm sau đây:

Kinh tế thị trường mới ở thời kỳ sơ khai, những thế mạnh và nhược điểm của nó chưa đủ thời gian bộc lộ đầy đủ. Đó là nền kinh tế thị trường còn non trẻ so với thế giới.

Vừa thoát ra từ một nền sản xuất nhỏ, năng suất lao động còn thấp, thể chế thị trường chưa hoàn bị, cơ sở hạ tầng non yếu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường. Ảnh hưởng tâm lý, tập quán tiểu nông còn nặng nề. Tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hóa và chế độ bao cấp còn tồn tại dai dẳng. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, gia tăng độ chênh lệch giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập. Nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới là hiện hữu.

Sự phát triển không đồng đều của các nguồn nhân lực trong nước, những vết rạn nứt trong cộng đồng dân cư do hậu quả chia cắt, phân ly của nhiều thập kỷ chiến tranh để lại đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận đến thị trường và hội nhập quốc tế, ảnh hưởng đến việc huy động mọi tiềm năng của toàn dân tộc vào việc xây dựng kinh tế, xã hội, phát triển thị trường.

Kinh tế thị trường ở Việt Nam chính thức phát triển mạnh sau khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh, thị trường thế giới và khu vực đã thay đổi theo những biến động trong việc cấu trúc lại các thế lực chính trị toàn cầu, trong đó sự xuất hiện của những nền kinh tế mới nổi, với những chính sách tác động đến quan hệ bang giao quốc tế vì quyền lợi dân tộc. Thực trạng đó đòi hỏi Việt Nam phải lựa chọn con đường hội nhập quốc tế, khai thác các nguồn lực trong nước vào quá trình hội nhập, trong đó đặc biệt chú trọng đến 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên các châu lục.

Nền kinh tế thị trường gắn liền với sinh hoạt dân chủ, công khai, minh bạch, một quan hệ xã hội bình đẳng và sòng phẳng. Trong những năm qua, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt những thành tựu quan trọng, trong đó có những tiến bộ đáng kể trong dân chủ hóa đời sống xã hội. Tuy nhiên, đó mới là những kết quả bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm để phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong xã hội, mới đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó, nhằm khắc phục bệnh gia trưởng, quan liêu, khép kín trong đời sống.

Kinh tế thị trường ở Việt Nam ra đời và vận hành trong điều kiện Việt Nam đang tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền. Hệ thống luật pháp mang tính dân chủ, hàng ngũ công chức, viên chức và chế độ công vụ của Nhà nước Việt Nam tuy đã bước đầu hình thành, nhưng vẫn đang phải tìm tòi, hoàn thiện, còn nhiều hạn chế và bất cập. Thói quen duy tình nặng hơn duy lý là thói quen không tương hợp với kinh tế thị trường, nhưng đang tồn tại, len lỏi trong các ngõ ngách của hoạt động thị trường, là một yếu tố để hình thành nên "lợi ích nhóm", ảnh hưởng nặng nề đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Những đặc điểm trên đây đặt ra vấn đề, làm thế nào phát huy được sức mạnh tiềm tàng của toàn dân tộc để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với điều kiện của Việt Nam? Mỗi thành tố trong hệ thống chính trị, tùy theo vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình mà góp phần trả lời câu hỏi đó. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thể hiện ở các mặt sau đây:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển xã hội, tạo ra nguồn sức mạnh nội lực to lớn để phát triển sản xuất, làm ra sản phẩm hàng hóa dồi dào với năng suất và chất lượng cao chính là tiền đề cho nền kinh tế thị trường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các thành viên là các tổ chức, các cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội để thực hiện chủ trương đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng những sự khác nhau vì mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại đoàn kết toàn dân trong điều kiện nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi sâu tìm hiểu lợi ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, lắng nghe ý kiến của họ, phản ánh với các cơ quan có trách nhiệm hoạch định và thực thi chính sách, đề ra thể chế kinh tế thị trường phù hợp.

Việt Nam coi đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản, phải được thể hiện trong mọi chủ trương, chính sách, kể cả trong thể chế thị trường, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của mọi giai tầng xã hội, gắn quyền lợi với trách nhiệm, lợi ích riêng của mỗi người với nghĩa vụ công dân, lấy lợi ích dân tộc làm trọng, tạo điều kiện thuận lợi nhằm triệt để giải phóng sức sản xuất, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế ra sức phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu hợp pháp, để "Người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá và giàu, người khá và giàu thì giàu thêm” (Hồ Chí Minh). Trong một nền kinh tế thị trường như vậy, chỉ có cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng theo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gạt bỏ tình trạng "cá lớn nuốt cá bé", chỉ có quy tụ không có loại trừ lẫn nhau. Đó chính là cách tiếp cận kinh tế thị trường từ góc độ đại đoàn kết dân tộc để định hướng cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong điều kiện hiện nay và bền bỉ tuyên truyền vận động tư tưởng này trong các thành viên của mình, trong các tầng lớp nhân dân để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường, làm cho kinh tế thị trường bảo đảm tính hiện đại và văn minh.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam động viên phong trào thi đua, khai thác mọi tiềm năng cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở đoàn kết toàn dân, tạo sự tin cậy, đồng thuận xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên, động viên phong trào thi đua yêu nước trong các ngành, các giới, các địa phương, từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, phấn đấu lao động sản xuất giỏi, chất lượng hàng hóa cao, hạ thấp giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bám sát phong trào, nhân rộng điển hình, tạo khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Nhà nước vận động nhân dân giải quyết những vấn đề bức xúc trên thị trường, trước hết là ở thị trường nông thôn, như: tái cấu trúc sản xuất hàng hóa, giải quyết những vấn đề vướng mắc đầu vào và tiêu thụ sản phẩm,... Phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát, tìm hiểu những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách về thị trường... để kiến nghị với Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích trong nhân dân, gồm cả các doanh nhân và kiều bào về chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, để họ yên tâm xóa bỏ mặc cảm, bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Phát hiện những nguồn lực quốc gia đang bị thất thoát, lãng phí do quản lý kém, đặc biệt là nguồn lực con người, kiến nghị phương hướng khắc phục.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần đẩy mạnh dân chủ, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.

Vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", xây dựng đời sống tự quản ở cơ sở, phối hợp tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cử thẩm phán tòa án nhân dân các cấp. Triển khai sâu rộng trong nhân dân phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Những hoạt động đó của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần tạo môi trường xã hội ổn định cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa trên thị trường cả nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước. Thông qua hoạt động của tổ chức thành viên và ủy viên, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ trung ương đến cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi thu hút dư luận xã hội rộng rãi, là nơi thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng, tâm tư, tiếng nói đa chiều của mọi tầng lớp nhân dân, phản ảnh kịp thời mọi động thái và phản hồi của xã hội. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa thông tin đến các cấp lãnh đạo và quản lý từ vi mô đến vĩ mô để kịp thời xử lý.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân, là diễn đàn để truyền đạt, giao lưu giữa các cấp lãnh đạo với những đại biểu mọi tầng lớp nhân dân cho thấu lý đạt tình, làm cho mọi chính sách được lan tỏa trong nhân dân. Những hình thức hoạt động đa dạng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thực hiện trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận, ngày nay đang được tiếp tục vận dụng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là một trong ba khâu đột phá của quá trình phát triển ở Việt Nam hiện nay. Thế mạnh của kinh tế thị trường là mở đường cho việc phát huy mọi tiềm năng của xã hội để đầu tư phát triển, trong đó có tiềm năng vật chất và tiềm năng trí tuệ. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh đó, các nhà lãnh đạo và quản lý phải tìm tòi xác lập được thể chế kinh tế thị trường phù hợp với tính ưu việt của CNXH, vì con người, cho con người. Nhưng đó lại là việc làm đầy khó khăn, không đơn giản và dễ phạm sai lầm chủ quan, duy ý chí, thoát ly thực tế, không đáp ứng được quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân, khó kết hợp kinh tế thị trường với các mục tiêu xã hội. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật, chính là nhằm góp phần khắc phục khó khăn đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Đây là vai trò đặc thù của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đặt ra trong thời kỳ mới, khi mà những mặt trái của kinh tế thị trường tác động đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, trong đó nổi lên là tình trạng phân hóa giàu - nghèo, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và lối sống thực dụng. Trong điều kiện ở "Việt Nam chỉ có một Đảng chính trị duy nhất lãnh đạo thì nguy cơ mắc bệnh chủ quan, duy ý chí, độc đoán, mất dân chủ dễ dàng dẫn đến những quyết sách không phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường".

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức của dân, đại diện cho quyền lợi của dân, làm mọi việc có thể làm để bảo vệ quyền lợi của dân. Giám sát và phản biện xã hội được đặt ra trên cơ sở quan điểm ấy.

Giám sát quyền lực là yêu cầu khách quan của chế độ dân chủ, gắn với những đặc điểm của kinh tế thị trường, trong xã hội có nhiều lực lượng tham gia giám sát quyền lực, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hoặc các tổ chức thành viên của Mặt trận tiến hành, nhằm theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, công chức, viên chức trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật. Thông qua việc cử các đoàn giám sát và qua hoạt động thường xuyên của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở cùng các hình thức khác như quan sát, đối thoại,... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra những kiến nghị, yêu cầu để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, kể cả việc đề nghị bãi nhiệm đại biểu cơ quan dân cử không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Luật pháp của Nhà nước đòi hỏi các tổ chức và cá nhân được giám sát phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo điều kiện để Mặt trận tiến hành việc giám sát. Những kết quả giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chịu trách nhiệm, được chuyển đến các tổ chức có liên quan để xử lý. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục theo dõi việc xử lý những kiến nghị và thông báo cho các nơi được giám sát biết trong thời hạn quy định. Những việc làm đó tuy mới bắt đầu, phạm vi còn hẹp, nhưng là hướng đi đúng, được nhân dân đồng tình.

Phản biện xã hội là hoạt động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc các thành viên của Mặt trận tiến hành, nhằm nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước liên quan đến đời sống của nhân dân. Đó là hoạt động mang tính khách quan, khoa học, xây dựng, được tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Các hình thức phản biện xã hội gồm có hội nghị phản biện, gửi văn bản phản biện hoặc đối thoại... được tiến hành với sự tham gia của các thành viên, hội viên và nhân dân. Những kiến nghị trong phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được gửi đến các tổ chức có liên quan và yêu cầu phúc đáp trong thời gian quy định, đồng thời được thông báo đến các chủ thể được phản biện.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội là hình thức mới trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ chế kiểm soát quyền lực mang tính xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường, do đặc điểm tính quần chúng rộng rãi của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những thông tin phản hồi của các tầng lớp nhân dân thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kịp thời chuyển tải một cách có tổ chức đến giới lãnh đạo và quản lý. Đó là một hình thức dân chủ, góp phần khắc phục tính chia cắt, khép kín trong hoạt động kinh tế - xã hội không phù hợp với kinh tế thị trường. Tuy mới tiến hành trong thời gian gần đây, nhưng hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã có kết quả nhất định, làm cho một số quyết sách của lãnh đạo gắn liền với thực tiễn cuộc sống nhiều hơn.

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Kinh tế thị trường gắn liền với hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa là một yêu cầu tất yếu khách quan hiện nay. Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận đóng vai trò quan trọng hỗ trợ thúc đẩy hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế và các cá nhân bạn bè, thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức của dân nên dễ dàng mở rộng quan hệ tiếp xúc với mọi đối tác trên thế giới không phụ thuộc vào ý thức hệ hoặc chế độ chính trị, nhiều khi còn khai thông những mối quan hệ mà Đảng, hoặc Nhà nước ít có cơ hội tiếp xúc. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ít bị ràng buộc bởi những nghi thức ngoại giao, những thủ tục truyền thống, nó linh hoạt và đa dạng, phong phú và rộng rãi, hiệu quả cao và tiết kiệm, tăng thêm hiểu biết và môi trường thân thiện củng cố hòa bình và hữu nghị tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện tính nhân dân của nền ngoại giao, nó tương thích với tính nhân dân của nền kinh tế thị trường và góp phần mở rộng thị trường ra ngoài biên giới, huy động các nguồn lực bên ngoài tham gia vào thị trường trong nước.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.

Kinh tế thị trường gắn liền với hội nhập quốc tế, tạo nên những nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Vừa hội nhập quốc tế lại vừa phải gìn giữ bản sắc dân tộc là một yêu cầu, thử thách lớn mà các dân tộc đều phải đối mặt, đòi hỏi phải bền bỉ tìm giải pháp để không bị đánh mất bản sắc dân tộc mình. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động giáo dục và nêu cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính, truyền thống văn hóa dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tác động và khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân ở trong nước và ngoài nước lòng yêu nước và ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, biết gạn đục khơi trong, gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp, gạt bỏ ảnh hưởng tiêu cực làm sói mòn bản sắc dân tộc... Những hoạt động đó xuất phát từ bản chất, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực tế, vận dụng cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Vẫn còn sớm để rút ra những kết luận từ những hoạt động kể trên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực tiễn sẽ cho câu trả lời và giúp cho việc hình thành quan điểm lý luận về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Không giống như các đoàn thể quần chúng là tổ chức xã hội của các giới, các lứa tuổi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải hoạt động theo mô hình một tổ chức liên minh, liên hiệp tự nguyện, trong môi trường có nhiều lợi ích khác nhau, nhiều khi đối lập nhau có thể dẫn tới xung đột xã hội. Thị trường luôn thay đổi, lợi ích cũng thay đổi theo. Trong bối cảnh ấy, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải nhạy bén và linh hoạt trong phát huy vai trò của mình đối với các thành phần của thị trường. Bài học kinh nghiệm về tính nhạy bén và linh hoạt đã được tích lũy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cần được vận dụng cho phù hợp với điều kiện mới ngày nay, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Trần Hậu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam